25 năm qua, nhiều công trình giao thông lớn đã trở thành biểu tượng, mang dấu ấn về sự phát triển năng động, sáng tạo của thành phố Đà Nẵng.
Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông được thành phố quan tâm đầu tư sớm nhằm tạo đòn bẩy phát triển kinh tế - xã hội thành phố. TRONG ẢNH: Cầu vượt khác mức ngã ba Huế là một trong những công trình giao thông có thiết kế hiện đại của thành phố. Ảnh: THÀNH LÂN |
Giao thông đi trước
Năm 1997, thời điểm thành phố vừa được chia tách, hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, thiếu các công trình lớn tạo động lực phát triển. Từ bờ đông sang bờ tây sông Hàn chỉ có 2 cây cầu tại một địa điểm là cầu Nguyễn Văn Trỗi và cầu Trần Thị Lý. Ngay sau đó, Đà Nẵng đã nâng cấp, mở rộng và xây mới nhiều tuyến đường và cầu. Hàng loạt công trình giao thông trọng điểm được xây dựng.
Từ chỗ ban đầu, thành phố chỉ có khoảng 360 tuyến đường cùng chiều dài mạng lưới đường bộ từ quốc lộ đến đường liên thôn, xã khoảng gần 425km; đến nay, thành phố có khoảng 2.440 tuyến đường với tổng chiều dài gần 1.500km và 75 cầu, trong đó có gần 10 cây cầu bắc qua sông Hàn và sông Cẩm Lệ cùng 7 tuyến đường thủy nội địa. Xuyên suốt quá trình phát triển, Đà Nẵng chọn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông làm bước đột phá.
Theo đó, hàng loạt các công trình giao thông quy mô lớn, hiện đại được xây dựng và đưa vào khai thác như: cầu quay Sông Hàn, cầu Rồng, cầu Thuận Phước, cầu Trần Thị Lý, cầu Tiên Sơn và các tuyến đường Lê Duẩn, Nguyễn Tất Thành, Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa, Bạch Đằng, Phạm Văn Đồng, Trần Hưng Đạo, Điện Biên Phủ, Nguyễn Văn Linh, Hàm Nghi, Nguyễn Hữu Thọ...
Các công trình này đã góp phần đẩy nhanh quá trình chỉnh trang, đô thị hóa và chỉ trong một thời gian ngắn, Đà Nẵng gần như thay đổi hẳn diện mạo với hạ tầng giao thông ngày một hoàn thiện. Từ đây, các trục giao thông nội thị được đầu tư, kéo theo việc hình thành các khu đô thị mới ở khu vực vùng ven nội thành, đưa Đà Nẵng từ đô thị loại 2 vươn lên trở thành đô thị loại 1 cấp quốc gia.
Đặc biệt, thực hiện các nghị quyết Đại hội Đảng, Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thành phố đã dành sự quan tâm lớn cho đầu tư phát triển giao thông vận tải. Qua đó, hạ tầng giao thông ngày càng được nâng cao, góp phần đưa thành phố trở thành trung tâm kinh tế, chính trị, xã hội của khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Một số công trình giao thông hiện đại như đường cao tốc, cảng biển, cảng hàng không quốc tế, cầu... đã được đầu tư xây dựng đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế, tạo diện mạo mới cho Đà Nẵng. Cụ thể như nút giao thông ngã ba Huế; cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan; tuyến đường vành đai phía nam (Hòa Phước - Hòa Khương); tuyến đường Nguyễn Tất Thành nối dài; mở rộng hầm Hải Vân giai đoạn 2; đường và cầu qua sông Cổ Cò; cải tạo nâng cấp các nút giao thông trọng điểm; nâng cấp, mở rộng Nhà ga hành khách quốc tế Đà Nẵng; cảng Tiên Sa giai đoạn 2... Các công trình trên được đưa vào sử dụng, đánh dấu bước phát triển nhanh của hệ thống giao thông thành phố, mở rộng không gian đô thị, kết nối hiệu quả với các trục quốc lộ và khu vực lân cận.
Tạo đòn bẩy để bứt phá
Theo Phó Giám đốc phụ trách Sở Giao thông vận tải Bùi Hồng Trung, trong thời gian tới thành phố tiếp tục triển khai, đẩy nhanh tiến độ thi công nhiều dự án trọng điểm như: tuyến đường vành đai phía tây; tuyến đường ven sông Tuyên Sơn - Túy Loan; tuyến đường trục 1 tây bắc; tuyến đường vành đai phía tây 2; cải thiện hạ tầng giao thông thành phố Đà Nẵng - OFID; đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu, di dời ga đường sắt và tái phát triển đô thị; cụm nút giao thông phía tây cầu Trần Thị Lý; nâng cấp, cải tạo tuyến đường ĐT601; tuyến đường Hòa Phú - Hòa Ninh... Ngoài ra, sở tiếp tục tham mưu thành phố kiến nghị Bộ Giao thông vận tải đẩy nhanh tiến độ dự án mở rộng quốc lộ 14B (giai đoạn 2), quốc lộ 14G, quốc lộ 14D và đoạn cao tốc Hòa Liên - Túy Loan, nâng cấp Nhà ga hành khách T3...
Có thể nói, 25 năm qua, hạ tầng giao thông Đà Nẵng phát triển đồng bộ theo hướng văn minh, hiện đại, bứt phá đi lên từ giao thông đối nội đến giao thông đối ngoại, tạo nên sự thay đổi về tầm vóc, quy mô và diện mạo thành phố. Trong đó, các trục giao thông hướng tâm, cửa ô, các nút giao cắt, đường vành đai được cải tạo, nâng cấp và xây mới đã bước đầu nâng cao năng lực giao thông đô thị. Từng con đường, cây cầu, tuyến phố đáp ứng nhu cầu đi lại và mở ra nhiều cơ hội phát triển cho người dân, đặc biệt dân cư bờ đông sông Hàn, vùng rốn lũ Hòa Xuân, khu vực tây bắc thành phố...
KTS Hồ Duy Diệm, nguyên Trưởng ban quy hoạch thành phố Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng muốn phát triển nên mở rộng về phía tây; do vậy, phải sớm xây dựng các trục giao thông kết nối đông - tây, các đường vành đai. Bên cạnh đó, xây dựng các trục giao thông xuyên qua sân bay kết nối đông - tây; xây dựng hầm qua sông Hàn nối tuyến đường Đống Đa với Vân Đồn; xây cầu đường bộ nối tuyến đường 29 Tháng 3 (Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ) sang Bùi Tá Hán (quận Ngũ Hành Sơn)... Theo KTS Trần Dân, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Đà Nẵng, thành phố đã tạo dấu ấn với hạ tầng giao thông đồng bộ, khởi sắc, tạo cơ hội phát triển thông thương. Nỗ lực đầu tư hạ tầng giao thông sẽ tiếp tục tạo điều kiện, đòn bẩy tốt cho Đà Nẵng bứt phá.
Theo nhìn nhận của ông Bùi Hồng Trung, hạ tầng giao thông là một trong những niềm tự hào của người dân Đà Nẵng. Giao thông với nhiệm vụ “đi trước mở đường” đã hoàn thành xuất sắc vai trò là “đòn bẩy” làm thay đổi diện mạo thành phố, thúc đẩy mở rộng, phát triển khu vực đô thị theo hướng văn minh, hiện đại; thúc đẩy quá trình đô thị hóa khu vực nông thôn theo hướng bền vững. Sự phát triển, hoàn thiện hạ tầng giao thông thành phố trở thành động lực quan trọng trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành phố. Cùng với đó, việc hình thành các trục, đầu mối giao thông quan trọng về vận tải và trung chuyển hàng hóa trong nước và quốc tế đã góp phần xây dựng Đà Nẵng đã trở thành đầu mối giao thông quan trọng, là hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên.
THÀNH LÂN