Trong 11 tháng năm nay, toàn quốc xảy ra 10.137 vụ tai nạn giao thông, làm chết 5.111 người, bị thương 7.059 người - giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, tình hình giao thông vẫn phức tạp.
Lực lượng Cảnh sát Giao thông tỉnh Bắc Ninh nhắc nhở chủ phương tiện về các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên cao tốc Hà Nội-Lạng Sơn. (Ảnh: Thanh Thương/TTXVN) |
Sáng 3-12, Hội nghị An toàn giao thông năm 2021 do Ủy ban An toàn giao thông quốc gia tổ chức bước vào phiên làm việc toàn thể.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ, Ủy viên thường trực Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết, tai nạn giao thông đã và đang gây ra những thiệt hại nghiêm trọng đối với sinh mạng, sức khỏe và tài sản của người dân, cũng như quá trình phát triển kinh tế, xã hội ở Việt Nam và trên toàn thế giới.
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm, tai nạn giao thông cướp đi sinh mạng của gần 1,35 triệu người và làm cho hơn 50 triệu người khác lâm vào cảnh thương tật vĩnh viễn suốt đời. Cùng với đó, hàng năm, nền kinh tế toàn cầu bị thiệt hại khoảng 2,5% tổng giá trị GDP, tương đương khoảng 1.500 tỷ USD do tai nạn giao thông.
Ở Việt Nam, trong những năm qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của nhân dân, công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đã đạt được những kết quả rõ rệt, tai nạn giao thông liên tục được kéo giảm cả về số vụ, số người chết và số người bị thương, ùn tắc giao thông trong các đô thị lớn đã từng bước được khắc phục.
Tai nạn giao thông năm 2020 đã giảm sâu nhất cả số vụ, số người chết, số người bị thương trong vòng 10 năm qua và lần đầu tiên số người chết do tai nạn giao thông giảm xuống dưới 7.000 người.
Trong 11 tháng năm 2021, toàn quốc xảy ra 10.137 vụ tai nạn giao thông, làm chết 5.111 người, bị thương 7.059 người. So với cùng kỳ năm 2020, số vụ tai nạn giao thông giảm 24,72%, số người chết giảm 1.104 người (17,76%), số người bị thương giảm 29,47%.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Lê Đình Thọ, tình hình trật tự, an toàn giao thông ở Việt Nam vẫn còn diễn biến phức tạp, tai nạn giao thông còn ở mức cao, ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn đang gia tăng.
Cùng với quá trình tăng trưởng mạnh mẽ và hội nhập sâu rộng của nền kinh tế, nhu cầu giao thông và số lượng phương tiện giao thông sẽ tiếp tục gia tăng nhanh chóng, tạo nên sức ép lớn về ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông, cùng với đó chúng ta cũng đang phải thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Thực tế này đòi hỏi phải tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, từ hoàn thiện thể chế pháp luật, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, nâng cao năng lực quản lý nhà nước, xây dựng văn hóa giao thông để khắc phục, kiềm chế và đẩy lùi tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông, hướng tới một hệ thống giao thông an toàn và thân thiện.
Nhiệm vụ tìm ra được những giải pháp khoa học, thiết thực, hiệu quả phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hóa, chính trị và xã hội ở Việt Nam được đặt trên vai các nhà khoa học, các chuyên gia.
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe 5 báo cáo chính: Ảnh hưởng của phân loại đường theo chức năng đến giao thông và an toàn; Hiệu quả tiềm năng chương trình đạo tạo nâng cao khả năng nhận biết và xử lý các tình huống nguy hiểm trên đường cho người điều khiển môtô, xe gắn máy tại Việt Nam; Nhận xét chấn thương sọ não do tai nạn liên quan đến đồ uống có cồn cấp cứu tại Bệnh viện hữu nghị Việt Đức; An toàn giao thông trong quy hoạch và thiết kế TOD: giải pháp cho phát triển đô thị hiện đại; Ứng dụng camera giám sát xử phạt vi phạm nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại Việt Nam.
Trong phiên thảo luận diễn ra chiều 2-12, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về các kết quả nghiên cứu khoa học liên quan đến an toàn giao thông của tất cả các phương thức vận tải đường bộ, đường sắt, thủy nội địa, hàng hải và hàng không, gồm 9 chủ đề: Quản lý an toàn giao thông; Hạ tầng và tổ chức giao thông; Phương tiện giao thông; Người tham gia giao thông; Ứng phó sau tai nạn giao thông; An toàn giao thông đường sắt; An toàn giao thông đường thủy nội địa và hàng hải; An toàn giao thông hàng không và Kinh nghiệm quốc tế về an toàn giao thông.
Hiện trường một vụ tai nạn giao thông trên Quốc lộ 6 đoạn qua huyện Yên Châu (Sơn La) hồi tháng 2-2021. (Ảnh: Hữu Quyết/TTXVN) |
Theo Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng, tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông quý 3-2021 vừa qua, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã chỉ đạo chủ đề Năm An toàn giao thông 2022 là “xây dựng văn hóa giao thông gắn với phòng, chống dịch Covid-19.”
Chủ đề này gắn với tinh thần chung của toàn Đảng, toàn dân sau khi Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc.
“Việc xây dựng văn hóa giao thông phải thực hiện với một tinh thần mới, tâm thế mới, quan điểm mới. Nhìn nhận văn hóa giao thông bằng các hành vi cụ thể của người tham gia giao thông, nhưng đồng thời cũng là văn hóa hành nghề, văn hóa chuyên nghiệp của những người làm công tác xây dựng, thiết kế, quy hoạch đến thực thi pháp luật, bảo trì, quản lý vận tải, tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm,” ông Khuất Việt Hùng nhấn mạnh.
Theo ông Khuất Việt Hùng, nhiệm vụ 2022 là rất lớn, trong đó có vai trò của các nhà khoa học trong việc đi sâu nghiên cứu để xây dựng được văn hóa chuyên nghiệp trong thực thi pháp luật về giao thông, xây dựng văn hóa tham gia giao thông của người dân, đặc biệt là của thế hệ trẻ.
Theo TTXVN/Vietnam+