Từ ngày 1-7-2021, 6 quận: Hải Châu, Thanh Khê, Liên Chiểu, Sơn Trà, Cẩm Lệ và Ngũ Hành Sơn, với 45 phường trên địa bàn thành phố triển khai thí điểm mô hình chính quyền đô thị theo Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. Đến nay các địa phương đã đạt được một số kết quả khả quan.
Hiện nay, hoạt động của các quận sau khi thí điểm mô hình chính quyền đô thị đã đi vào ổn định. TRONG ẢNH: Người dân giao dịch tại bộ phận “Một cửa” quận Ngũ Hành Sơn. Ảnh: TRỌNG HUY |
Hoạt động của UBND quận, phường đi vào ổn định
Phó Chủ tịch HĐND thành phố Cao Thị Huyền Trân cho biết, qua kết quả giám sát triển khai thí điểm mô hình CQĐT ở các quận, phường cho thấy, việc thực hiện các nhiệm vụ để triển khai thí điểm mô hình tổ chức CQĐT thực hiện đúng kế hoạch, bảo đảm tiến độ các yêu cầu đặt ra. Công tác bố trí, sắp xếp tổ chức bộ máy, công tác cán bộ về cơ bản đã hoàn thành tốt.
Về quản lý tài chính, ngân sách, đến nay các quận, phường được phân bổ dự toán điều chỉnh 6 tháng cuối năm 2021 và được bổ sung dự toán bảo đảm để thực hiện nhiệm vụ là đơn vị dự toán ngân sách. Nhìn chung, bước đầu các địa phương phát huy tính chủ động, thẩm quyền và chế độ trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu quận, phường. Công tác quản lý điều hành của UBND các quận, phường thông suốt, hiệu quả, nhất là nhiệm vụ phòng, chống Covid-19.
Theo Bí thư Quận ủy Hải Châu Vũ Quang Hùng, thực hiện thí điểm mô hình tổ chức CQĐT, quận đã bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo quản lý đối với chủ tịch, phó chủ tịch UBND phường nhiệm kỳ 2021-2026; giao số lượng công chức theo từng vị trí chức danh tại UBND các phường; chuyển 174 cán bộ, công chức phường thành công chức quận; chỉ đạo mở 2 lớp bồi dưỡng quản lý Nhà nước ngạch chuyên viên cho cán bộ, công chức quận, phường; hướng dẫn rà soát, điều chỉnh những nội dung liên quan trong công tác tổ chức, cán bộ, quy chế hoạt động phù hợp với mô hình tổ chức CQĐT. Đến nay, về cơ bản quận đang triển khai thực hiện theo yêu cầu đề ra.
Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn Nguyễn Hòa cho hay, qua thời gian triển khai thí điểm mô hình CQĐT, hoạt động của UBND quận, phường cơ bản đi vào ổn định. Với việc ban hành và tổ chức thực hiện Quy chế làm việc của UBND quận, phường, bước đầu phát huy vai trò chủ động, trách nhiệm, sáng tạo của UBND quận, phường trong quá trình phục vụ người dân một cách tốt nhất, đáp ứng sự hài lòng của tổ chức, cá nhân và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của quận nói riêng, góp phần phát triển của thành phố nói chung. “Để có cơ sở xem xét, đánh giá bước đầu, UBND quận đã tiến hành khảo sát mức độ hài lòng của tổ chức, công dân đối với dịch vụ hành chính công với 785 lượt khảo sát, qua đó ý kiến đánh giá rất hài lòng là 256/785 (33%); ý kiến đánh giá hài lòng là 529/785 (67%)”, ông Hòa nói.
Theo Chủ tịch UBND quận Thanh Khê Hồ Thuyên, sau khi triển khai thí điểm mô hình CQĐT, quy trình giải quyết công việc, thời gian ra quyết định, tổ chức triển khai thực hiện quyết định của tập thể UBND, chủ tịch UBND phường nhanh hơn, chủ động hơn và bảo đảm các quy định thuộc thẩm quyền cá nhân và tập thể. Qua triển khai, sự chỉ đạo, điều hành của UBND quận đối với UBND phường luôn bảo đảm tính liên thông; các mối quan hệ trong công tác của phường với quận, cấp ủy Đảng, Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp và các cơ quan, đơn vị khi thực hiện thí điểm mô hình không có gì thay đổi so với trước.
Sau hơn 5 tháng thực hiện mô hình chính quyền đô thị, hoạt động tại các quận, phường trên địa bàn thành phố đã ổn định. TRONG ẢNH: Chủ tịch UBND quận Hải Châu Lê Tự Gia Thạnh (bên phải) tiếp dân để lắng nghe, giải quyết nguyện vọng ở cơ sở. Ảnh: TRỌNG HUY |
Tháo gỡ những bất cập phát sinh
Ông Vũ Quang Hùng cho rằng, bên cạnh những ưu việt, quá trình triển khai từ cơ sở cũng phát sinh những bất cập nhất định, đó là việc cấp quận, phường trở thành đơn vị dự toán. “Khi còn là đơn vị được cấp ngân sách, UBND quận, phường có nguồn tăng thu, kết dư để chủ động bổ sung dự toán nhằm phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn. Tuy nhiên, khi thực hiện CQĐT, quận và phường là đơn vị dự toán nên không có nguồn lực đầu tư thêm cho các lĩnh vực trên, cũng như không còn nguồn dự phòng để chủ động chi cho các nhiệm vụ phát sinh, nhất là phòng, chống dịch mà phải chờ thành phố phân bổ”, ông Hùng nói.
Cùng với đó, trước đây việc quyết định chủ trương đầu tư đối với nguồn ngân sách thành phố phân cấp là UBND quận (Phòng Tài chính - Kế hoạch quận thẩm định, thời gian để thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư khoảng 1 tháng). Theo đó, quận sẽ chủ động trong khảo sát, lập hồ sơ, thẩm định và phê duyệt, góp phần đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư. Hiện nay, thực hiện Nghị quyết số 119/2020/QH14 công tác này sẽ do Sở Kế hoạch - Đầu tư tổng hợp, thẩm định, lấy ý kiến các sở, ngành để trình UBND thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư, thời gian sẽ kéo dài hơn, với khoảng từ 3-6 tháng.
Theo ông Nguyễn Hòa, năm 2022 sẽ rất khó khăn cho các đơn vị sự nghiệp thuộc quận khi thực hiện các chính sách của thành phố như chính sách miễn phí tham quan Danh thắng Ngũ Hành Sơn (nếu thành phố chỉ tính kinh phí bảo đảm cho bộ máy mà không tính các kinh phí khác như duy tu, bảo dưỡng, vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy… vì đặc thù của Di tích Danh thắng Ngũ Hành Sơn là địa điểm du lịch lộ thiên, hằng năm phát sinh các khoản kinh phí này rất lớn). Bên cạnh đó, còn cần có kinh phí để bảo đảm hoạt động của các đơn vị sự nghiệp chưa thực hiện tự chủ 100%, như: Ban quản lý chợ, Ban quản lý làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước, Ban giải phóng mặt bằng...
Từ những bất cập trên, lãnh đạo các địa phương kiến nghị thành phố quan tâm, chia sẻ và có hướng xem xét, tháo gỡ. Ông Hồ Thuyên cho rằng, thành phố cần bố trí nguồn vốn đầu tư phân cấp cho quận bảo đảm được sự chủ động trong công tác triển khai các dự án được quy mô, đồng bộ, giải quyết dứt điểm các tồn đọng, giải quyết nhu cầu và hiệu quả lâu dài; tránh đầu tư chắp vá, nhỏ lẻ chỉ đáp ứng nhu cầu trước mắt, ảnh hưởng đến hiệu quả dự án. Bên cạnh đó, cần đổi mới công tác thẩm định, phê duyệt công tác chuẩn bị đầu tư, rút gọn thủ tục, giảm thời gian các bước chuẩn bị đối với các dự án đầu tư công, có tổng mức đầu tư nhỏ (dưới 1 tỷ đồng), nhằm giải quyết vấn đề dân sinh kịp thời.
TRỌNG HUY