ĐNO - Ngày 12-1, phát biểu chỉ đạo tại hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022 của ngành Thanh tra, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái biểu dương, đánh giá cao những kết quả tích cực ngành Thanh tra đạt được trong năm 2021, đồng thời đề nghị ngành tiếp tục làm rõ những tồn tại, hạn chế, tìm hướng khắc phục trong thời gian tới.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo ngành thanh tra cần hoàn thiện cơ sở pháp lý về kiểm soát tài sản, thu nhập. Ảnh VGP |
Về nhiệm vụ năm 2022, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị, ngành Thanh tra cần chọn nội dung công việc có nhiều phản ánh để kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức; kịp thời chấn chỉnh, xử lý theo quy định của pháp luật. Giải quyết những vướng mắc trong kết luận thanh tra, chú trọng thanh tra trong hoạt động tín dụng, ngân hàng, bất động sản…
Đối với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu rà soát lại để giải quyết dứt điểm những vụ việc tồn đọng, không để phức tạp, kéo dài…
Về công tác phòng, chống tham nhũng, cần hoàn thiện cơ sở pháp lý về kiểm soát tài sản, thu nhập. Về công tác xây dựng thể chế và xây dựng ngành, đề nghị cần quan tâm hoàn thiện Luật Thanh tra (sửa đổi) với chất lượng cao nhất, đồng thời hết sức lưu ý trau dồi đạo đức nghề nghiệp, bên cạnh bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác thanh tra.
Phát biểu tham luận tại hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh cho biết, thành phố xác định phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ trọng tâm trong lãnh đạo, điều hành, thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tham nhũng, tiêu cực.
Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh phát biểu tham luận tại điểm cầu Đà Nẵng. Ảnh: TRỌNG HUY |
Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh nhấn mạnh, để thực hiện tốt hơn công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực qua hoạt động thanh tra, trong thời gian đến, UBND thành phố tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm các nghị quyết của Đảng, các quy định của Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tăng cường thanh tra công tác quản lý Nhà nước và trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ được giao, tập trung vào các ngành, lĩnh vực, địa phương dễ phát sinh vi phạm, tiêu cực, tham nhũng.
Ngành Thanh tra tăng cường sự phối hợp với cơ quan Công an, Viện Kiểm sát nhân dân, Cơ quan Nội chính để phát hiện, xử lý kịp thời các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng qua công tác thanh tra, kiểm tra. Đồng thời, triển khai việc đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng hằng năm đối với các cơ quan, đơn vị nhằm nâng cao nhận thức của người đứng đầu trong việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa, phát hiện tham nhũng, nhất là công tác giám sát, tự kiểm tra nội bộ...
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh đề xuất Thanh tra Chính phủ một số nội dung như: việc sửa đổi, bổ sung Luật Thanh tra cần xây dựng theo hướng nâng tính độc lập, tự chủ của cơ quan thanh tra trong hoạt động thanh tra, tương ứng với nhiệm vụ về phát hiện tham nhũng theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng; tăng cường tập huấn, hướng dẫn triển khai thực hiện một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng còn gặp vướng mắc, chưa có quy định cụ thể hoặc khó triển khai...
Theo báo cáo tổng kết công tác tại hội nghị, năm 2021, toàn ngành thanh tra đã triển khai 6.809 cuộc thanh tra hành chính và 177.245 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành.
Qua thanh tra, chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện vi phạm về kinh tế 179.034 tỷ đồng, 9.258 ha đất; trong đó kiến nghị thu hồi 22.698 tỷ đồng và 811 ha đất; kiến nghị xem xét, xử lý hành chính 2.341 tập thể và 6.244 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xử lý 437 vụ, 259 đối tượng...
TRỌNG HUY