Nâng cao hiệu quả giám sát, phản biện xã hội

.

Thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TU của Thành ủy về “Nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân trên địa bàn thành phố”, Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội triển khai kế hoạch giám sát, phản biện xã hội phù hợp với thực tiễn nhằm tăng cường đồng thuận xã hội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các địa phương, đơn vị.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Ngô Xuân Thắng (bìa phải) kiểm tra, giám sát việc cấp phát thực phẩm hỗ trợ phòng, chống Covid-19 tại phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn) trong năm 2021. (Ảnh do Mặt trận thành phố cung cấp)
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Ngô Xuân Thắng (bìa phải) kiểm tra, giám sát việc cấp phát thực phẩm hỗ trợ phòng, chống Covid-19 tại phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn) trong năm 2021. (Ảnh do Mặt trận thành phố cung cấp)

Phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Trần Việt Dũng cho biết, thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TU của Thành ủy, tháng 1-2022, Mặt trận thành phố ban hành kế hoạch giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội thành phố năm 2022.

Theo đó, Mặt trận thành phố chủ trì các giám sát 5 chuyên đề; Liên đoàn Lao động thành phố giám sát 2 chuyên đề; Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố giám sát 2 chuyên đề; Hội Nông dân thành phố giám sát 1 chuyên đề; Hội Cựu chiến binh thành phố giám sát 1 chuyên đề và Thành Đoàn giám sát 1 chuyên đề.

Trong bối cảnh thành phố thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị, không tổ chức HĐND cấp quận, phường, việc xây dựng cơ chế, phát huy vai trò giám sát, phản biện của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội càng được quan tâm.

Ngày 24-12-2021, Thành ủy ban hành Quyết định số 2838-QĐ/TU kèm theo Quy chế thực hiện giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp và nhân dân trong điều kiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị trên địa bàn thành phố.

Trên cơ sở đó, Mặt trận, hội đoàn thể các cấp giám sát việc thực hiện chủ trương, chính sách của các cơ quan, tổ chức Nhà nước cùng cấp và cấp dưới; của cán bộ, đảng viên, đại biểu dân cử, công chức, viên chức, người đứng đầu, UBND cùng cấp. Đồng thời giám sát việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, Nghị định số 34/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội; việc phân cấp, ủy quyền của UBND, Chủ tịch UBND các cấp.

Bên cạnh đó, Mặt trận, các hội, đoàn thể chủ trì phản biện đối với các văn bản dự thảo về chủ trương, đường lối của Đảng; dự thảo quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, đề án của cơ quan Nhà nước cùng cấp có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân.

Chọn vấn đề trọng tâm, trọng điểm

Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Hòa Vang Bùi Nam Dũng, bên cạnh giám sát các vấn đề theo hướng dẫn của Mặt trận, các hội, đoàn thể thành phố, Mặt trận và các hội, đoàn thể huyện căn cứ điều kiện, thực tiễn trên địa bàn để lựa chọn nội dung giám sát phù hợp.

Đơn cử, trong năm 2022, Mặt trận huyện chủ trì giám sát công tác giải tỏa đền bù thực hiện dự án đường vành đai phía tây tại xã Hòa Ninh; công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo của Chủ tịch UBND các xã: Hòa Nhơn, Hòa Châu, Hòa Bắc. Hội Nông dân huyện chủ trì giám sát việc triển khai sản xuất rau bảo đảm an toàn thực phẩm tại các vùng rau thuộc xã Hòa Tiến…

Tại quận Hải Châu, trong điều kiện không tổ chức HĐND cấp quận, phường, Mặt trận, các hội, đoàn thể quận tăng cường giám sát các cơ quan, đơn vị trên địa bàn quận. Theo Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Hải Châu Trần Thị Cúc Hương, năm 2022, Mặt trận, các hội, đoàn thể quận giám sát việc thực hiện các chính sách hỗ trợ của Trung ương và thành phố cho người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do Covid-19; Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp…

Ngoài ra, Mặt trận và các hội, đoàn thể quận Hải Châu chú trọng phản biện các vấn đề có tác động lớn đến xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích chính đáng của nhân dân. Theo bà Hương, tiếp nối thành công của hội nghị phản biện xã hội đề án “Xây dựng quận Hải Châu - Quận môi trường giai đoạn 2021-2030” diễn ra cuối năm 2021, trong năm 2022, Mặt trận quận dự kiến tổ chức phản biện đề án cải tạo các tuyến đường 3,5m lên 5,5m trên địa bàn quận.

“Đây là vấn đề liên quan trực tiếp, cần huy động sự tham gia của đông đảo người dân, tác động đến quyền, lợi ích của nhân dân. Do đó, với vai trò là đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, hoạt động phản biện nhằm cho ý kiến về sự cần thiết, tính khả thi cũng như dự báo tác động; phát hiện những nội dung chưa phù hợp để kiến nghị điều chỉnh trước khi đi vào thực hiện”, bà Hương cho biết.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Tăng Hoàng Hôn Thắm, công tác giám sát, phản biện xã hội nhằm kịp thời phát hiện và kiến nghị xử lý sai phạm, khuyết điểm; kiến nghị sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật. Qua đó phát huy vai trò của Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội trong đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Năm 2022, Mặt trận thành phố đăng ký với Thường trực Thành ủy giám sát 5 chuyên đề gồm: hoạt động của đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND thành phố năm 2022; việc tiếp công dân và kết quả xử lý đơn thư của Chủ tịch UBND các cấp; giám sát cán bộ, đảng viên theo Thông tri số 10/TT-MTTƯ-BBT ngày 22-9-2020 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; việc đối thoại định kỳ với nhân dân của Chủ tịch UBND quận và phường; việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do Covid-19.

LAM PHƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.