Mở toang “cánh cửa thép” là cách nói đầy hình ảnh mà các nhà lịch sử quân sự dùng để vinh danh những chiến thắng mang tính quyết định, trực tiếp tạo đà cho thắng lợi cuối cùng của một cuộc chiến tranh. Đà Nẵng là căn cứ liên hợp quân sự lớn thứ hai của đối phương ở miền Nam, vì thế khi lá cờ nửa đỏ nửa xanh sao vàng tung bay trên nóc Tòa Thị chính Đà Nẵng vào trưa ngày 29-3-1975, xem như cách mạng miền Nam đã mở toang được một “cánh cửa thép” rất quan trọng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử - đúng như tinh thần bức điện mà Tổng Bí thư Lê Duẩn gửi cho Trung ương Cục miền Nam vào chiều ngày 29-3-1975 khi nhận được tin giải phóng Đà Nẵng: “Tình hình biến chuyển mau lẹ. Cuộc cách mạng miền Nam đang bước vào giai đoạn phát triển nhảy vọt... Trên thực tế, có thể coi chiến dịch giải phóng Sài Gòn đã bắt đầu từ đây”(1), và cũng có thể nói xem như cách mạng miền Nam đã chạm được một tay vào niềm vui thống nhất Tổ quốc, đã tiến đến rất gần thắng lợi mà ngay buổi tối ngày 29 tháng 3 năm ấy, truyền thông phương Tây sớm dự báo: “Việc Đà Nẵng thất thủ, kể từ đây sự sụp đổ của chế độ Sài Gòn chỉ tính bằng ngày và giờ”(2).
Một góc thành phố Đà Nẵng hôm nay. Ảnh: LÊ HUY TUẤN |
Đó là một dự báo chính xác, bởi chỉ một tháng sau, khi “cánh cửa thép” Xuân Lộc tiếp tục được mở toang, khi lá cờ nửa đỏ nửa xanh sao vàng của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc Dinh Độc Lập vào trưa ngày 30-4-1975, khi một người Đà Nẵng là Trung tá Bùi Văn Tùng, Chính ủy Lữ đoàn Xe tăng 203 Quân Giải phóng tự tay thảo lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện để buộc Tổng thống Việt Nam Cộng hòa - đại tướng Dương Văn Minh đọc trên Đài Phát thanh Sài Gòn; rồi cũng chính Trung tá Bùi Văn Tùng thảo và thay mặt đơn vị chiếm Dinh Độc Lập đích thân đọc lời tiếp nhận sự đầu hàng của tướng Dương Văn Minh trên sóng phát thanh, Đà Nẵng đã cùng với cả nước bước vào một thời kỳ lịch sử mới - thời kỳ thống nhất đất nước sau hai mươi năm chia cắt qua giới tuyến sông Bến Hải và xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa trên phạm vi toàn quốc. Cũng xin nói thêm, niềm vui của người Đà Nẵng trong ngày 29-3-1975 sẽ trọn vẹn hơn nếu như vào thời điểm lịch sử ấy, toàn bộ quần đảo Hoàng Sa cũng được giải phóng như các quận huyện trên đất liền sau hơn một năm bị Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm trái phép cho đến tận hôm nay.
Rõ ràng với người Đà Nẵng, ngày 29-3-1975 là một ngày lịch sử trọng đại, góp phần làm nên ngày lịch sử trọng đại 30-4-1975 của cả nước. Không phải ngẫu nhiên mà người Đà Nẵng đã đặt tên 29 tháng 3 cho một công viên - Công viên 29 tháng 3, một rạp chiếu phim - Rạp 29-3, một cơ sở sản xuất công nghiệp - Tổ hợp Dệt 29-3 tiền thân của Công ty CP Dệt may 29-3, và một đường phố - Đường 29-3.
Đến nay Đà Nẵng chỉ có bốn đường phố mang tên ngày tháng là Đường 2 tháng 9 đặt vào năm 1995, Đường 3 tháng 2 đặt vào năm 2003, Đường 30 tháng 4 đặt vào năm 2006 đều trên địa bàn quận Hải Châu, và Đường 29 tháng 3 đặt vào năm 2018 trên địa bàn quận Cẩm Lệ, nhằm vinh danh những sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước, quê hương. Và mặc dầu không nêu rõ ngày nhưng Đường Cách mạng Tháng Tám đặt vào năm 1998 trên địa bàn quận Cẩm Lệ cũng liên quan đến một sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước, gợi nhớ tới sự kiện ngày 26 tháng 8 năm 1945, lần đầu tiên trên nóc Tòa Đốc lý Đà Nẵng, lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió lộng sông Hàn.
* * *
Như nói trên, ngày 29-3-1975 trở thành một dấu mốc quan trọng của Đà Nẵng trên hành trình phát triển, và sau ngày 30-4-1975 Đà Nẵng đã cùng với cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Hơn hai thập niên đầu sau giải phóng, Đà Nẵng tuy là thủ phủ/tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng và dẫu được nâng hạng thành đô thị loại II nhưng vẫn là một đơn vị hành chính cấp huyện, lại do xuất phát từ mặt bằng kinh tế - xã hội của một đô thị chủ yếu phục vụ chiến tranh trước năm 1975, có thể nói Đà Nẵng rất nhọc nhằn trong phát triển.
Chính vì vậy, Đà Nẵng chỉ thực sự khởi sắc được thoát khỏi “chiếc áo chật” ấy, khi cùng với huyện nông thôn Hòa Vang và huyện đảo Hoàng Sa được tách từ tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương và đô thị loại I, được tạo tiền đề phấn đấu với tư cách là “một trong những trọng điểm phát triển của đất nước” như khẳng định của Bộ Chính trị (khóa IX) trong Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 16-10-2003 về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, và hơn thế nữa được tạo tiền đề phấn đấu với tư cách là “thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á” như khẳng định của Bộ Chính trị (khóa XII) trong Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
* * *
Có một tấm bia đá dựng ở đầu cầu Nguyễn Văn Trỗi trên địa bàn phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu để tưởng niệm Liệt sĩ Nguyễn Văn Dự - người chiến sĩ cách mạng cuối cùng hy sinh trong chiến dịch giải phóng Đà Nẵng vào sáng ngày 29-3-1975 khi đang làm nhiệm vụ chốt giữ khu vực đầu cầu này. Tấm bia nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn bởi đây là việc làm không chỉ thể hiện đạo lý truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc mà còn nhắc nhở người Đà Nẵng rằng để có được cuộc sống an bình hạnh phúc suốt mấy chục năm nay là nhờ sự hy sinh của những người “quyết tâm đem xương máu của mình đắp thành một bức tường đồng, một con đê vững để ngăn cản nạn ngoại xâm tràn ngập Tổ quốc, làm hại đồng bào”, những người “quyết hy sinh tính mệnh để giữ tính mệnh đồng bào”, những người “quyết hy sinh gia đình và tài sản của họ để bảo vệ gia đình và tài sản đồng bào”, những người “quyết liều chết chống địch để cho Tổ quốc và đồng bào sống”, như Bác Hồ kính yêu từng vinh danh trong lời kêu gọi ngày 27-7-1948.
BÙI VĂN TIẾNG
(1) Dẫn theo Đảng Cộng sản Việt Nam - Văn kiện Đảng toàn tập (tập 36: năm 1975), Nxb. Chính trị quốc gia, năm 2004.
(2) Dẫn theo Quảng Nam - Đà Nẵng 30 năm chiến đấu và chiến thắng (1945 - 1975), Nxb. Đà Nẵng, Tập 2, trang 298.