Chiều 2-3, UBND thành phố Đà Nẵng và Bộ Đất đai - Hạ tầng - Giao thông và Du lịch (MLIT - Nhật Bản) tổ chức hội nghị trực tuyến nghe báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án “Thành phố thông minh” do MLIT tài trợ. Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Phước Sơn chủ trì tại điểm cầu Đà Nẵng; Cố vấn chiến lược toàn cầu, Ban Thư ký Bộ trưởng MLIT Masuda Kei chủ trì điểm cầu từ Nhật Bản.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Phước Sơn đánh giá cao sự quan tâm hỗ trợ của MLIT cùng nhóm nghiên cứu do Công ty TNHH Nippon Koei hỗ trợ Đà Nẵng thực hiện dự án Smart Jamp (Thành phố thông minh) qua 3 tiểu dự án: xây dựng bản đồ số; xây dựng đô thị thông minh tại Khu Công nghệ cao và dự án thí điểm dịch vụ xe đạp công cộng.
Việc hoàn thành nội dung nghiên cứu tiền khả thi về thành phố thông minh là cơ sở bước đầu, đặt nền móng cho sự hợp tác giữa thành phố Đà Nẵng với MLIT - Nhật Bản. Từ kết quả nghiên cứu tiền khả thi này, thành phố Đà Nẵng mong muốn MLIT cùng các đối tác tiếp tục hỗ trợ thành phố tìm kiếm đối tác và nguồn tài trợ để triển khai dự án trong thời gian sớm nhất.
UBND thành phố mong Chính phủ Nhật Bản, MLIT và các đối tác tiếp tục quan tâm, hỗ trợ thành phố triển khai các dự án khác như: phát triển ngành dịch vụ logistics thành phố kết nối Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung với tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây 2; kết nối xúc tiến và quảng bá du lịch hậu Covid-19…
Theo MLIT, việc nghiên cứu tiền khả thi cho dự án phát triển thành phố thông minh đối với Đà Nẵng (Smart Jamp Danang) thực hiện từ tháng 8-2021 đến tháng 3-2022. Đối với tiểu dự án xây dựng bản đồ số quy hoạch tập trung nội dung phục vụ vào lĩnh vực vận hành, quản lý hoạt động giao thông thông qua khai thác ứng dụng Ecobus.
Dự án xây dựng đô thị thông minh tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng tập trung số hóa và khai thác các nguồn năng lượng, chú trọng phát triển năng lượng tái tạo; xây dựng dữ liệu số về Khu Công nghệ cao theo thời gian thực để quản lý và thực hiện xúc tiến thu hút đầu tư.
Đối với dự án thí điểm dịch vụ xe đạp cộng cộng sẽ đưa ứng dụng MaaS (lựa chọn các phương tiện và tuyến đường tối ưu) để đưa dịch vụ xe đạp vào vận hành đồng thời quản lý, điều tiết phương tiện giao thông khác.
TRIỆU TÙNG