Nhiều sáng kiến bảo vệ môi trường

.

Không tổ chức ra quân rầm rộ, thay vào đó là những sáng kiến, cách làm đơn giản nhưng rất kiên trì của các cấp hội phụ nữ thành phố. Từ đó, dần thay đổi thói quen của người dân trong việc thu gom rác thải sinh hoạt hằng ngày.

Sáng kiến dọn vệ sinh ở các khu đất trống để trồng rau của Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê) giúp bảo đảm vệ sinh môi trường,  tạo nguồn thực phẩm hỗ trợ gia đình có người nhiễm Covid-19. Ảnh: T.S
Sáng kiến dọn vệ sinh ở các khu đất trống để trồng rau của Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê) giúp bảo đảm vệ sinh môi trường, tạo nguồn thực phẩm hỗ trợ gia đình có người nhiễm Covid-19. Ảnh: T.S

Từ nhiều năm qua, cứ vào sáng sớm Chủ nhật, các hội viên Chi hội Phụ nữ Thành Vinh 4, phường Thọ Quang (Sơn Trà) cùng nhau tỏa đi khắp con đường trong khu dân cư để thu gom rác thải. Chưa đầy một tiếng đồng hồ, công việc kết thúc với những bao rác được thu gom, phân loại gọn gàng, trả lại cho khu dân cư không gian sạch, đẹp.

Chị Phan Thị Hoa, hội viên Chi hội Phụ nữ Thành Vinh 4 chia sẻ, trước đây, bản thân chưa ý thức thói quen của mình gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng cảnh quan xung quanh. May mắn, nhiều năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường kiên trì triển khai chương trình “Chủ nhật xanh - sạch - đẹp” nên dần thay đổi thói quen của mọi người. Nếu như trước đây, chị em mất cả buổi sáng mới thu gom hết rác thải, bây giờ người dân đã biết phân loại, tập trung rác lại để các chị đến tập hợp, gom về một vị trí. Mọi việc vì thế thuận lợi và nhanh chóng hơn.

Thời gian đầu khá chật vật trong việc thay đổi thói quen vứt rác của người dân, gần 5 năm qua, với mô hình “Thùng rác văn minh”, Hội LHPN xã Hòa Phước (Hòa Vang) không chỉ vận động người dân phân loại và bỏ rác theo quy định mà còn tạo nguồn quỹ giúp hội viên khó khăn.

Kể lại hành trình thay đổi thói quen của người dân, Chủ tịch Hội LHPN xã Lê Thị Yến cho hay: “Khi triển khai, chúng tôi không lường hết khó khăn trong việc thay đổi thói quen của người dân nên thất bại. Rút kinh nghiệm, chúng tôi xây dựng mô hình “Thùng rác văn minh” với việc phân công cán bộ hội đến từng hộ dân, kiên trì tuyên truyền theo kiểu “mưa dầm thấm lâu” nên cuối cùng người dân cũng có thói quen phân loại rác ngay tại nhà và bỏ rác đúng nơi quy định. Sau 5 năm triển khai mô hình này tại nhà dân, mới đây chúng tôi tiếp tục triển khai mô hình “Mái nhà xanh” bằng việc đặt thùng rác tại nơi sinh hoạt cộng đồng để người dân phân loại và tập kết rác. Nhờ cách làm này mà mỗi năm chúng tôi thu gần 40 triệu đồng, gây quỹ giúp hội viên khó khăn từ tiền bán vỏ chai nhựa, bao bì”.

Hội LHPN phường Thanh Khê Tây (Thanh Khê) với sáng kiến “Quản lý chất thải rắn bằng phân loại và tái chế tại nguồn” được UBND quận công nhận và triển khai ra toàn quận. Tuy nhiên theo Chủ tịch Hội LHPN phường Lê Thị Tuyết Vân, đây là quá trình đòi hỏi sự kiên trì lớn từ cán bộ hội cơ sở. “Chúng tôi quyết định thành lập 9 điểm tuyên truyền ở khu dân cư về phân loại rác, đặc biệt là yêu cầu tất cả cán bộ, hội viên làm gương cho người dân noi theo bằng việc hằng tuần ra quân dọn vệ sinh, thu gom rác thải về phân loại.

Chính hình ảnh nhiệt tình, không ngại khó khăn của cán bộ hội và hội viên tác động và làm thay đổi ý thức người dân. Phát huy tinh thần này, từ giữa năm 2021, Hội LHPN phường tổ chức dọn vệ sinh ở những lô đất trống để trồng rau cung cấp cho những hộ gia đình có F0, cũng như tặng cho phụ nữ nghèo. Nhờ cách làm này, môi trường ở các khu dân cư cải thiện đáng kể”, chị Tuyết Vân cho biết.

Bằng sự kiên trì, Hội LHPN các cấp dần thuyết phục nhiều người dân ủng hộ việc bảo vệ môi trường. Phó Chủ tịch Hội LHPN thành phố Lương Thị Đạo cho rằng, thành công của các cấp hội phụ nữ trong việc kêu gọi mọi người ủng hộ và chung tay bảo vệ môi trường là nhờ họ tìm tòi ra nhiều cách làm, sáng kiến hay.

Tuy nhiên, đáng biểu dương nhất và cũng thể hiện phẩm chất của người phụ nữ đó là sự kiên trì bền bỉ, chịu khó trong việc thuyết phục người dân bảo vệ môi trường. Hình ảnh cán bộ và hội viên phụ nữ nhiệt tình, không ngại khó khăn vất vả kiên trì làm gương trong phân loại, thu gom rác tác động mạnh đến ý thức người dân. Bên cạnh đó, việc Hội LHPN thành phố triển khai thành công mô hình “Sống xanh” cũng góp phần không nhỏ vào việc thay đổi thói quen của người dân trong bảo vệ môi trường.

Đến nay, toàn thành phố có hơn 900 nhóm “Sống xanh” thu hút hơn 16.000 hội viên tham gia, tạo nên mạng lưới hoạt động bảo vệ môi trường lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng dân cư. Thông qua mô hình này, có nhiều sáng kiến hay do các cấp hội phụ nữ tạo nên như: “Phân loại rác tại hộ gia đình”, “Đường xanh, hè phố sạch”, “Mỗi hố rác là một cây xanh”, “Thùng rác môi trường”... góp phần đáng kể vào cải thiện môi trường thành phố.

Thay đổi thói quen của người dân để hướng đến bảo vệ môi trường chưa bao giờ là câu chuyện đơn giản. Thế nhưng, với sự kiên trì, chịu khó và nhiều sáng kiến hay, các cấp hội phụ nữ thuyết phục được nhiều người dân thay đổi.

THANH VÂN

;
;
.
.
.
.
.