Xử lý nghiêm hành vi gây ô nhiễm môi trường

.

Gần đây, các vi phạm về công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố đã bị xử lý nghiêm. Ngày 12-3-2022, Chủ tịch UBND thành phố ban hành Quyết định số 674/QĐ-XPHC xử phạt vi phạm hành chính Công ty TNHH MTV Chế biến thực phẩm Đà Nẵng (tổ 112, khối phố Đà Sơn, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) vì xả nước thải vượt quy chuẩn tại Trung tâm Chế biến gia súc, gia cầm Đà Sơn. Tổng mức tiền phạt các hành vi vi phạm hành chính Công ty TNHH MTV Chế biến thực phẩm Đà Nẵng là 182,877 triệu đồng. Trung tâm chế biến này xả nước thải có chứa coliform vượt quy chuẩn gấp 3 lần với lưu lượng nước thải là 35m3/ngày.

Trước đó, ngày 9-2, Chủ tịch UBND thành phố cũng ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng và phát triển đô thị Đà Nẵng vì không thực hiện một trong các nội dung của quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án Nâng cấp, cải tạo một số hạng mục tại bãi rác Khánh Sơn tại phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng (không thực hiện phun xịt các chế phẩm khử mùi với liều lượng và tần suất theo quy định gây mùi hôi đến khu vực dân cư xung quanh trong quá trình tháo bạt để thi công tuyến mương thu gom nước rỉ rác quanh các hộc rác số 1 đến số 5.

Không thực hiện đúng một trong các nội dung của quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (tháo dỡ phần bạt HDPE chân các hộc rác khoảng 15m từ cuối chân đê lên để thực hiện thi công các tuyến đường, bờ bao quanh các hộc rác với tổng diện tích hơn 6.000m2. Không xây dựng kế hoạch triển khai và các phương án phòng ngừa nước mưa hoặc nước trên bề mặt có tiếp xúc nước thải trở thành nước thải chảy vào các khu vực rác, làm gia tăng lượng nước rỉ rác phát sinh vào những ngày mưa, dẫn đến quá tải hệ thống xử lý nước thải). Tổng hợp hai hành vi vi phạm là 200 triệu đồng.

Theo một lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, các nội dung xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường mà đơn vị tham mưu UBND thành phố ban hành quyết định xử phạt đã thể hiện tính răn đe, sự kiên quyết, đồng lòng thực hiện mục tiêu xây dựng “Thành phố môi trường”. Cùng với việc xử phạt nghiêm khắc, sở cũng tăng cường công tác hậu kiểm. Các hành vi vi phạm nhận các mức phạt tương ứng với từng mức độ hành vi, dựa trên nguyên tắc: vi phạm càng lớn, mức xử phạt càng cao. Bên cạnh việc xử phạt về tài chính, các đơn vị còn phải khắc phục hậu quả do sai phạm.

Việc đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường mà trụ cột là triển khai đề án “Thành phố môi trường” đã được thành phố thực hiện hiệu quả trong thời gian qua. Năm 2021, thành phố tiếp tục công bố đầu tư 15.000 tỷ đồng thực hiện đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường giai đoạn 2021 - 2030”. Nhiều dự án có quy mô đầu tư hàng ngàn tỷ đồng về hạ tầng xử lý nước thải đang được triển khai trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, gắn với nhiệm vụ “xây” cũng đi liền với “chống” các hành vi vi phạm về công tác bảo vệ môi trường. Việc xử lý các hành vi vi phạm ngay trong quý 1-2022 thể hiện quyết tâm và sự kiên định trong nhiệm vụ phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố.

Quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo thành phố là phải xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Thành phố luôn quan tâm, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp nhưng nếu doanh nghiệp không xử lý chất thải để thải trực tiếp ra môi trường; xả lén, xả trộm hoặc xử lý nhưng không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật về chất thải thì phải xử lý nghiêm.

Đặc biệt, các cơ sở sản xuất quy mô lớn, thuộc loại hình có nguy cơ ô nhiễm cao sẽ được Sở Tài nguyên và Môi trường giám sát. Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang trình Chính phủ nghị định mới về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường; trong đó tăng mức xử phạt đối với hành vi xả thải để răn đe, xử phạt nghiêm ở mức cao nhất và áp dụng các biện pháp đình chỉ hoạt động đối với các trường hợp cố tình xả thải không qua xử lý ra môi trường.

TRIỆU TÙNG

;
;
.
.
.
.
.