ĐNO - Sáng 29-4, tại buổi tiếp xúc cử tri chuẩn bị cho kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV của Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố với cử tri các quận Hải Châu, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, cử tri quan tâm kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến an sinh xã hội, công tác phòng, chống tham nhũng.
Dự buổi tiếp xúc cử tri có các Đại biểu Quốc hội: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Văn Quảng; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy; Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Trần Chí Cường; Phó Cục trưởng Cục an ninh chính trị nội bộ (Bộ Công an) Trần Đình Chung; Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Nguyễn Duy Minh.
Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Văn Quảng phát biểu tại hội nghị tiếp xúc cử tri. Ảnh: NGỌC PHÚ |
Đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng
Tại hội nghị, nhiều ý kiến cử tri hoan nghênh kết quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước thời gian qua khi xử lý hàng loạt vụ án tham ô, tham nhũng nghiêm trọng, nổi bật là vụ việc tại Công ty Việt Á, Cục lãnh sự quán Bộ Ngoại giao, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển và hàng loạt vụ án trọng điểm khác. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đã đạt được, các văn pháp luật về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn bộc lộ nhiều sơ hở.
Cử tri Phạm Văn Chi (phường Khuê Mỹ, Ngũ Hành Sơn) kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần khẩn trương hoàn thiện thể chế, sửa đổi một số bộ luật để phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế, vì đây là những điểm nghẽn đang tạo kẽ hở cho một số cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất, tham nhũng, tiêu cực, sách nhiễu nhân dân; cần hoàn thiện pháp luật đủ sức răn đe những hành vi như sản xuất, tiêu thụ hàng giả, bằng cấp, giấy tờ giả, đưa tin thất thiệt, nói xấu chế độ, nói xấu cán bộ.
Cử tri Nguyễn Mậu Dựng (phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) cho rằng để tạo niềm tin cho cử tri và nhân dân, đoàn đại biểu Quốc hội cần kiến nghị Trung ương thông tin, công khai, dân chủ, minh bạch trước nhân dân việc xử lý các vụ việc tham nhũng, việc thu hồi tài sản của Nhà nước từ các vụ án tham ô, tham nhũng.
“Đảng, Nhà nước, Chính phủ cần có hình thức, biện pháp giáo dục, răn đe thường xuyên, mang tính lâu dài, đồng bộ để mỗi cán bộ, đảng viên có ý thức “không dám, không thể, không cần, không muốn tham nhũng”, cử tri Nguyễn Mậu Dựng nhấn mạnh.
Tại hội nghị, đại biểu Trần Đình Chung đồng tình với quan điểm cử tri về công tác phòng chống tham nhũng.
Theo đại biểu Quốc hội Trần Đình Chung, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố sẽ phản ánh tới Quốc hội để chỉ đạo Chính phủ và các ngành liên quan đẩy mạnh tiến độ điều tra và sớm đưa ra xét xử nghiêm minh, công bằng, đúng người đúng tội các vụ việc tham nhũng, tiêu cực; tích cực nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật để tăng cường tính răn đe, giáo dục cũng như nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản thất thoát liên quan đến công tác tham nhũng, tiêu cực.
Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố tại buổi tiếp xúc cử tri. Ảnh: NGỌC PHÚ |
Quan tâm đến đời sống người dân, lực lượng cốt cán cơ sở
Cử tri Trần Gia Trung (phường Bình Thuận, quận Hải Châu) phản ánh, trên địa bàn thành phố còn rất nhiều trường hợp người lao động thuộc đối tượng hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết số 116/NQ-CP nhưng vẫn chưa được nhận hỗ trợ. Do vậy, cử tri đề nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố kiến nghị Chính phủ xem xét, giải quyết hỗ trợ kịp thời cho các đối tượng đủ điều kiện nhưng chưa được nhận hỗ trợ.
Cử tri Mai Hồng Tân (phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) kiến nghị Quốc hội, Chính phủ có chính sách trợ giá, bình ổn giá, kịp thời hỗ trợ đời sống nhân dân; đồng thời phải dự trữ được nguồn xăng dầu để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ xăng, dầu trong nước và có biện pháp kiểm soát giá xăng, dầu chống đầu cơ, nâng khống giá làm ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.
Cử tri Nguyễn Văn Mỹ (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) kiến nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định 34/NĐ-CP của Chính phủ theo hướng phân rõ giữa phường, xã khu vực trung du miền núi với khu vực đồng bằng; trên cơ sở đó, quy định mức phụ cấp tăng thêm đối với cán bộ không chuyên trách phường, xã phù hợp với đặc điểm vùng miền.
Trách nhiệm với các vấn đề của đất nước và thành phố
Tại hội nghị tiếp xúc cử tri, các Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy, Trần Chí Cường, Trần Đình Chung, Nguyễn Duy Minh đã trả lời một số kiến nghị của cử tri, trong đó nhấn mạnh, thời gian qua, trước tác động của Covid-19, Quốc hội đặc biệt quan tâm đến đời sống an sinh xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp, qua đó ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Phát biểu kết luận tại hội nghị tiếp xúc cử tri, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Văn Quảng ghi nhận, các ý kiến của cử tri tại buổi tiếp xúc rất tâm huyết, trách nhiệm, đúng vào những vấn đề mà Quốc hội đang quan tâm.
Đặc biệt, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Văn Quảng đánh giá cao ý kiến cử tri đề nghị coi môn lịch sử là môn học bắt buộc, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố sẽ có kiến nghị trực tiếp trong kỳ họp sắp tới, đồng thời, ghi nhận các vấn đề mà cử tri quan tâm liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
“Để khắc phục tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, Trung ương sẽ chỉ đạo thành lập ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở cấp tỉnh. Quốc hội đã triển khai chuyên đề giám sát về phòng, chống lãng phí ở các cấp. Các kết quả này sẽ công bố công khai cho cử tri cả nước biết và giám sát”, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh.
Liên quan việc cử tri quan tâm đến tình hình phát triển kinh tế-xã hội, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Văn Quảng khẳng định, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố, cấp ủy chính quyền các cấp đang tích cực trong việc triển khai quyết liệt Nghị quyết số 43-NQ/TW về phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tích cực triển khai Nghị quyết 119/2020/QH14.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện có một số khó khăn, vướng mắc nên trong thời gian tới sẽ làm việc với Bộ Nội vụ để tháo gỡ…
Đề nghị đưa môn học Lịch sử trở thành môn học bắt buộc Cử tri Trần Thị Hoa (phường Hải Châu 1, quận Hải Châu) cho biết ở cấp THCS, môn Lịch sử được bố trí dạy ở tất cả các lớp nhưng ở cấp THPT, môn Lịch sử được bố trí là một môn trong Tổ hợp xã hội. Theo tình hình thực tế hiện nay sẽ có rất ít học sinh lựa chọn môn lịch sử để học, do ngành nghề liên quan đến lịch sử có ít trong xã hội, ảnh hưởng đến lựa chọn nghề nghiệp của học sinh. “Nếu học sinh không chọn môn học Lịch sử, tôi e ngại rằng sẽ mất đi một kênh giáo dục quan trọng cho học sinh. Vì vậy, đề nghị Trung ương đưa môn Lịch sử là môn học bắt buộc ở tất cả các cấp”, cử tri Trần Thị Hoa nói. |
Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Quảng (thứ 4, từ phải sang) cùng các đại biểu Quốc hội trao đổi với cử tri bên lề hội nghị. Ảnh: NGỌC PHÚ |
Cử tri Phạm Văn Chi phát biểu tại hội nghị. Ảnh: NGỌC PHÚ |
NGỌC PHÚ