Được cử tri tín nhiệm, bầu để trở thành đại biểu dân cử dù ở cấp nào cũng là niềm tự hào, nhưng đấy cũng là trách nhiệm lớn lao để làm sao thực sự đại biểu dân cử xứng đáng với lá phiếu cử tri bầu cho mình. Đó là quan điểm chung của các đại biểu dân cử khi thực hiện nhiệm vụ phải chịu sự giám sát của cử tri. Báo Đà Nẵng ghi nhận những ý kiến về vấn đề này.
Các đại biểu dân cử phải chịu sự giám sát của cử tri để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. TRONG ẢNH: Ban Pháp chế HĐND thành phố tổ chức giám sát công tác tuyển chọn gọi công dân nhập ngũ tại quận Thanh Khê năm 2022. Ảnh: Trọng Huy |
* Đại biểu Quốc hội khóa XV Nguyễn Thị Kim Thúy, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội: Nghe, hiểu được cử tri nói gì và nói sao để cử tri hiểu
Hiện nay, cử tri thông qua Mặt trận các cấp thực hiện nhiều kênh giám sát đối với đại biểu dân cử, như qua các cuộc giám sát, khảo sát, tiếp công dân, tiếp xúc cử tri, tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị… Cử tri nêu cao trách nhiệm chừng nào, chất lượng đại biểu được nêu cao chừng đó. Được cử tri giám sát chặt chẽ, đại biểu buộc phải tự thay đổi mình. Sự tin tưởng, gần gũi của cử tri với đại biểu dân cử chỉ có được khi cử tri thấy được hoạt động của đại biểu dân cử phải xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của cử tri.
Đại biểu dân cử phải có cách nói phù hợp với từng đối tượng cử tri để ai cũng nghe được, hiểu được thông điệp chuyển tải, không thể nói kiểu “uyên thâm, bác học, hàn lâm”. Đồng thời, đại biểu dân cử phải biết cách lắng nghe để hiểu và nắm rõ ý kiến, nguyện vọng của cử tri. Lắng nghe với thái độ cầu thị, tích cực, qua đó để cảm nhận, thấu hiểu được, không được đòi hỏi cử tri nói gãy gọn, súc tích này khác… Đối với cử tri, cũng cần có sự thay đổi trong việc giám sát với đại biểu để họ làm tốt hơn vai trò đại diện.
* Đại biểu HĐND thành phố khóa X Lương Công Tuấn, Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố: Phải là người đại diện có trách nhiệm
Việc Mặt trận thực hiện hoạt động giám sát đại biểu dân cử nhằm thực hiện mục tiêu “xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân”, rất phù hợp với bối cảnh Đà Nẵng thí điểm tổ chức chính quyền đô thị. Là đại biểu HĐND thành phố, tôi thấy mình có trách nhiệm nghiêm túc chịu sự giám sát của cử tri, bởi cử tri đã bầu mình làm người đại diện trong HĐND thành phố.
Do đó, khi thực hiện nhiệm vụ đại biểu dân cử mình phải là người đại diện có trách nhiệm với cử tri của mình. Trong hoạt động của HĐND thành phố, Thường trực và các Ban của HĐND thành phố, tôi luôn cố gắng thực hiện tốt nhiệm vụ của mình cũng là của cử tri gửi gắm, làm sao thật xứng đáng với niềm tin, ý chí, sự kỳ vọng của nhân dân với đại biểu dân cử. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng tham mưu các chủ trương, quyết sách của HĐND thành phố đi vào cuộc sống có hiệu lực, hiệu quả.
* Đại biểu HĐND huyện Hòa Vang khóa XI Lê Văn Hùng Vương, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Hòa Vang: Giám sát giúp đại biểu hoạt động hiệu quả hơn
Việc cử tri thông qua Mặt trận giám sát đại biểu dân cử là nhằm bảo đảm nguyên tắc mọi quyền lực thuộc về nhân dân. Do đó, đại biểu dân cử chịu sự giám sát của cử tri là điều đương nhiên. Việc giám sát giúp cho đại biểu nâng cao trách nhiệm trong việc thực hiện các nội dung cam kết khi vận động bầu cử trước cử tri.
Giám sát giúp đại biểu giữ gìn tư cách của người đại diện của nhân dân về đạo đức, lối sống, quan hệ với nhân dân, giải quyết các kiến nghị của người dân đến nơi đến chốn. Qua đó, không chỉ phát huy quyền dân chủ mà còn góp phần xây dựng hệ thống chính trị địa phương ngày càng vững mạnh. Mặt khác, qua giám sát giúp nhìn nhận những khó khăn, vướng mắc của đại biểu dân cử khi thực hiện chức trách của mình để kiến nghị các cấp tạo điều kiện cho đại biểu hoạt động tốt hơn.
* Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Mân Thái (quận Sơn Trà) Lê Thị Hồng Phấn: Phát huy tốt quyền dân chủ
Mặt trận các cấp cần thường xuyên tuyên truyền việc giám sát đại biểu dân cử vừa là quyền vừa là nghĩa vụ của cử tri, giúp cử tri hiểu và phát huy quyền dân chủ, Trong quá trình theo dõi mọi mặt hoạt động của đại biểu dân cử, cử tri có thể phản ánh lên tổ chức đại diện cho quyền lợi của mình như Ủy ban MTTQ và các hội, đoàn thể. Các tổ chức này tập hợp các ý kiến và gặp gỡ, trao đổi với đại biểu dân cử qua các cuộc hội nghị tiếp xúc cử tri, hoặc bằng văn bản hoặc hình thức khác. Thông qua hoạt động này, Mặt trận và các tổ chức thành viên phải làm cho cử tri có ý thức được trách nhiệm đối với sự phát triển của quê hương, đất nước, quan tâm đến đại biểu dân cử có thực hiện tốt nhiệm vụ của mình hay không.
TRỌNG HUY ghi