Chủ động xây dựng chương trình, lựa chọn nội dung giám sát có trọng tâm, trọng điểm, thành lập tổ giám sát ở cơ sở, tổ chức phản biện các dự thảo kế hoạch, đề án phát triển của chính quyền cùng cấp… là những hoạt động đang được Mặt trận, hội, đoàn thể các cấp tích cực triển khai nhằm nâng cao vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội, góp phần xây dựng và phát triển địa phương.
Thông qua hội nghị phản biện, các đại biểu đóng góp ý kiến, xây dựng, hoàn thiện dự thảo kế hoạch, đề án phát triển địa phương. TRONG ẢNH: Mặt trận phường Bình Hiên (quận Hải Châu) tổ chức hội nghị phản biện về dự thảo mô hình “Ngõ gọn xe - Hè sạch rác”. Ảnh: Mặt trận phường Bình Hiên cung cấp |
Đa dạng nội dung giám sát, phản biện
Tại hội nghị phản biện dự thảo kế hoạch “Thực hiện chương trình an sinh xã hội đến năm 2025 trên địa bàn quận Liên Chiểu” do Mặt trận quận Liên Chiểu tổ chức mới đây, các đại biểu bày tỏ đồng thuận với các lĩnh vực, mục tiêu mà UBND quận Liên Chiểu đề ra, như: phấn đấu đến cuối năm 2025, toàn quận Liên Chiểu không còn hộ nghèo còn sức lao động, bảo đảm 100% đối tượng yếu thế được trợ giúp các dịch vụ xã hội cơ bản; mở rộng diện bao phủ người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; duy trì 100% phường đạt chuẩn Quốc gia về y tế; triển khai Đề án xây dựng nâng cấp mở rộng trường học; mở rộng mạng lưới cấp nước, 100% hộ dân được sử dụng nước sạch; đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa truyền thông,...
Bên cạnh đó, các đại biểu cho rằng cần đi sâu vào công tác giảm nghèo; cụ thể hóa và bám sát thực trạng các cơ sở khám chữa bệnh, trạm y tế; hệ thống trường lớp chưa được đầu tư đúng mức với sự gia tăng dân số,…
Các ý kiến phản biện tại hội nghị được Mặt trận quận Liên Chiểu tổng hợp gửi UBND quận Liên Chiểu để bổ sung, hoàn thiện dự thảo kế hoạch; đồng thời tạo sự thống nhất giữa các cấp, ngành để triển khai thực hiện trong thời gian tới. Phản biện dự thảo mô hình “Ngõ gọn xe - Hè sạch rác” do Đảng bộ phường Bình Hiên (quận Hải Châu) xây dựng, các trưởng, phó ban công tác Mặt trận khu dân cư đánh giá mô hình này rất thiết thực, phù hợp trong bối cảnh hiện nay nhằm thực hiện tốt Cuộc vận động “3 hơn” của Quận ủy Hải Châu. Để mô hình thực sự hiệu quả, nhiều kiến nghị bổ sung vào bộ tiêu chí các nội dung như: chó thả rông phải có rọ mõm; có giải pháp đậu, đỗ xe trong kiệt, hẻm; vấn đề ô nhiễm tiếng ồn; bán hàng rong; thống nhất hình thức thu gom rác thải; có chế tài xử phạt các trường hợp vi phạm,…
Cuối tháng 3-2022, hội nghị phản biện dự thảo kế hoạch triển khai nhiệm vụ đột phá về “Tập trung xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị trên địa bàn” do Mặt trận xã Hòa Châu (huyện Hòa Vang) tổ chức diễn ra sôi nổi với nhiều ý kiến tâm huyết.
Các đại biểu đánh giá cao sự cần thiết ban hành kế hoạch, phù hợp với xu thế phát triển đô thị, gắn với mục tiêu xây dựng xã “nông thôn mới kiểu mẫu”. Bên cạnh đó, các đại biểu đề nghị xác định rõ địa điểm và giai đoạn thực hiện kế hoạch; chọn nhiệm vụ mang tính đột phá; đẩy mạnh tuyên truyền; có cơ chế hỗ trợ kinh phí cho các câu lạc bộ, đội nhóm hoạt động; đồng thời có chế tài xử lý các trường hợp vi phạm,…
Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Hòa Châu Trần Thị Ngọc Oanh, xây dựng, phát triển xã Hòa Châu ngày càng văn minh, hiện đại là mục tiêu xuyên suốt của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã. Trong đó, kế hoạch “Tập trung xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị trên địa bàn” là một trong ba nhiệm vụ đột phá trong nhiệm kỳ 2020-2025. “Các ý kiến, kiến nghị tại hội nghị phản biện được Mặt trận xã tổng hợp và gửi UBND xã nghiên cứu, xem xét điều chỉnh và hoàn thiện dự thảo kế hoạch trước khi ban hành nhằm tạo sự đồng thuận cao trong hệ thống chính trị và nhân dân”, bà Oanh cho biết.
Phát động thi đua
Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Bình Hiên Phạm Đình Nguyên Kha, trong năm 2022, nội dung giám sát thường xuyên của Mặt trận phường gồm: chương trình giảm nghèo; đầu tư xây dựng cộng đồng; việc thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về “5 xây, 3 chống” của cán bộ tiếp nhận và trả kết quả phường; hoạt động đại biểu dân cử; cán bộ, đảng viên, người đứng đầu về đạo đức, lối sống theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII)…
Bên cạnh đó, Mặt trận, các hội, đoàn thể phường cũng xây dựng chương trình giám sát chuyên đề, tập trung các vấn đề nổi cộm, tác động đến đông đảo người dân, như: vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ, cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm; công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư công dân; việc thu nộp các quỹ vận động trong nhân dân; việc cấp phát bảo hiểm y tế cho trẻ em và hộ nghèo,…
Để công tác giám sát đạt hiệu quả, Mặt trận các địa phương chú trọng đổi mới hình thức, phát động thi đua, ký kết kế hoạch liên tịch giữa Mặt trận và các tổ chức thành viên nhằm nâng cao nhận thức, thống nhất hành động trong cả hệ thống.
Ông Bùi Nguyễn Tấn Phong, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Sơn Trà cho biết đã tổ chức ký giao ước thi đua năm 2022 với Mặt trận 7 phường. Trong đó, xác định thi đua tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, giám sát và phản biện xã hội, phát huy dân chủ, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân là 1 trong 5 nội dung thi đua trọng tâm trong năm 2022. Trong khi đó, Mặt trận phường Nam Dương (quận Hải Châu) tổ chức ký kết kế hoạch liên tịch thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội giữa Mặt trận và các hội, đoàn thể phường, xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, trách nhiệm của từng đơn vị nhằm nâng cao nhận thức, sự đồng thuận để triển khai thực hiện hiệu quả.
Mặt trận phường Thạc Gián (quận Thanh Khê) vừa ra mắt 20 tổ giám sát trật tự xây dựng tại 20 khu dân cư trên địa bàn phường. Thành viên các tổ giám sát gồm trưởng, phó ban công tác Mặt trận; trưởng, phó các hội, đoàn thể khu dân cư… Nội dung giám sát là việc triển khai các công trình, dự án đầu tư cộng đồng; vấn đề trật tự xây dựng, đô thị, môi trường… tại khu dân cư. Từ đó kịp thời phát hiện các bất cập, kiến nghị, đề xuất cấp trên giải quyết, góp phần bảo đảm ổn định, trật tự, nền nếp tại địa phương; nâng cao vai trò, vị trí, hiệu quả giám sát của Mặt trận và các hội, đoàn thể từ cơ sở.
LAM PHƯƠNG