Nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nhà báo địa phương

.

Hội thảo là dịp để Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố khu vực Nam Trung Bộ gặp gỡ, thảo luận một số giải pháp nhằm từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội Nhà báo địa phương.

Quang cảnh cuộc hội thảo. (Nguồn: Báo Quảng Ngãi)
Quang cảnh cuộc hội thảo. (Nguồn: Báo Quảng Ngãi)

Ngày 27-5, Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với Tạp chí Người làm báo tổ chức Hội thảo “Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động Hội Nhà báo địa phương.”

Phát biểu tại hội thảo, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập Báo Đà Nẵng Nguyễn Đức Nam nhấn mạnh hội thảo nhằm tiếp tục khẳng định, phát huy vai trò quan trọng, vị thế, uy tín của Hội Nhà báo địa phương trong hoạt động báo chí và đời sống xã hội; đặt ra những yêu cầu, đòi hỏi cần thiết đối với hoạt động của Hội Nhà báo địa phương để bắt kịp với yêu cầu thực tế hiện nay.

Đây cũng là dịp để Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố khu vực Nam Trung Bộ gặp gỡ, giao lưu, trao đổi, gắn kết trách nhiệm và chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động Hội; đề xuất, thảo luận một số giải pháp nhằm từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội Nhà báo địa phương...

Các tham luận tại hội thảo có nội dung đa dạng, đề cập đến nhiều khía cạnh, giải pháp rất hữu ích, có chiều sâu, thẳng thắn đánh giá, nhìn nhận, nêu ra những mặt hạn chế, tồn tại.

Cụ thể, dù có nhiều cố gắng đổi mới nội dung, hình thức nhưng kết quả hoạt động của tổ chức Hội vẫn còn thấp so với đòi hỏi hiện nay.

Mô hình tổ chức Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố chưa thống nhất. Một số Hội Nhà báo còn lúng túng trong cách thức tổ chức các hoạt động để thu hút đông đảo hội viên, tập hợp vào “mái nhà chung” của Hội.

Công tác bồi dưỡng chính trị, nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp đối với hội viên ở một số Hội chưa thật sự được chú trọng, còn có hội viên-nhà báo thiếu tính chuyên nghiệp…

Đại diện lãnh đạo Hội Nhà báo Phú Yên cho rằng Hội Nhà báo địa phương phải xác định các chi hội là "cánh tay nối dài" của Hội, là tổ chức Hội trực tiếp hoạt động tại các cơ quan báo chí; phải phối hợp với Đảng ủy, lãnh đạo các cơ quan báo chí lựa chọn các Ban thư ký đủ năng lực, uy tín để làm công tác Hội ở cơ sở.

Ban thư ký, Ban chủ nhiệm phải đoàn kết, nhất trí, duy trì nghiêm túc quy chế làm việc; mọi chủ trương, kế hoạch công tác đều phải bàn bạc dân chủ, công khai; thường xuyên gắn bó với hội viên, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, tạo sự đồng thuận cao trong hội viên.

Nhà báo Đoàn Minh Long, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Khánh Hòa chia sẻ Hội Nhà báo địa phương nên nghiên cứu thành lập hội đồng xử lý vi phạm quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, góp phần tích cực vào việc kịp thời ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm.

Tham luận của Hội Nhà báo tỉnh Bình Định đã chỉ ra kết quả và những giải pháp, biện pháp thiết thực trong việc tổ chức hoạt động các Chi hội Nhà báo và Câu lạc bộ, hoạt động Hội trong điều kiện không thuận lợi do đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp; đưa ra các giải pháp có tính sáng tạo về nâng cao chất lượng hoạt động các Chi hội cơ sở, Câu lạc bộ và hoạt động Hội Nhà báo địa phương.

Tham luận của Hội Nhà báo thành phố Đà Nẵng đã nêu ra nhiều giải pháp thiết thực về đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội Nhà báo địa phương và những bài học kinh nghiệm quý giá về kiện toàn tổ chức bộ máy, tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức làm báo cho hội viên-nhà báo, về nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ cho người làm báo…

Đây là Hội thảo có chất lượng, có ý nghĩa thiết thực, là cơ sở để các cấp Hội Nhà báo địa phương chia sẻ những kinh nghiệm hay trong hoạt động công tác Hội.

Qua hội thảo, mỗi cấp Hội Nhà báo sẽ có những hướng đi phù hợp với thực tiễn từng địa phương, linh hoạt trong mọi hoạt động, thu hút sự quan tâm của các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, không ngừng nâng cao vị thế, vai trò của Hội Nhà báo địa phương trong xã hội.

Theo TTXVN/Vietnam+

;
;
.
.
.
.
.