ĐNO - Sáng 12-7, báo cáo tại kỳ họp thứ 7 HĐND thành phố khóa X về kết quả giám sát việc thực hiện thí điểm tổ chức chính quyền đô thị theo Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Cao Thị Huyền Trân đề nghị UBND thành phố tiếp tục phân cấp, ủy quyền mạnh mẽ về quản lý nhà nước trên các lĩnh vực để chính quyền đô thị vận hành thông suốt, hiệu lực, hiệu quả.
Phó Chủ tịch HĐND thành phố Cao Thị Huyền Trân phát biểu tại kỳ họp. Ảnh: N. PHÚ |
Việc chuyển tiếp thực hiện nhiệm vụ giữa hai giai đoạn chưa có vướng mắc, phát sinh lớn làm ảnh hưởng hay cản trở đến công tác quản lý, điều hành của UBND quận, phường.
Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đã tổ chức quán triệt tạo nhận thức trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân; chỉ đạo sớm hoàn thiện các văn bản, tạo cơ sở pháp lý trong quá trình thực hiện thí điểm. Công tác bố trí, sắp xếp tổ chức bộ máy, công tác cán bộ khi triển khai thí điểm tổ chức chính quyền đô thị về cơ bản đã hoàn thành tốt.
Đối với việc sắp xếp, bố trí các chức danh, tinh giản biên chế phù hợp với trình độ chuyên môn và nguyện vọng của từng cán bộ. Đến nay, đa số cán bộ được sắp xếp, bố trí lại cơ bản yên tâm công tác và bước đầu thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Toàn cảnh kỳ họp. Ảnh: T. HUY |
Về quản lý tài chính, ngân sách, các quận, phường đều đã được phân bổ dự toán 6 tháng cuối năm 2021 và năm 2022 để thực hiện các nhiệm vụ là đơn vị dự toán ngân sách; đồng thời, bổ sung dự toán theo đề nghị của các quận để thực hiện nhiệm vụ phòng, chống Covid-19; các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ các đối tượng khó khăn; các nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao theo quy định…
Theo Phó Chủ tịch HĐND thành phố Cao Thị Huyền Trân, bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện chính quyền đô thị. Theo đó, vướng mắc về chế độ công vụ đối với cán bộ, công chức; về biên chế công chức của UBND cấp phường.
Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng và Nghị định số 34/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 119/2020/QH14 chưa có quy định, hướng dẫn về những nội dung này nên thành phố lúng túng trong thực hiện.
Việc đối thoại định kỳ với nhân dân của chủ tịch UBND quận, phường trước mỗi kỳ họp thường kỳ của HĐND thành phố về tình hình hoạt động của UBND, những vấn đề liên quan đến quyền lợi và nguyện vọng của công dân ở địa phương, đến nay, vấn đề này vẫn chưa có hướng dẫn để thống nhất thực hiện.
Hiện nay, số lượng đại biểu HĐND thành phố hoạt động kiêm nhiệm chiếm đa số. Khi thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị đã làm tăng khối lượng công việc, nhiệm vụ của HĐND thành phố, Thường trực HĐND thành phố và các Ban HĐND tăng thêm rất lớn (cả phạm vi và đối tượng).
Trong khi đó, số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách ít, mặt khác, số lượng biên chế của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND thành phố được phân bổ thấp. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc tiếp nhận, xử lý các ý kiến của cử tri nói riêng, chất lượng giám sát của HĐND thành phố nói chung.
Khi thực hiện thí điểm tổ chức chính quyền đô thị, quận, phường trở thành đơn vị dự toán ngân sách nên không còn nguồn tăng thu, kết dư ngân sách (theo Luật Ngân sách) để chủ động bổ sung dự toán phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và công tác bảo đảm an sinh xã hội như một cấp ngân sách.
Thực tế là trong quá trình quản lý nhà nước trên địa bàn quận, phường phát sinh nhiều nội dung chi, nhất là sửa chữa cơ sở hạ tầng đô thị, an sinh xã hội, giải quyết bức xúc của nhân dân… nên khi không còn là cấp ngân sách, quận, phường không chủ động trong điều hành ngân sách, nguồn chi để kịp thời xử lý những vấn đề cấp thiết này.
“Đây là vấn đề vướng mắc, khó khăn lớn mà tất cả các quận, phường phản ánh khi thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị trên địa bàn thành phố và đề nghị sớm có biện pháp tháo gỡ”, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Cao Thị Huyền Trân nhấn mạnh.
Theo đó, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Cao Thị Huyền Trân đề nghị, UBND thành phố khẩn trương rà soát cơ sở pháp lý để xem xét, phân cấp, ủy quyền cho UBND các quận quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án dân sinh quy mô nhỏ, các công trình dân sinh trên địa bàn quận để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện, tránh dồn công việc về cơ quan thẩm định; chỉ đạo giải quyết các kiến nghị, đề xuất của các địa phương, đơn vị qua giám sát.
UBND các quận, phường sau khi được phân cấp, ủy quyền quyết định chủ trương đầu tư các dự án nhóm C, chủ động rà soát, kịp thời các hồ sơ, thủ tục theo quy định; rà soát, dự toán ngân sách hằng năm bảo đảm phù hợp, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị tại địa phương; sớm tổ chức thi tuyển công chức phường liên thông lên công chức quận; thực hiện tốt “Đề án phân cấp, ủy quyền quản lý nhà nước theo mô hình chính quyền đô thị trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”.
Các địa phương linh hoạt giải quyết, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết các vấn đề phát sinh tại địa phương theo thẩm quyền; tổ chức có hiệu quả, chất lượng các hội nghị đối thoại giữa chủ tịch UBND quận, chủ tịch UBND phường với nhân dân; kịp thời trả lời, giải quyết các kiến nghị của cử tri, nhân dân qua các phiên đối thoại…
T. HUY – L. PHƯƠNG – N. PHÚ