ĐNO - Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền từ thành phố đến phường, xã và các sở, ban, ngành, đơn vị phải coi chống bão là nhiệm vụ trọng tâm quan trọng nhất vào thời điểm này. Công tác sơ tán nhân dân đến nơi trú bão an toàn phải hoàn thành trước 14 giờ ngày 27-9.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng (bìa trái) và Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh tại hội nghị. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Sáng 26-9, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng và Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh đồng chủ trì cuộc họp khẩn với các sở, ban, ngành, quận, huyện, phường, xã nhằm rà soát, chỉ đạo triển khai công tác ứng phó, khắc phục hậu quả do bão số 4 gây ra. Cùng dự có Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết.
Tại buổi họp, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng lưu ý, bão số 4 là cơn bão mạnh nhất trong vòng 20 năm qua nên tất cả mục tiêu, giải pháp của thành phố là hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại, đặc biệt là không để xảy ra thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của người dân.
Về cơ bản thống nhất các nội dung, nhiệm vụ mà các cấp ủy Đảng, địa phương, đơn vị... đã triển khai trong những ngày qua. Các cấp ủy Đảng, địa phương, đơn vị phải dừng tất cả các cuộc họp chưa cần thiết để tập trung cho công tác phòng, chống bão; thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ và thành phố trong công tác phòng, chống bão.
Ban Cán sự Đảng UBND thành phố chỉ đạo lập sở chỉ huy phòng, chống bão tại trụ sở UBND thành phố để chỉ đạo phối hợp các lực lượng từ thành phố đến phường, xã trong công tác phòng, chống bão.
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh là chỉ huy trưởng của sở chỉ huy. Các quận, huyện cũng thành lập các sở chỉ huy ở địa phương mình để tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống bão. Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng cũng giao bí thư cấp ủy và thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị chịu trách nhiệm triển khai các nhiệm vụ phòng, chống bão trước, trong và sau bão; phân công lãnh đạo ứng trực...
Các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy chịu trách nhiệm đi kiểm tra, đôn đốc các địa phương, đơn vị về công tác phòng, chống bão. Lãnh đạo Ban Cán sự Đảng UBND thành phố chịu trách nhiệm kiểm tra ở các địa bàn trọng điểm chưa có sự phân công, nhất là các ban quản lý dự án, doanh nghiệp ở các khu công nghiệp, các công trình và dự án đang thi công dang dở, cảng, âu thuyền...
Đặc biệt là rà soát các nội dung, nhiệm vụ đã, đang triển khai và phát hiện, chỉ đạo thực hiện các vấn đề cần khắc phục ngay trong quá trình kiểm tra.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng cũng yêu cầu các địa phương, đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền về tình hình bão và tuyên truyền đầy đủ các biện pháp mà thành phố chỉ đạo triển khai, nhất là tuyên truyền về việc người dân chủ động chằng chống nhà cửa, bảo vệ tài sản, không ra khỏi nhà khi bão vào, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người.
Công an thành phố, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố, Cảng vụ Hàng hải Đà Nẵng... là lực lượng nòng cốt hỗ trợ các địa phương sơ tán nhân dân, bố trí lực lượng túc trực để xử lý các tình huống xảy ra theo các phương án phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, phòng chống cháy nổ trên địa bàn.
Các sở, ban, ngành, địa phương tập trung rà soát kỹ tất cả các hộ dân thuộc diện phải sơ tán; các điểm có nguy cơ sạt lở, ngập úng; rà soát, xác định rất rõ các điểm phục vụ sơ tán nhân dân đến, bảo đảm an toàn.
Tất cả các điểm sơ tán dân đến đều được thông báo về cho sở chỉ huy và các lực lượng cứu hộ, cứu nạn biết địa chỉ để ứng cứu, xử lý kịp thời các tình huống xảy ra.
Đồng thời, tổ chức việc sơ tán nhân dân đúng đối tượng và thời gian, hoàn thành trước 14 giờ ngày 27-9-2022; bảo đảm lương thực, thực phẩm, y tế cho người dân ở các điểm sơ tán và cung ứng lương thực, thực phẩm cho các khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập úng, có khả năng cô lập.
Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng phải chịu trách nhiệm bảo đảm khắc phục các sự cố điện và cung ứng điện cho các khu vực trọng yếu, nhất là các sở chỉ huy phòng chống bão, bệnh viện, địa điểm trọng yếu...
Sở Xây dựng chịu trách nhiệm kiểm tra, xử lý, bảo đảm an toàn các công trình xây dựng, nhất là các công trình cao tầng và cần cẩu, trục tháp. Sở Công Thương, Ban quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng kiểm tra, nhắc nhở các doanh nghiệp bảo đảm an toàn trong công tác phòng chống bão, bố trí lực lượng sản xuất phù hợp, cho công nhân nghỉ việc trong những ngày chống bão để bảo đảm an toàn. Các đơn vị, địa phương bổ sung phương án khắc phục hậu quả của bão.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết đề nghị các đơn vị, địa phương nghiên cứu kỹ lại và chủ động thực hiện tốt phương án phòng, chống thiên tai ứng với các kịch bản; đồng thời thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”. Bên cạnh đó, tăng cường thông tin để người dân nắm bắt và thực hiện theo những hướng dẫn cần thiết để phòng chống bão. Các địa phương cần chủ động và các đơn vị quân đội tích cực hiệp đồng ứng phó, khắc phục hậu quả của bão.
HOÀNG HIỆP