Phân loại rác tại nguồn đúng hướng

.

Sau gần 4 năm thực hiện Nghị quyết số 204/NQ-HĐND ngày 19-12-2018 của HĐND thành phố về quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng công tác phân loại rác tại nguồn đang được các đơn vị, địa phương thực hiện rộng khắp và đúng hướng.

Các hội viên phụ nữ phường An Hải Bắc (quận Sơn Trà) thu gom rác tài nguyên sau phân loại rác tại các hộ gia đình. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Các hội viên phụ nữ phường An Hải Bắc (quận Sơn Trà) thu gom rác tài nguyên sau phân loại rác tại các hộ gia đình. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Duy trì thu gom rác tài nguyên

Thời gian qua, chính quyền, hội, đoàn thể, đơn vị trên địa bàn thành phố đã tích cực thực hiện công tác phân loại rác tại nguồn, đặc biệt là duy trì thường xuyên việc thu gom rác tài nguyên (nhựa, kim loại, giấy) sau phân loại rác tại các hộ gia đình, doanh nghiệp, tổ chức để thúc đẩy phân loại rác. Điển hình, từ ngày 18 đến 24-10, các chi hội phụ nữ trên địa bàn phường An Hải Bắc (quận Sơn Trà) đã thu gom được nhiều loại rác tài nguyên sau khi được phân loại rác tại hộ gia đình và bán được 4,12 triệu đồng để gây quỹ an sinh xã hội tại các khu dân cư.

Trước đó, từ ngày 1 đến 9-10, các chi hội phụ nữ của phường An Hải Bắc cũng thu được 5,5 triệu đồng từ việc bán rác tái chế sau khi thu gom từ các hộ gia đình. Số lượng rác tài nguyên thu gom được sau mỗi tuần hiện trung bình từ 4-5 triệu đồng/tuần, tăng cao so với giữa năm 2022 (2-3 triệu đồng/tuần). Tần suất thu gom rác tài nguyên cũng đã tăng lên 1 tuần/lần so với đầu năm 2022 là từ 10-15 ngày/lần.

Hưởng ứng chiến dịch làm cho Thế giới sạch hơn năm 2022 do Liên Hợp Quốc phát động và tổ chức vào tuần thứ 3 của tháng 9 trên phạm vi toàn cầu, các chi hội phụ nữ ở các thôn trên địa bàn xã Hòa Sơn (huyện Hòa Vang) đã thu được 68kg nhựa, 120kg kim loại, 32kg giấy... và bán được 4,3 triệu đồng để gây quỹ an sinh xã hội. Cũng trong đợt này, chi hội phụ nữ các thôn trên địa bàn xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang) thu được 6,87 triệu đồng, xã Hòa Liên thu được 4,14 triệu đồng, xã Hòa Châu được 2,96 triệu đồng...

Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hòa Vang Huỳnh Tấn Bôn thông tin: “Thực hiện Nghị quyết số 204/NQ-HĐND của HĐND thành phố, công tác phân loại rác tại hộ gia đình đang được triển khai trên địa bàn huyện. Cụ thể, tất cả 113 thôn trên địa bàn huyện đã tuyên truyền, vận động nhân dân phân loại rác tại hộ gia đình theo phương thức tách riêng rác tài nguyên ra khỏi rác sinh hoạt. Một số địa phương cũng đã vận động nhân dân thực hiện các mô hình ủ phân compost, tạo chế phẩm tẩy rửa từ rác hữu cơ... và tái chế, tái sử dụng các loại rác vô cơ, góp phần làm giảm khối lượng rác được chở lên chôn lấp tại bãi rác Khánh Sơn”.

Phó Chủ tịch UBND quận Hải Châu Nguyễn Văn Duy phấn khởi chia sẻ: “Chính quyền các địa phương, hội, đoàn thể đặt các lồng, thùng thu gom rác, mô hình “Mái nhà xanh”, mô hình “Ngôi nhà của pin”... tại các khu dân cư góp phần mang lại hiệu quả cho công tác phân loại rác tại nguồn. Thống kê sơ bộ trên địa bàn quận Hải Châu cho thấy, thời gian qua, các địa phương, hội, đoàn thể đã thu gom được 800 tấn rác tài nguyên, gần 1 tấn rác nguy hại, 1.000 tấn rác xây dựng và kích thước lớn được thu dọn và vận chuyển...”.

Hướng đến phân loại rác theo Luật Bảo vệ môi trường

Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, chất thải rắn sinh hoạt (rác) phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân loại theo nguyên tắc: chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm, chất thải khác (triển khai từ năm 2025). Tuy nhiên, hiện thành phố đang gặp nhiều khó khăn trong công tác phân loại rác như: sự thiếu đồng bộ hạ tầng thu gom, vận chuyển và xử lý rác sau phân loại, nhất là đối với chất thải thực phẩm; chưa tạo được động lực để thúc đẩy phân loại rác triệt để tại hộ gia đình do chí phí thu gom rác còn rẻ; công tác xã hội hóa thu gom, vận chuyển, xử lý rác sau phân loại còn hạn chế, chưa có sự tham gia của nhiều đơn vị có chức năng tái sử dụng, tái chế rác sau phân loại...

Để thúc đẩy phân loại rác tại nguồn theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, theo ông Nguyễn Văn Duy, thành phố cần tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông với đa dạng hình thức triển khai nhằm tiếp cận sâu, rộng đến từng hộ gia đình, người dân, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, nhất là phân loại chất thải thực phẩm. Đồng thời, cần đầu tư lớn và đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật liên quan cũng như các điểm thu gom, lưu giữ, vận chuyển và trang bị thùng chứa phù hợp; đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nhiều nguồn lực tham gia vào tái chế, tái sử dụng chất thải; hỗ trợ để thúc đẩy hình thành, phát triển các mô hình phân loại chất thải thực phẩm, tận dụng hoặc tái sử dụng, tái chế chất thải thực phẩm. Ngoài ra, chính quyền các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, nhắc nhở, xử lý vi phạm hành chính đối với các trường hợp không phân loại rác theo quy định...

Phó Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) Nguyễn Thị Kim Hà cho rằng, Đà Nẵng bắt đầu phân loại rác tại nguồn rộng rãi từ năm 2019, nhất là sau khi HĐND thành phố ban hành Nghị quyết số 204/NQ-HĐND. Thành phố đã chọn giải pháp phân loại rác phù hợp với năng lực, tình hình của thành phố, với nhóm rác được tuyên truyền phân loại đầu tiên là rác tái chế, tái sử dụng (hay gọi chung là nhóm rác tài nguyên), gồm các loại nhựa, kim loại, giấy. Trong bối cảnh chưa được đầu tư nhiều về hạ tầng, thành phố phấn đấu tiết giảm 22% khối lượng rác sinh hoạt phát sinh hằng ngày thông qua việc phân loại để tách các loại rác tài nguyên. “Hiện thành phố đang triển khai đúng hướng trong công tác phân loại rác tại nguồn. Đến năm 2025, thành phố hoàn toàn có sự thuận lợi và nền tảng trong những năm qua để thực hiện đồng bộ công tác phân loại rác theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020”, bà Nguyễn Thị Kim Hà khẳng định.

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.