Ý nghĩa mô hình may miếng lót giày

.

Nhằm giải quyết việc làm cho hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường Hòa An (quận Cẩm Lệ) thành lập mô hình liên kết may miếng lót giày quế tại Chi hội Phụ nữ số 13, giúp 11 hội viên có nguồn thu nhập ổn định, phát triển kinh tế gia đình.

Dựa trên nền tảng cơ sở may gia công miếng lót giày quế của chị Nguyễn Thị Hồng (phường Hòa An), từ đầu tháng 4-2022, Hội LHPN phường Hòa An nắm bắt ý tưởng, khảo sát nhu cầu các hội viên và thành lập mô hình liên kết may miếng lót giày quế cho Chi hội Phụ nữ số 13 gồm những hội viên là bà mẹ đơn thân, khuyến tật, hộ nghèo…

Là một trong những hội viên may miếng lót giày quế, chị Lương Thị Liên Hoa, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ số 13 cho biết: “Trước đây, gia đình tôi nằm trong diện hộ nghèo của tổ nên kinh tế thiếu trước hụt sau, không đủ điều kiện trang trải chi phí sinh hoạt cũng như nuôi con ăn học. May mắn được chi hội phụ nữ của phường quan tâm, giúp đỡ tạo điều kiện tham gia mô hình may miếng lót giày quế nên mỗi tháng tôi có thu nhập ổn định, dần dần cải thiện cuộc sống”.

Theo chị Hoa, công việc may miếng lót giày quế khá nhẹ nhàng, phù hợp với tất cả mọi người, kể cả chị em bị khuyết tật. Miếng lót giày quế là sự kết hợp giữa bột quế rừng, bột củ gừng, cam thảo và một số loại thảo dược thiên nhiên đã được kiểm định về chất lượng và các tiêu chuẩn bảo đảm an toàn sức khỏe. Miếng lót khử mùi hôi, giữ ẩm tốt và giúp điều hòa huyệt đạo. Các công đoạn hoàn thiện miếng lót giày trải qua 5 bước: quế được sấy khô và xay mịn, cắt vải theo số chân, cho bột quế đã xay vào may lại, hút chân không và đóng gói. Giá thành 10.000 đồng/đôi, thu nhập mỗi tháng của các hội viên từ 3 đến 4 triệu đồng tùy số lượng hoàn thành.

Vừa thoăn thoát cắt dán những miếng lót giày, chị Đinh Thị Mỹ Linh, hội viên phụ nữ, chia sẻ: “Tôi từng làm nhiều công việc tay chân vất vả nên cơ thể thường xuyên bị những cơn đau nhức hành hạ. Nhờ mô hình may miếng lót giày quế, cuộc sống gia đình tôi đã thay đổi từ tinh thần đến vật chất. Việc mưu sinh kiếm tiền không dễ, chúng tôi sẽ cố gắng làm việc và mong muốn lan tỏa những giá trị tích cực để nhiều chị em khác cùng tham gia vươn lên vượt khó”.

Nói về hiệu quả của mô hình, chị Nguyễn Thị Hoa, Chủ tịch Hội LHPN phường Hòa An cho hay, mô hình ra đời với mục đích liên kết các gia đình, hội viên phụ nữ cùng nhau sản xuất để hỗ trợ, giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn thoát nghèo bền vững. Hơn hết, mô hình này còn mang ý nghĩa nhân văn rất lớn, tinh thần tương thân tương ái cùng nhau giúp đỡ hội viên vươn lên trong cuộc sống. “Sản phẩm miếng lót giày quế an toàn, giá thành rẻ và thân thiện với môi trường nên được tiểu thương ưa chuộng, chị em không cần phải mang đi bán mà họ tự đến thu mua. Các chị em khuyết tật có thể nhận về gia công tại nhà rất thuận tiện. Chúng tôi nhận thấy mô hình có tiềm năng lâu dài nên trong thời gian tới sẽ nhân rộng mô hình ở nhiều chi hội phụ nữ khác. Đồng thời, chi hội sẽ hỗ trợ các chị em có nhu cầu vay vốn để mở rộng quy mô sản xuất”, chị Hoa nói.

Với lợi ích kinh tế cao và thân thiện với môi trường, mô hình này giúp các hội viên phụ nữ có nguồn thu nhập, tạo việc làm cải thiện cuộc sống và mở ra nhiều ý tưởng khởi nghiệp mới trong tương lai.

HUỲNH TƯỜNG VY

;
;
.
.
.
.
.