Tập trung đưa Nghị quyết số 26-NQ/TW sớm đi vào cuộc sống

.

Năm 2023, các cấp, ngành của thành phố tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp triển khai Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 3-11-2022 về “Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Đà Nẵng có vai trò quan trọng trong sự phát triển vùng và được xác định trở thành trung tâm của nhiều ngành, lĩnh vực. Trong ảnh: Một góc đô thị ven biển quận Sơn Trà. Ảnh: NGỌC PHÚ
Đà Nẵng có vai trò quan trọng trong sự phát triển vùng và được xác định trở thành trung tâm của nhiều ngành, lĩnh vực. TRONG ẢNH: Một góc đô thị ven biển quận Sơn Trà. Ảnh: NGỌC PHÚ

Còn nhiều khó khăn, thách thức

Nghị quyết số 26-NQ/TW nêu 5 quan điểm, 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Trong đó, thành phố Đà Nẵng có vai trò quan trọng trong sự phát triển vùng và được xác định trở thành trung tâm nhiều ngành, lĩnh vực, phù hợp với các định hướng lớn được nêu trong Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, như: đầu tư, hình thành và phát triển các trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá kết hợp với quốc phòng, an ninh; các trung tâm logistics gắn với cảng biển, cảng hàng không và cửa khẩu; hình thành một số trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; phát triển Đại học Đà Nẵng trở thành Đại học quốc gia, phát triển Đà Nẵng thành hạt nhân của trung tâm y tế chuyên sâu, thành trung tâm văn hóa, nghệ thuật, nghiên cứu khoa học và đào tạo nhân lực văn hóa, nghệ thuật của vùng.

Với lợi thế về điều kiện hạ tầng kỹ thuật thuận lợi như sân bay quốc tế Đà Nẵng, cảng Đà Nẵng, cơ sở lưu trú, hạ tầng đô thị, hệ thống giáo dục, y tế phát triển khá toàn diện đã giúp Đà Nẵng hình thành từng bước hệ thống dịch vụ, logistics, trung tâm cung cấp dịch vụ y tế, giáo dục đào tạo của khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước. Điều này phần nào khẳng định được vai trò, vị thế, sự quan tâm của Bộ Chính trị, Trung ương đối với thành phố trong quá trình phát triển vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ nói riêng và cả nước nói chung.

Tuy nhiên, theo Chánh Văn phòng Thành ủy Nguyễn Văn Hùng, quy mô kinh tế của Đà Nẵng còn thấp so với tỷ trọng GDP của cả nước, tăng trưởng kinh tế còn thiếu bền vững; vai trò đầu tàu, dẫn dắt chưa rõ nét; lợi thế về kinh tế biển, cảng biển, đầu mối trung chuyển, giao lưu hàng hóa ở khu vực chưa được phát huy, tận dụng tốt. Một số dự án đầu tư có tác động thúc đẩy phát triển cho toàn vùng do Trung ương đầu tư trên địa bàn thành phố như: Dự án đô thị Đại học Đà Nẵng, Tuyến Hành lanh kinh tế Đông Tây 2... chưa có nguồn vốn bố trí hoặc tiến độ đầu tư còn chậm và nhiều tuyến đường kết nối giao thông quốc gia, kết nối giao thông giữa các tỉnh lân cận chưa được đầu tư xây dựng, nâng cấp đồng bộ (QL14B, QL14G, QL14D). Việc triển khai hợp tác và liên kết vùng giữa các địa phương mới chỉ dừng ở mức độ xây dựng các kế hoạch, chương trình công tác, tổ chức hội nghị, hội thảo, gặp gỡ...

Tập trung đồng bộ các giải pháp

Theo ông Nguyễn Văn Hùng, để sớm hiện thực hóa các mục tiêu Nghị quyết số 26-NQ/TW, nhất là những nội dung liên quan trực tiếp đến Đà Nẵng, các cấp, ngành, địa phương, đơn vị thành phố cần sớm cụ thể hóa những nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong nghị quyết. Trong đó, cần nghiên cứu giải pháp đột phá để phát triển vùng, nhất là phối hợp bộ, ngành Trung ương, các địa phương trong quá trình xây dựng Quy hoạch vùng và quy hoạch từng địa phương trong vùng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; tổ chức không gian phát triển vùng theo các tiểu vùng; nghiên cứu quy hoạch phát triển các khu vực liên tỉnh như Bắc Quảng Nam - Nam thành phố Đà Nẵng. Đây là cơ hội của thành phố , là cơ sở pháp lý, công cụ điều phối giữa các địa phương trong vùng; trong đó, cần lưu ý việc tích hợp, đưa các định hướng, chủ trương lớn của thành phố đã được nêu trong Nghị quyết số 43-NQ/TW, Nghị quyết Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ thành phố vào các quy hoạch này.

Bên cạnh đó, tích cực tham gia trong xây dựng, hoàn thiện thể chế liên kết vùng để điều phối, kết nối phát triển vùng, qua đó thể hiện được vai trò của thành phố đối với các địa phương trong vùng. Đặc biệt, phối hợp các địa phương triển khai các hoạt động liên kết, hợp tác phát triển, nhất là với tỉnh Quảng Nam trong xây dựng quy hoạch và phát triển hệ thống đường bộ, đường sắt, hàng không, cảng biển; phát triển Đại học Đà Nẵng trở thành Đại học quốc gia, trước mắt là triển khai đô thị Đại học Đà Nẵng; liên kết trong quy hoạch và khai thác các sản phẩm du lịch, tổ chức hoạt động liên kết quảng bá, xúc tiến tại các thị trường trọng điểm; phối hợp bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu…

Ngoài ra, theo ông Hùng, các cơ quan, đơn vị của thành phố nhanh chóng phối hợp cơ quan Trung ương, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, ủng hộ những đề xuất về cơ chế, chính sách đặc thù tạo nguồn lực đột phá như: thành lập trung tâm tài chính quốc tế cấp vùng; Đề án thành lập Khu phi thuế quan tại thành phố Đà Nẵng; thành lập trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia tại Đà Nẵng; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án liên quan đến đất đai, đầu tư, quy hoạch.

Thành phố tập trung triển khai có hiệu quả các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đã được Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đề ra hằng năm và cả nhiệm kỳ, đặc biệt là việc cụ thể hóa, triển khai thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW, Nghị quyết Đảng bộ thành phố lần thứ XXII; các kết luận, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Song song đó, thành phố đầu tư thực hiện các dự án động lực, trọng điểm, có tính chất liên vùng như: phát triển hệ thống đường cao tốc để kết nối các địa phương trong vùng và khu vực; phát triển các cảng biển có tiềm năng thành cảng đặt biệt; phát triển thành phố Đà Nẵng và thành phố Huế trở thành trung tâm văn hóa, nghệ thuật, nghiên cứu khoa học và đào tạo nhân lực văn hóa, nghệ thuật của vùng...

NGỌC PHÚ

;
;
.
.
.
.
.