Tổng Bí thư: Loại bỏ tư tưởng bàn lùi trong đấu tranh chống tham nhũng

.

ĐNO - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh phải đấu tranh loại bỏ tư tưởng bàn lùi, cho rằng nếu đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực quá mạnh sẽ cản trở sự phát triển, làm nhụt chí sự sáng tạo.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh TTXVN
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh TTXVN

Ngày 19-6, tại trụ sở Trung ương Đảng, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo Trung ương) đã tổ chức hội nghị sơ kết một năm hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo cấp tỉnh) với sự tham dự của hơn 2.500 đại biểu, kết nối trực tuyến với các địa phương.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chủ trì hội nghị.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố, Trưởng ban chỉ đạo Thành ủy về PCTNTC Nguyễn Văn Quảng dự tại điểm cầu Hà Nội. Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết, Phó trưởng ban chỉ đạo Thành ủy về PCTNTC chủ trì điểm cầu tại Đà Nẵng.

"Cánh tay nối dài" của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, hội nghị này có ý nghĩa rất quan trọng, thể hiện sự đoàn kết, nhất trí, quyết tâm cao trong công tác đấu tranh PCTNTC từ Trung ương đến địa phương.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, chỉ trong một thời gian ngắn sau khi có quyết định từ Trung ương, tất cả 63/63 địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo PCTNTC cấp tỉnh.

Các Ban Chỉ đạo PCTNTC cấp tỉnh đã khẩn trương, tích cực triển khai thực hiện ngay nhiệm vụ được giao, nhất là đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực; tạo chuyển biến mới trong công tác phát hiện và xử lý tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở; bước đầu khắc phục tình trạng "trên nóng, dưới lạnh". 

Ban Chỉ đạo cấp tỉnh là "cánh tay nối dài" của Ban Chỉ đạo Trung ương, với chức năng là chỉ đạo, phối hợp, đôn đốc, kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương.

Nhấn mạnh nhiệm vụ thời gian tới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị, Ban Chỉ đạo PCTNTC các tỉnh, thành ủy tiếp tục quán triệt, nhận thức sâu sắc hơn nữa vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo PCTNTC cấp tỉnh; hoạt động nền nếp, bài bản, thực chất, theo đúng chức năng, nhiệm vụ; hiệu quả công tác ngày càng cao, bảo đảm thực chất, có kết quả cụ thể, rõ ràng, tránh phô trương, hình thức, "thành lập cho có", "được chăng hay chớ"; nhất là tránh tình trạng "đầu voi, đuôi chuột", lúc ra mắt thì rầm rộ, nhưng sau cứ thưa thớt, nguội lạnh dần.

Tổng Bí thư yêu cầu tiếp tục chỉ đạo làm tốt hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá"; đấu tranh mạnh mẽ chống chủ nghĩa cá nhân, thói ích kỷ vụ lợi, "lợi ích nhóm".

Các cấp uỷ, tổ chức Đảng phải có tính chiến đấu cao; chủ động phòng ngừa, tự phát hiện và xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực. Đặc biệt, người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng và tập thể lãnh đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương phải luôn gương mẫu, quyết liệt, “tự soi, tự sửa”, “nói đi đôi với làm”; trực tiếp làm, chỉ đạo, chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực.

Các đại biểu dự điểm cầu Đà Nẵng. Ảnh: NGỌC PHÚ
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Lương Nguyễn Minh Triết chủ trì điểm cầu Đà Nẵng. Ảnh: NGỌC PHÚ

Từng thành viên ban chỉ đạo, cấp ủy tổ chức Đảng xác định lĩnh vực, địa bàn trọng tâm, trọng điểm, những nơi có nhiều dư luận phản ánh, đơn thư về tham nhũng, tiêu cực thì tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao công tác tự kiểm tra, phát hiện, xử lý tham nhũng tiêu cực trong nội bộ; xử lý nghiêm cơ quan, tổ chức, đơn vị cá nhân né tránh, dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực.

Ban chỉ đạo tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng văn hoá liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân.

Trước hết, phải xây dựng ý thức tự giác chấp hành, thực hiện nghiêm các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; chủ động xử lý khi có xung đột lợi ích; xây dựng, thực hiện tốt quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp; phê phán, lên án, tích cực đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực; trọng liêm sỉ, danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân mắc vào tham nhũng, tiêu cực.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị ban chỉ đạo cấp tỉnh tiếp tục chỉ đạo, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về tham nhũng, tiêu cực để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các sai phạm từ sớm, từ xa, không để sai phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn.

“Chú ý tập trung vào các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực hoặc có dấu hiệu về tham nhũng, tiêu cực, về suy thoái tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống; khi phát hiện sai phạm thì phải xử lý kiên quyết, nghiêm minh, đồng bộ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai…”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.

Tổng Bí thư đề nghị mỗi cán bộ, đảng viên phải nêu cao trách nhiệm nêu gương, ý thức tự giác, thực hiện nghiêm các quy định của Đảng về nêu gương, về những điều đảng viên không được làm; cán bộ, đảng viên có cương vị càng cao thì càng phải tiên phong, gương mẫu…

Tổng Bí thư nhấn mạnh phải đấu tranh loại bỏ tư tưởng bàn lùi, cho rằng nếu đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực quá mạnh sẽ làm cản trở sự phát triển, làm nhụt chí sự sáng tạo; loại bỏ những biểu hiện làm "cầm chừng," "phòng thủ," "che chắn," giữ an toàn, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, sợ sai không dám làm trong một bộ phận cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

"Nếu ai có tư tưởng ấy thì hãy sớm đứng sang một bên, để người khác làm", Tổng Bí thư một lần nữa nêu rõ.

Không có vùng cấm, không có ngoại lệ

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu tập trung chỉ đạo phát hiện, xử lý kịp thời, dứt điểm những khâu yếu, việc khó, điểm nghẽn; những vấn đề cấp bách, bức xúc, dư luận xã hội quan tâm; tạo chuyển biến tích cực hơn nữa trong công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở.

“Khi phát hiện thấy sai phạm, phải xử lý kiên quyết, nghiêm minh, đồng bộ giữa kỹ luật Đảng, kỷ luật hành chính của Nhà nước, đoàn thể và xử lý hình sự; không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai và không chịu sự tác động không trong sáng của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào", Tổng Bí thư nói.

Tổng Bí thư lưu ý tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát hiện sớm, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực; nhất là chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo cấp tỉnh theo dõi, chỉ đạo. Trong đó, tập trung chỉ đạo, phối hợp xử lý dứt điểm các vụ, việc liên quan đến Công ty Việt Á, AIC, FLC, Vạn Thịnh Phát, đăng kiểm và các vụ án, vụ việc liên quan đến cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, góp phần chuẩn bị tốt nhân sự cho Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ tới; kiên quyết không để nhân sự có sai phạm, tham nhũng, tiêu cực lọt vào cấp ủy các cấp.

Chỉ đạo kiên quyết, xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, nhân viên nhũng nhiễu, vòi vĩnh, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp; khắc phục bằng được tệ "tham nhũng vặt", gây bức xức trong xã hội, làm tổn thương tình cảm và niềm tin của nhân dân.

“Thực sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân là một chủ trương chiến lược, một vấn đề cơ bản trong đường lối của Đảng ta. Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm; việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta, như Bác Hồ đã dạy," Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Lương Nguyễn Minh Triết (thứ 4, từ phải sang) cùng các đại biểu trao đổi bên lề hội nghị Ảnh: NGỌC PHÚ
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Lương Nguyễn Minh Triết (thứ 4, từ phải sang) cùng các đại biểu trao đổi bên lề hội nghị Ảnh: NGỌC PHÚ

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ lãnh đạo, chỉ đạo phát huy mạnh hơn nữa vai trò của các cơ quan, đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội, báo chí và nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tăng cường và nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp; vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, tiếp tục tham mưu, chỉ đạo, kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo, Cơ quan Thường trực và các cơ quan chức năng làm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Tổng Bí thư khẳng định: "Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là cuộc chiến hết sức khó khăn, phức tạp, nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân, nhất định tham nhũng, tiêu cực sẽ được ngăn chặn, đẩy lùi, bởi 'Non cao vẫn có đường trèo. Đường dẫu hiểm nghèo vẫn có lối đi.' Tinh thần là thế và chúng ta phải phát huy mạnh mẽ hơn nữa, quyết liệt hơn nữa, hiệu quả cao hơn nữa”.

Nhiều kết quả bước đầu quan trọng

Báo cáo tại hội nghị, Phó trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương Võ Văn Dũng cho biết, sau 1 năm thành lập, Ban Chỉ đạo PCTNTC cấp tỉnh đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng. Nổi bật, các Ban Chỉ đạo PCTNTC quan tâm chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo, qua đó kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh nhiều việc làm sai trái.

Qua kiểm tra, giám sát, thanh tra đã xử lý, kiến nghị xử lý kỷ luật nhiều tổ chức Đảng, đảng viên có hành vi tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; chuyển 286 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra xử lý theo quy định của pháp luật, tăng gấp 3 lần so với thời điểm trước khi thành lập Ban Chỉ đạo PCTNTC cấp tỉnh.

Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo PCTNTC cấp tỉnh đã tiến hành kiểm tra 147 cuộc kiểm tra, giám sát cấp ủy, tổ chức Đảng trực thuộc trong việc thực hiện các chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCTNTC. Ban Chỉ đạo PCTNTC cấp tỉnh tập trung chỉ đạo, xử lý các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực; các vụ án, vụ việc kéo dài, dư luận xã hội quan tâm ở từng địa phương.

Qua đó, đã đưa 444 vụ án, 156 vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận quan tâm vào diện theo dõi, chỉ đạo; khởi tố mới 530 vụ án/1.858 bị can phạm tội về tham nhũng; số cán bộ, đảng viên bị khởi tố do hành vi tham nhũng, tiêu cực là 1.132 bị can. Một số địa phương đã khởi tố cả cán bộ nguyên là ủy viên Trung ương Đảng, nguyên bí thư, chủ tịch, phó chủ tịch UBND tỉnh, giám đốc, phó giám đốc sở, chủ tịch UBND cấp huyện; xử lý kỷ luật 15 tổ chức Đảng, gần 80 cán bộ, công chức các cơ quan có chức năng PCTNTC sai phạm về tham nhũng, tiêu cực.

NGỌC PHÚ

 

 

;
;
.
.
.
.
.