Việc triển khai Đề án số 7796/ĐA-UBND về phân cấp, ủy quyền quản lý Nhà nước gắn với thí điểm tổ chức chính quyền đô thị giai đoạn 2021-2026 bên cạnh kết quả đạt được đã nảy sinh một số hạn chế như việc cập nhật, điều chỉnh các bộ thủ tục hành chính, chia sẻ dữ liệu, hỗ trợ công nghệ và chuẩn bị nhân lực bảo đảm chuyên môn nhận nhiệm vụ được phân cấp, ủy quyền chưa kịp thời…
Thực hiện Đề án phân cấp, ủy quyền, lĩnh vực đô thị được triển khai nhiều nhiệm vụ, trong đó tập trung công tác cắt tỉa cây xanh, nạo vét cống rãnh. TRONG ẢNH: Cắt tỉa cây xanh trên đường Trần Phú. Ảnh: THANH TÙNG |
Phân cấp nhiệm vụ phải đi kèm với nguồn lực
Qua khảo sát thực tế, nhiều địa phương, đơn vị được phân cấp, ủy quyền quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực theo đề án cho rằng, tính chủ động, kịp thời và thuận lợi trong triển khai các nhiệm vụ được phân cấp, ủy quyền là rõ ràng.
Phân cấp, ủy quyền giúp giảm khâu trung gian, rút ngắn quy trình, giảm thủ tục và thời gian giải quyết công việc, nâng cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu các cơ quan hành chính. Tuy nhiên, sau gần 2 năm triển khai, thực tế đã nảy sinh một số vướng mắc, nổi bật là giao thêm công việc, nhiệm vụ mà không đi kèm với nguồn lực như nhân lực, vật lực, tài lực tương ứng gây nên sự quá tải cho cấp được phân cấp, ủy quyền.
Theo Chủ tịch UBND phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu) Đinh Hữu Phúc, phường có dân số gần 70.000 ngàn người, là phường đông dân nhất thành phố, diện tích tự nhiên xấp xỉ quận Thanh Khê, nhưng số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cũng như các phường khác cùng loại đơn vị hành chính. Phường đông dân tạo áp lực công việc rất lớn lên hệ thống chính trị của phường. Góp ý tại buổi làm việc giữa Ban Pháp chế HĐND thành phố với quận Liên Chiểu ngày 23-5 về kết quả thực hiện thí điểm tổ chức chính quyền đô thị, ông Phúc cho rằng, được cấp trên phân cấp, ủy quyền nên phường phải nhận.
Thực tế, phường không dám nhận vì với nguồn nhân lực như hiện nay, việc giải quyết kịp thời khối lượng công việc phát sinh hằng ngày đã là một thách thức. “Phân cấp, ủy quyền tức giao thêm nhiệm vụ, công việc cần phải đi đôi với bố trí nguồn lực tương xứng khi đó cấp được phân cấp, ủy quyền mới hoàn thành tốt nhiệm vụ”, ông Phúc nói.
Chủ tịch UBND phường Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu) Phan Văn Đại cho rằng, khi phân cấp, ủy quyền cần xem xét khả năng tiếp nhận và thực hiện nhiệm vụ của đơn vị nhận phân cấp, ủy quyền; cần xem xét các yếu tố năng lực chuyên môn, nguồn lực triển khai và cả tính đặc thù của từng đơn vị, việc triển khai mới hiệu quả, sát với tình hình.
Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận Liên Chiểu Nguyễn Thị Bích Khiêm nhìn nhận, phòng tiếp nhận các nhiệm vụ do được phân cấp, ủy quyền nhưng kinh phí không tăng, nhân lực không không tăng, thậm chí biên chế tiếp tục giảm theo quy định. “Hầu hết cán bộ, công chức của phòng đều làm việc 9-10 giờ/ngày mới đáp ứng tiến độ công việc. Nhiều lúc phải làm cả ngày thứ Bảy, Chủ nhật”, bà Khiêm nói.
Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Liên Chiểu Đặng Ngọc Tuấn cho biết, cán bộ, công chức của phòng chỉ có 5 người so với đủ số lượng theo quy định là 7 người. Do đó, không bảo đảm thực hiện nhiệm vụ được giao. Cùng với đó, số lượng công việc được phân cấp về phòng nhiều, công việc chưa được tập huấn nên khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ. Qua khảo sát ý kiến của lãnh đạo nhiều địa phương như Liên Chiểu, Thanh Khê, Hải Châu, Ngũ Hành Sơn đều chia sẻ về nỗi lo được phân cấp, ủy quyền nhưng chưa được bố trí nguồn lực tương xứng.
Ngày 16-5, tại hội nghị sơ kết 1 năm triển khai Đề án 7796/ĐA-UBND, Giám đốc Sở Xây dựng Phùng Phú Phong đánh giá, trong quá trình triển khai phân cấp cần có nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu để thực hiện tốt nhất nhiệm vụ.
Tuy nhiên, hiện nay các phòng quản lý đô thị, phòng kinh tế hạ tầng các quận, huyện rất thiếu nhân lực. Số cán bộ làm công tác quản lý trật tự xây dựng tại các đội kiểm tra quy tắc đô thị có trình độ chuyên môn về xây dựng (kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng công hoặc cao đẳng xây dựng ...) chưa bảo đảm, nhất là cán bộ lãnh đạo đội. Bên cạnh đó, một số quận, huyện gặp khó khăn về nhân lực khi thực hiện nhiệm vụ phân cấp đô thị.
Triển khai chưa đồng bộ, còn bất cập
Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang Phan Văn Tôn cho rằng, huyện có khoảng 200 dự án nhưng không có cán bộ, công chức quản lý trật tự xây dựng ở cấp xã, dẫn đến câu chuyện “dự án nhiều, địa bàn rộng, quản lý không chặt”. Ngoài ra, việc thực hiện tinh giản biên chế đã dẫn đến tình trạng thiếu cán bộ nhưng công việc ngày càng nhiều, không có cán bộ chuyên môn, rất dễ xảy ra sai sót.
Theo Phó Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ Nguyễn Hải Đường, mỗi năm quận thực hiện thủ tục cấp phép hàng trăm giấy phép xây dựng nhưng nhân lực ở quận chỉ có 8 người. Nếu tiếp tục thực hiện tinh giảm biên chế đến năm 2026 giảm 5% biên chế công chức so với năm 2021 sẽ gặp rất nhiều khó khăn, áp lực.
Liên quan đến các vướng mắc trong thực tế triển khai, Chủ tịch UBND phường Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê) Lê Thị Nhật Diệu cho hay, hồ sơ cấp giấy chứng nhận biển số nhà không nằm trong Bộ thủ tục hành chính cấp phường. Tuy nhiên, phường phải thực hiện tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ cho công dân như một hồ sơ liên thông (phường trở thành cấp trung gian giữa công dân và quận), tạo ra sự rườm rà, mất thời gian của phường cũng như công dân.
Đây là thực trạng chung của nhiều địa phương gặp phải. Báo cáo của Sở Nội vụ cho biết, việc phân cấp, ủy quyền giữa UBND quận và UBND phường có chuyển biến nhưng còn ít, chủ yếu một số nội dung quản lý đô thị. Công tác triển khai chưa đồng bộ, cần tiếp tục đốn đốc, hướng dẫn.
Nhìn nhận những hạn chế trong quá trình triển khai đề án, Giám đốc Sở Nội vụ Võ Ngọc Đồng cho rằng, đối với một số nội dung phân cấp do quy định của pháp luật chuyên ngành chưa rõ, cần phải xin ý kiến của các cơ quan Trung ương, đặc biệt phân cấp về đầu tư, đất đai và thực hiện quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Một số nội dung ủy quyền đã được quy định cụ thể tại đề án nhưng các sở, ngành triển khai còn chậm; chưa triển khai đồng bộ với việc xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý, chuyển giao công cụ hỗ trợ (phần mềm, cơ sở dữ liệu, hướng dẫn định mức kinh tế - kỹ thuật thực hiện đặt hàng, đấu thầu, giám sát cung ứng dịch vụ sự nghiệp công ích…).
Trong phân cấp quản lý đô thị có một số phát sinh khó khăn như công tác thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng công trình trên địa bàn quận, huyện thường tập trung vào một thời điểm nhất định làm khối lượng công việc tăng đột biến dẫn đến thẩm định không kịp thời gian quy định. Phân cấp quản lý trật tự xây dựng từ thành phố xuống quận, huyện nhưng cán bộ có trình độ chuyên môn chưa đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước lĩnh vực này.
TRỌNG HUY