Phát huy vai trò của lực lượng cốt cán, người có uy tín trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

.

Thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, ngày 5-12-2022, Ban Thường vụ Thành ủy ban hành và quán triệt, triển khai Đề án “Tuyên tuyền, lan tỏa thông tin tích cực, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, thông tin xấu độc trên internet và mạng xã hội trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”.

Việc Thành ủy ban hành đề án đã tạo chuyển biến quan trọng trong huy động tổng hợp các lực lượng của hệ thống chính trị tham gia vào công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch tại thành phố Đà Nẵng, trong đó có sự vào cuộc và đóng góp của lực lượng cốt cán và người có uy tín tại các địa phương, đơn vị trên toàn thành phố.

Hoạt động của lực lượng cốt cán, người uy tín là chỗ dựa quan trọng trong phong trào toàn dân tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Hiện nay, Đà Nẵng có 8 đơn vị hành chính cấp huyện, 56 đơn vị hành chính cấp xã, 2.901 thôn, tổ dân phố với 1.200 ban công tác Mặt trận khu dân cư. Trên địa bàn thành phố hiện có khoảng hơn 30.000 doanh nghiệp đang hoạt động; 21 trường đại học, cao đẳng với tổng số khoảng hơn 90.000 sinh viên; có 9 tổ chức tôn giáo thuộc 6 giáo hội tôn giáo hợp pháp đang hoạt động ổn định. Toàn thành phố có 28 thành phần dân tộc thiểu số, gồm người Việt gốc Hoa có khoảng 2.800 người; dân tộc Cơtu có khoảng 1.200 người; 26 dân tộc thiểu số khác khoảng 770 người.

Trong thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp từ thành phố đến cơ sở chủ động phối hợp đề ra nhiều nội dung, giải pháp hiệu quả trong xây dựng, phát huy hiệu quả vai trò của lực lượng cốt cán phong trào trong cộng đồng dân cư, trong công nhân các khu công nghiệp, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trong các tổ chức tôn giáo, người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số.

Lực lượng cốt cán và người có uy tín đã chủ động bám sát tình hình địa phương, cơ sở, kịp thời nắm, phản ánh và cung cấp được nhiều nguồn tin có giá trị, giúp cấp ủy cơ sở và các cơ quan chức năng giải quyết hiệu quả các vấn đề phát sinh, nhất là những vấn đề tác động tiêu cực đến đời sống trong cộng đồng dân cư. Lực lượng cốt cán, người có uy tín còn chủ động tham gia tuyên truyền, vận động giải quyết một số vụ nảy sinh phức tạp trong nội bộ nhân dân; trực tiếp giải thích, làm rõ, đả thông tư tưởng về những khúc mắc của một bộ phận người dân trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị tại địa bàn cơ sở.

Hoạt động của lực lượng cốt cán, người có uy tín đã có tác động thiết thực trong phát triển kinh tế - xã hội, tham gia công tác phòng chống dịch bệnh, khắc phục thiên tai, giữ vững quốc phòng, an ninh; đóng góp nhiều giải pháp nâng cao vai trò, trách nhiệm cả chính quyền, tổ chức cơ sở đảng, Mặt trận và các tổ chức chính trị xã hội; qua đó giúp cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị thành phố làm tốt công tác nắm bắt, chỉ đạo xử lý hiệu quả các nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của hội viên, đoàn viên và nhân dân; giải quyết ổn thỏa nhiều vụ việc phức tạp như các hoạt động khiếu kiện đòi lại đất đai, cơ sở thờ tự, sinh hoạt tôn giáo và truyền đạo trái pháp luật, đẩy mạnh việc thực hiện công tác giải tỏa, đền bù, bố trí tái định cư; giúp các ngành chức năng chủ động xử lý tốt các vấn đề phát sinh, không để tình hình diễn biến phức tạp, xảy ra tại cơ sở.

Cốt cán, người có uy tín là lực lượng nòng cốt đi đầu, tích cực cùng chính quyền, mặt trận và các đoàn thể ở cơ sở tập hợp quần chúng tham gia thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động; xây dựng, phát huy, nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo”; trở thành nhân tố không thể thiếu trong huy động sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân vào sự phát triển của thành phố. Đây là cơ sở thực tiễn quan trọng để các cơ quan chức năng tổ chức cung cấp thông tin định hướng dư luận, làm cơ sở thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và tổ chức đấu tranh hiệu quả với những luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thể lực thù địch, phản động trên địa bàn thời gian qua.

Có thể nói rằng, phần lớn những vấn đề các thế lực thù địch tập trung xuyên tạc chống phá trên không gian mạng trên địa bàn thành phố nói riêng, cả nước nói chung thời gian qua đều tập trung vào những vấn đề liên quan trực tiếp đến tình hình nhân dân, làm cho một bộ phận người dân hiểu sai, hiểu không đầy đủ về tình hình của thực tiễn đất nước, của thành phố.

Chúng lợi dụng triệt để tâm lý bàng quan, thờ ơ trước những luận điệu xuyên tạc, sai trái, thù địch; thiếu ý thức đấu tranh để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân để tăng cường chống phá. Do đó, việc xây dựng lực lượng cốt cán, người có uy tín trong phối hợp với các lực lượng khác tham gia đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là một giải pháp quan trọng để huy động được các nguồn lực trong nhân dân, tạo nên một mạng lưới vững chắc, rộng rãi, đủ sức phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh và xử lý kịp thời mọi thông tin xấu động trên không gian mạng là yêu cầu thực tiễn đang đặt ra.

Dự báo thời gian đến, tình hình xuyên tạc, chống phá đường lối, chính sách của Đảng, gieo rắc các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, phản động có chiều hướng gia tăng và quyết liệt hơn. Để tiếp tục xây dựng, phát huy vai trò lực lượng cốt cán, người có uy tín tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh hiệu quả với các luận điệu xuyên tạc, các thông tin xấu độc trên môi trường internet, các cấp ủy đảng cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng sau.

Thứ nhất, cấp ủy, lãnh đạo mỗi cơ quan, đơn vị cần quán triệt sâu sắc và quan tâm đúng mức đến công tác xây dựng, phát huy hiệu quả vai trò của lực lượng cốt cán, người uy tín, xem đây là nhiệm vụ quan trọng trong việc tổ chức và thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động. Với phương châm “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”; thông qua lực lượng cốt cán, người uy tín như là tai mắt của nhân dân, các địa phương, đơn vị cần làm tốt công xây nắm tình hình nhân dân, kịp thời xử lý, hiệu quả những vấn đề phức tạp, phát sinh từ cơ sở, không để các thể lực thù địch cơ hội xuyên tạc, chống phá.

Hai là, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng công tác tập hợp quần chúng, lựa chọn những đoàn viên, hội viên, người tiêu biểu để bồi dưỡng xây dựng thành lực lượng cốt cán, người có uy tín. Thông qua công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, không ngừng nâng cao sức “đề kháng”, tỉnh táo và cảnh giác trước các thông tin xấu, độc, tin giả, chưa được kiểm chứng cho lực lượng cốt cán, người có uy tín.

Kịp thời cung cấp những tài liệu, thông tin chính thống gắn với xây dựng ý thức trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Động viên lực lượng cốt cán, người có uy tín quan tâm, chia sẻ, lan tỏa những thông tin tích cực, gương người tốt, việc tốt; chủ động đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái, thù địch, các thông tin sai sự thật, xấu, độc trên môi trường Intrenet; tự giác, trách nhiệm tham gia phản bác các luận điệu xuyên tạc, các quan điểm sai trái, thù địch đang diễn ra thường xuyên trên không gian mạng.

Ba là, các cấp ủy đảng thường xuyên quan tâm công tác bồi dưỡng, quản lý, sử dụng và tạo mọi điều kiện để mỗi cốt cán, người có uy tín hoàn thành nhiệm vụ được giao. Tăng cường cung cấp thông tin, nâng cao nhận thức, khắc phục tình trạng thiếu thông tin chính thống, định hướng cho cốt cán, người có uy tín. Tổ chức hướng dẫn để cốt cán, người có uy tín có thể sử dụng và tham gia có hiệu quả  các trang, nhóm trên internet, mạng xã hội, các trang thông tin điện tử, các nhómmạng xã hội chính thống để trao đổi, nắm thông tin và trực tiếp tham gia vào các hoạt động bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Thứ tư, mỗi cốt cán, người có uy tín là những người gương mẫu trong việc chấp hành Luật Tiếp cận thông tin và Luật An ninh mạng, Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Tích cực tham gia thiết lập, kết nối hiệu quả các trang thông tin điện tử của tập thể, cá nhân có quan điểm tích cực, những cá nhân có uy tín trong các giới văn nghệ sĩ, doanh nhân, trí thức khoa học... có sử dụng mạng xã hội; chủ động sử dụng và phát huy các trang mạng xã hội cá nhân trong tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, các thành tựu phát triển kinh tế, xã hội; làm cầu nối giữa Đảng với nhân dân trong việc lan tỏa thông tin tích cực, đẩy mạnh tuyên truyền các phong trào thi đua, các cuộc vận động ngay từ cơ sở gắn với tham gia đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên các trạng mạng xã hội một cách thiết thực, phù hợp.

Năm là, bên cạnh việc xây dựng mạng lưới chuyên gia, cấp ủy các cấp cần chủ động thực hiện nhiều giải pháp huy động đông đảo cán bộ, đảng viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tham gia theo dõi, chia sẻ, bình luận trên trang, nhóm mạng xã hội, trang thông tin điện tử chính thống của địa phương, đơn vị nhằm định hướng, dẫn dắt công tác đấu tranh bảo vệ quan điểm, đường lối của Đảng theo từng lĩnh vực, chuyên đề cụ thể, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng cốt cán, người có uy tín có thêm thông tin và chủ động tham gia phù hợp với điều kiện từng người, góp phần xây dựng thế trận an ninh nhân dân trên không gian mạng vững chắc, hiệu quả.

Sáu là, phát huy, nhân rộng và khen thưởng kịp thời với những tập thể, cá nhân, trong đó có lực lượng cốt cán, người có uy tín có nhiều thành tích, đóng góp tích cực, sáng tạo trong triển khai thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động và tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh với các quan điểm sai trái, phản động của các thế lực thù địch.

TRẦN VIẾT PHƯƠNG
Phó trưởng ban Dân vận Thành ủy

;
;
.
.
.
.
.