Như lời tạ lỗi với tiền nhân

.

Không phải ngẫu nhiên mà lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt thành Điện Hải và khởi công dự án tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích này được chính quyền thành phố tổ chức trọng thể đúng vào dịp kỷ niệm 43 năm Ngày giải phóng Đà Nẵng (29-3-1975 – 29-3-2018). Thành Điện Hải có tuổi đời gần 200 năm, nhưng chỉ thực sự đi vào lịch sử dân tộc từ năm 1858 khi người Đà Nẵng gan góc đứng trên tuyến đầu Tổ quốc, thay mặt cả nước và cùng cả nước khởi đầu cuộc chiến đấu dưới chân thành Điện Hải để chống trả hành động xâm lược của Liên quân Pháp - Tây Ban Nha.

Còn ngày 29-3 bốn mươi ba năm trước là ngày kết thúc thắng lợi chiến dịch Huế - Đà Nẵng, mở đường thuận lợi để Quân Giải phóng nhanh chóng tiến về Sài Gòn giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, khép lại cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước kéo dài suốt 20 năm. Hai sự kiện lịch sử - một khởi đầu và một kết thúc - đồng hiện trong ký ức của những người dự lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt thành Điện Hải sáng hôm qua, đã mang lại cho buổi lễ này nhiều ý nghĩa sâu sắc.

Xếp hạng thành Điện Hải là di tích quốc gia đặc biệt có nghĩa Chính phủ đã công nhận quyết tâm chính trị và nỗ lực đáng kể/đáng nể của chính quyền thành phố gần 2 năm qua trong việc bảo tồn di tích lịch sử này. Không chỉ là việc dừng xây dựng Trung tâm Lưu trữ thành phố ở phía bắc thành ngay “phút 89” - lúc mọi việc cơ bản chỉ chờ lệnh khởi công, là việc động viên và tạo điều kiện về tái định cư hơn tám chục hộ dân đang sinh sống ổn định ở phía tây thành; mà còn là những dự kiến về việc mở lại cửa thành phía nam và làm thông thoáng tầm nhìn từ cửa thành phía đông ra sông Hàn dọc theo đường thành Điện Hải... Không có quyết tâm chính trị và nỗ lực đáng kể/đáng nể ấy, chắc Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cũng khó trình Thủ tướng Chính phủ quyết định nâng hạng từ di tích quốc gia lên di tích quốc gia đặc biệt đối với thành Điện Hải.

Xếp hạng thành Điện Hải là di tích quốc gia đặc biệt cũng có nghĩa là Chính phủ đã giao thêm cho chính quyền Đà Nẵng một trách nhiệm - đúng hơn là một sứ mệnh - rất lớn và rất nặng. Chắc chắn tới đây Đà Nẵng không được phép tạo thêm những “bóng đè trên thành Điện Hải” trong quản lý quy hoạch kiến trúc. Chắc chắn tới đây Đà Nẵng phải thay mặt cả nước tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích này một cách thận trọng mà khẩn trương, không được phép phá hoại di tích nhân danh trùng tu - phải dựa trên những tư vấn thực sự khoa học của các chuyên gia nhiều lĩnh vực để quyết định phục hồi hạng mục nào, không phục hồi hạng mục nào và quan trọng hơn là phục hồi ở vị trí nào…; càng không được phép buông lỏng quản lý để xảy ra những sự cố đáng tiếc nào…   

Đương nhiên khó mà phục dựng một di tích gần 200 năm tuổi như thành Điện Hải nguyên vẹn và chuẩn xác đến từng viên gạch, từng tấm ngói… Cho nên cần xem thành Điện Hải không chỉ là di tích vật thể mà còn và chủ yếu là di tích phi vật thể, là một thành Điện Hải luôn ngời sáng trong trái tim của người Việt nói chung, người Đà Nẵng nói riêng như là biểu tượng của lòng dũng cảm và đức hy sinh khi buộc phải đương đầu với các thế lực xâm lược hung hãn của ngoại bang.

Và khi thực hiện sứ mệnh mà Chính phủ giao cho Đà Nẵng thông qua việc xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, chính quyền thành phố không chỉ làm tốt việc tu bổ, phục hồi và tôn tạo mà còn phải làm tốt hơn nữa việc giới thiệu quảng bá hình ảnh thành Điện Hải và cuộc chiến đấu dưới chân thành Điện Hải 1858-1860 đến người dân Đà Nẵng cùng du khách thập phương trong nước và nước ngoài.

Cũng phải tính đến việc đưa nội dung này vào giảng dạy trong chương trình lịch sử địa phương ở các trường phổ thông như đang triển khai đối với lịch sử xác lập và thực thi chủ quyền của Việt Nam/Đà Nẵng đối với quần đảo Hoàng Sa…

Đón bằng xếp hạng thành Điện Hải là di tích quốc gia đặc biệt cũng là cơ hội tốt để người Đà Nẵng nhận thức lại quá trình ứng xử của mình suốt mấy chục năm qua đối với di tích lịch sử độc đáo này, từ khi người Pháp kết thúc quá trình thực dân hóa tại Đà Nẵng/Việt Nam.

Trong diễn văn đọc tại buổi lễ sáng hôm qua, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ đã thẳng thắn thừa nhận rằng do “sự tàn phá của thiên nhiên, của chiến tranh và của con người, thành Điện Hải đã xuống cấp nghiêm trọng, bị xâm hại nặng nề cả vùng đệm và vùng lõi của di tích”. Chính vì thế quyết tâm chính trị và nỗ lực đáng kể/đáng nể của chính quyền thành phố gần hai năm qua trong trong việc ứng xử với một thành-Điện-Hải-di-tích-quốc-gia-đặc-biệt còn được xem như lời tạ lỗi với tiền nhân!

BÙI VĂN TIẾNG

;
.
.
.
.
.
.