Đà Nẵng 29-3, 43 năm nhìn lại, có thể thấy thành phố bên sông Hàn đang chuyển mình mạnh mẽ để trở thành một thành phố văn minh hiện đại với rất nhiều thời cơ/thành tựu cũng như với không ít thách thức/bất cập.
43 năm qua, không phải lúc nào Đà Nẵng cũng tận dụng được thời cơ thuận lợi để tạo nên những thành tựu trong phát triển, nhưng nhìn chung nhiều thành tựu mà Đà Nẵng có được hôm nay là do biết tranh thủ thời cơ. Chẳng hạn, nhờ tranh thủ được khát vọng đổi đời của người Đà Nẵng sau gần ba mươi năm chiến tranh mà Đà Nẵng đã sớm xây dựng được một không gian công cộng thuộc loại quý hiếm trong lòng thành phố là Công viên 29 tháng 3. Hay chẳng hạn nhờ tranh thủ được khát vọng vươn lên của người Đà Nẵng sau hơn hai mươi năm bị gò bó trong chiếc áo quá chật của một đô thị cấp huyện mà Đà Nẵng đã ngoảnh được mặt ra biển - chứ không còn quay lưng với biển như suốt bao nhiêu năm trước. Hay chẳng hạn nhờ tranh thủ được cơ hội tuyệt vời về chính trị và ngoại giao là thành phố đăng cai tổ chức Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 mà Đà Nẵng đã quảng bá được hình ảnh thân thiện hiếu khách của mình ra toàn thế giới. Còn có thể tiếp tục kể về những ví dụ như vậy…
Gắn trực tiếp với Đà Nẵng 29 tháng 3 năm nay là hai sự kiện mang tính lịch sử: khánh thành Nhà Trưng bày Hoàng Sa vào ngày 28-3 và đón nhận bằng công nhận Thành Điện Hải là di tích quốc gia đặc biệt vào ngày 29-3. Hoàng Sa là một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc nên Nhà Trưng bày Hoàng Sa - một bảo tàng chuyên đề - có thể được xây dựng ở bất kỳ địa phương nào trong cả nước. Nhưng khi lịch sử đã giao cho Đà Nẵng thay mặt cả nước quản lý Hoàng Sa gần 60 năm qua thì xây dựng Nhà Trưng bày Hoàng Sa ngay trên đường Hoàng Sa bên bờ Biển Đông của Đà Nẵng là hoàn toàn hợp lý. Sau lễ khánh thành Nhà Trưng bày Hoàng Sa, người Đà Nẵng cùng du khách thập phương có thể đến đây để tận mắt chứng kiến những bằng chứng lịch sử và pháp lý khẳng định quá trình xác lập và thực thi chủ quyền của người Việt đối với quần đảo này, nhưng quan trọng hơn là để luôn nhớ rằng cho đến tận hôm nay - sau 43 lần Đà Nẵng hăm chín tháng ba, thành phố Đà Nẵng vẫn chưa được hoàn toàn giải phóng bởi ngoài biển khơi xa kia đương còn nguyên một huyện bị chiếm đóng trái phép...
Đón bằng công nhận Thành Điện Hải là di tích quốc gia đặc biệt cũng là cơ hội tốt để người Đà Nẵng nhận thức lại quá trình ứng xử của mình đối với di sản - “của hương hỏa” ông cha để lại. Di tích quốc gia bình thường hay di tích quốc gia đặc biệt cũng đều là tài sản của Nhân dân cả nước, ứng xử không đúng mực với các tài sản này, người Đà Nẵng không chỉ có lỗi với tiền nhân mà còn có lỗi với đồng bào cả nước, không chỉ có lỗi với thế hệ đương thời mà còn có lỗi với các thế hệ mai sau, bởi đã góp phần làm cho Đà Nẵng trở thành thành phố không có/không còn ký ức. Công nhận Thành Điện Hải là di tích quốc gia đặc biệt cũng có nghĩa công nhận quyết tâm chính trị và nỗ lực đáng kể của chính quyền thành phố đương nhiệm trong việc bảo tồn một di sản văn hóa vật thể vào loại quý hiếm của đất nước. Tại hội thảo khoa học “Định hướng phát triển kinh tế-xã hội thành phố Đà Nẵng đến năm 2035”, một diễn giả đã nói rằng do Đà Nẵng không có nhiều di tích cổ như phố cổ Hà Nội, phố cổ Hội An… nên không có áp lực khi quy hoạch thành phố theo hướng hiện đại. Thật ra không có nhiều di tích cổ vẫn có áp lực, thậm chí áp lực lớn hơn, vì dễ ứng xử sai lầm với số di tích cổ hiếm hoi ít ỏi ấy. May mà 43 năm qua Đà Nẵng còn có những người lãnh đạo có tâm có tầm như ông Hồ Nghinh, chứ không thì cái Bảo tàng Điêu khắc Chăm độc nhất vô nhị kia chắc cũng sớm đi vào quên lãng…
Cũng tại hội thảo khoa học vừa nêu, một diễn giả khác - từng là bộ trưởng một bộ - cho rằng với tầm nhìn 2035, Đà Nẵng phải nghiêm túc đánh giá các nguồn lực đã tác động tích cực để Đà Nẵng phát triển mạnh mẽ trong mấy thập niên qua và gợi ý nguồn lực quan trọng nhất mà Đà Nẵng từng tận dụng được chính là đất đô thị, đồng thời cảnh báo nguồn lực một thời vang bóng này đã cạn và nếu không tìm được nguồn lực mới, chắc Đà Nẵng sẽ gặp không ít khó khăn trong tương lai không xa. Thực ra ở đời mạnh chỗ nào yếu ngay chỗ ấy. Đất đô thị đúng là thế mạnh của Đà Nẵng những thập niên qua và nhờ khai thác được thế mạnh ấy, hướng đến lợi ích chung/lợi ích toàn cục, diện mạo đô thị Đà Nẵng đã từng ngày đổi mới. Thế nhưng Đà Nẵng cũng gặp không ít nguy cơ ngay lúc đất đô thị đang lên ngôi, bởi đầu cơ nấp bóng đầu tư đã góp phần thao túng lũng đoạn thị trường bất động sản Đà Nẵng. Có điều đất đô thị không phải là nguồn lực duy nhất, bởi Đà Nẵng còn có một nguồn lực quan trọng hơn nhiều là sự đồng thuận và suy đến cùng là lòng tin của Nhân dân.
Chỉ có sự đồng thuận xuất phát từ lòng tin của người dân Đà Nẵng đối với các chủ trương chí công vô tư của chính quyền thành phố mới làm cho đất đô thị trở thành thế mạnh trong phát triển. Ngược lại khi người dân không còn tin các chủ trương liên quan đến đất đô thị của chính quyền thành phố là chí công vô tư, là hướng đến lợi ích chung/lợi ích toàn cục, là bảo đảm phát triển bền vững, là không xâm hại đến an ninh quốc gia và vận mệnh đất nước, thì đất đô thị sẽ không còn là thế mạnh nữa. Đà Nẵng hăm chín tháng ba - 43 năm nhìn lại không thể không lắng nghe ý kiến tâm huyết khách quan mà đồng cảm của diễn giả nêu trên, và quan trọng hơn là tìm cách để khôi phục sức mạnh đồng thuận xuất phát từ lòng tin của người dân thành phố. Đây là điều khả thi bởi có không ít dấu hiệu cho thấy chính quyền thành phố đang lấy lại được lòng tin của người dân từ sau Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 đến nay, chẳng hạn người dân rất phấn khởi khi biết chính quyền thành phố đã cất công đàm phán với nhà đầu tư có liên quan để có điều kiện mở rộng Công viên APEC 2017 bên bờ sông Hàn...
Đà Nẵng 29-3, 43 năm nhìn lại, cũng cần phải nghiêm túc đặt vấn đề Hòa Vang trong phát triển. Cần thấy Hòa Vang là chỗ đi tới chứ không phải chỗ đi lùi trong phát triển của Đà Nẵng. Nói vậy có nghĩa rằng không phải cái gì không phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững ở nội thành thì cứ vô tư đẩy về Hòa Vang, vì nghĩ đất Hòa Vang còn rộng, dân Hòa Vang còn thưa. Câu chuyện hai nhà máy thép vừa qua chính là sản phẩm của cách nghĩ sai lầm ấy. Còn nhớ tháng 10 năm 2016, khi chính quyền tỉnh Quảng Nam có chủ trương cho dự án Nhà máy luyện cán thép Việt-Pháp “chạy chỗ” từ phường Điện Nam Đông, thị xã Điện Bàn lên đầu nguồn sông Vu Gia, tôi đã viết bài Xin hãy vì đại cuộc và đạo lý đăng Báo Đà Nẵng để nhấn mạnh rằng: “Thôn Hoa, thị trấn Thạnh Mỹ ít dân nhưng không phải không có dân, và dù ít hay nhiều thì các cư dân ở đây cũng có quyền được hưởng một cuộc sống không bị ô nhiễm tiếng ồn và khói bụi như bao nhiêu người dân đất Quảng. Chẳng lẽ vì thiểu số mà lỗ tai và lá phổi của họ phải hứng chịu những gì mà người dân Điện Nam Đông không thể chịu đựng được nữa hay sao? Ai cho chúng ta cái quyền đối xử đầy kỳ thị ấy?”. Chủ trương của chính quyền thành phố không di dời, giải tỏa dân, thay vào đó là dừng hoạt động của hai nhà máy thép gây ô nhiễm là chủ trương đúng đắn và hợp lòng dân - đương nhiên cần có bước đi hợp lý nhằm đảm bảo lợi ích chính đáng của nhà đầu tư. Tuy vậy đây cũng mới chỉ là giải pháp khắc phục sai lầm trong quản lý trước đây chứ chưa phải là thực sự đổi mới cách nghĩ về Hòa Vang trong phát triển, chưa thấy để trở thành “một chấm son trên bản đồ Tổ quốc” như hình dung của Bác Hồ lúc sinh thời, cần xem Hòa Vang là chỗ đi tới chứ không phải chỗ đi lùi trong phát triển của Đà Nẵng trên đường trở thành một thành phố đáng sống/thành phố môi trường ở tương lai.
BÙI VĂN TIẾNG