Bảo đảm nguồn nước cho mùa khô

.

Mặc dù đang trong thời gian mưa lũ cao điểm nhưng một tháng qua, có nhiều ngày, mực nước trên sông Yên tại trạm bơm phòng mặn An Trạch hạ thấp xuống mức từ 2,2-2,4m; đặc biệt, vào trưa 27-11 là 2,17m, vào đêm 12-11 là 2,18m, tương đương với mực nước cao nhất trong mùa khô. Sở dĩ có tình trạng này là do tình trạng sạt lở bờ sông Quảng Huế đoạn hạ lưu công trình Xử lý bước đầu ở khu vực cửa vào sông Quảng Huế làm nước sông Vu Gia chảy nhiều về sông Thu Bồn. Công trình này được xây dựng, đưa vào vận hành từ tháng 9-2013 nhưng đến mùa mưa lũ năm 2020, do xuất hiện hơn 10 trận lũ trên sông Vu Gia, trong đó có 5 trận với đỉnh lũ đo được tại trạm thủy văn Ái Nghĩa trên mức báo động 3 và 1 trận xấp xỉ báo động 3 đã gây sạt lở nặng nề bờ sông Quảng Huế, chủ yếu là ở bờ trái phía hạ lưu của công trình.

Trong hai năm 2021 và 2022, UBND tỉnh Quảng Nam, UBND thành phố Đà Nẵng và các sở của hai địa phương đã nhiều lần đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị trực thuộc bộ nghiên cứu, đánh giá biến động dòng chảy, lòng dẫn, chỉnh trị sông Quảng Huế và khắc phục tình trạng xói lở ở hạ lưu công trình nói trên. Tuy nhiên, do không có biện pháp nào được triển khai để bảo vệ đoạn bờ sông bị sạt lở nên tiếp tục bị những trận lũ lớn trong tháng 9 và 10-2022 làm sạt lở sâu và rộng thêm với diện tích đất nông nghiệp bị sạt lở hiện khoảng 3ha và chiều dài sạt lở khoảng 500m.

Đáng nói, nhiều người cho rằng, nguyên nhân sạt lở bờ sông Quảng Huế là tác động của công trình giải mặn cho Đà Nẵng. Tuy nhiên, nguyên nhân sạt lở đã được UBND tỉnh Quảng Nam nêu rõ tại Công văn số 586/UBND-KTN ngày 17-11-2022: “Năm 2020, do ảnh hưởng liên tiếp của các đợt thiên tai, các hạng mục Dự án Chỉnh trị sông Quảng Huế bị hư hỏng, ảnh hưởng đến đất sản xuất và đời sống của nhân dân trong khu vực.

Đặc biệt là biến động lòng dẫn sông Quảng Huế diễn ra mạnh, lòng sông bị xói, mở rộng, độ dốc tăng làm cho tỷ lệ phân lưu qua sông Quảng Huế có xu hướng tăng và xuất hiện tình trạng sạt lở bờ sông Quảng Huế đoạn hạ lưu công trình Xử lý bước đầu tại khu vực cửa vào sông Quảng Huế. Từ mùa mưa lũ năm 2021 và đặc biệt từ cuối tháng 9-2022 đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam tiếp tục chịu ảnh hưởng của nhiều đợt thiên tai, trong đó tại trạm thủy văn Ái Nghĩa đã xuất hiện nhiều đợt mưa lũ với mức xấp xỉ và trên mức báo động 3. Qua các đợt thiên tai từ cuối tháng 9-2022 đến nay, tình hình sạt lở bờ sông Quảng Huế đoạn hạ lưu công trình Xử lý bước đầu tại khu vực cửa vào sông Quảng Huế tiếp tục diễn ra...”.

Trong công văn nói trên, UBND tỉnh Quảng Nam cũng đề nghị Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, đánh giá biến động dòng chảy, lòng dẫn khu vực Dự án Chỉnh trị sông Quảng Huế và các ảnh hưởng của những phát sinh mới trên lưu vực sông. Đồng thời, hỗ trợ kinh phí xây dựng công trình bảo vệ bờ sông Quảng Huế tại đoạn qua thôn Phú Nghĩa, xã Đại An và có các giải pháp công trình phù hợp nhằm bảo đảm sự ổn định, bền vững...

Vấn đề sạt lở bờ sông Quảng Huế không chỉ gây khó khăn trong việc bảo đảm cấp nước sinh hoạt và sản xuất ở thành phố Đà Nẵng, mà còn tác động đến các địa phương của tỉnh Quảng Nam. Điển hình là từ cuối tháng 3 đến giữa tháng 4-2021, trạm thủy nông Ái Nghĩa cùng trạm bơm ở bờ đối diện chỉ ở cách vị trí sạt lở 400m nhưng nhiều lúc cũng không có nước để vận hành bơm, gây ảnh hưởng đến hàng trăm héc-ta lúa đông xuân. Do đó, các vấn đề của sông Quảng Huế nói chung và công trình Xử lý bước đầu ở khu vực cửa vào sông Quảng Huế nói riêng cần được xem là vấn đề chung của cả Đà Nẵng lẫn Quảng Nam vì lợi ích chung của 2 địa phương.

Đối với thành phố Đà Nẵng, để tránh xảy ra thiếu nước sinh hoạt trên diện rộng do tỷ lệ phân lưu nước sông Vu Gia về sông Thu Bồn qua sông Quảng Huế lớn (như đã từng xảy ra vào những năm trước, nhất là đầu tháng 4-2021), các cơ quan chức năng cần sớm phối hợp các đơn vị liên quan của tỉnh Quảng Nam có giải pháp tạm tại khu vực cửa vào sông Quảng Huế nhằm bảo đảm cấp nước sinh hoạt và sản xuất cho hạ du sông Vu Gia, bởi đến giữa tháng 12-2022, các đồng ruộng cần cung cấp nhiều nước để đổ ải, gieo sạ lúa vụ đông xuân. Đồng thời, sớm hoàn thành thi công Dự án Nâng công suất Trạm bơm phòng mặn An Trạch từ 210.000m3/ngày lên 420.000 m3/ngày và đưa vào vận hành trong quý 1-2023; sớm đưa vào vận hành cấp nước từ Dự án Nhà máy nước Hòa Liên có công suất 120.000m3/ngày cho một phần huyện Hòa Vang và một số quận nội thành...

Trước tình hình sạt lở bờ sông Quảng Huế đang diễn biến phức tạp, các cơ quan chức năng của thành phố Đà Nẵng cần khẩn trương có giải pháp bảo đảm nguồn nước sinh hoạt và sản xuất cho thành phố trong mùa khô sắp đến. Về lâu dài, thành phố tiếp tục phối hợp tỉnh Quảng Nam đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm xử lý ổn định, bền vững ở khu vực sông Quảng Huế để bảo đảm cấp nước sinh hoạt và sản xuất cho thành phố.

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.