BƯỚC ĐỘT PHÁ CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH TÀI CHÍNH - KHO BẠC

Kiểm soát chi ngân sách Nhà nước qua Kho bạc

.

Nhằm kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa hoạt động Kho bạc Nhà nước (KBNN) theo đúng lộ trình, định hướng của chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020; đồng thời, tạo thuận lợi cho các đơn vị sử dụng ngân sách, chủ đầu tư, ban quản lý dự án trong giao dịch, thanh toán với KBNN; hệ thống KBNN đã xây dựng và triển khai thực hiện đề án “Thống nhất đầu mối kiểm soát các khoản chi ngân sách Nhà nước (NSNN)”.

Khách hàng giao dịch tại tại Kho bạc Nhà nước Đà Nẵng. Ảnh: ĐAN TÂM
Khách hàng giao dịch tại tại Kho bạc Nhà nước Đà Nẵng. Ảnh: ĐAN TÂM

Phóng viên Báo Đà Nẵng trao đổi với TS. Phan Quảng Thống (ảnh), Phó Giám đốc KBNN Đà Nẵng về nội dung, công tác chuẩn bị, cũng như những thuận lợi, khó khăn khi triển khai đề án này tại Đà Nẵng.

* Được biết, Bộ Tài chính đã quyết định triển khai đề án “Thống nhất đầu mối kiểm soát các khoản chi NSNN qua KBNN” bắt đầu từ ngày 2-10-2017 tại tất cả các đơn vị KBNN trên toàn quốc. Nội dung chính của đề án là gì, thưa ông?

- Thực hiện Quyết định số 138/2007/QĐ-TTg ngày 21-8-2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020 với mục tiêu “Xây dựng KBNN hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả và phát triển ổn định vững chắc trên cơ sở cải cách thể chế, chính sách, hoàn thiện tổ chức bộ máy, gắn với hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, đến năm 2020, các hoạt động KBNN được thực hiện trên nền tảng công nghệ thông tin hiện đại và hình thành kho bạc điện tử”, đáp ứng yêu cầu thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong hệ thống KBNN theo hướng “một cửa, một giao dịch viên” (Quyết định số 09/QĐ-TTg ngày 25-3-2015 của Thủ tướng Chính phủ), hệ thống KBNN đã nghiên cứu xây dựng và triển khai Đề án “Thống nhất đầu mối kiểm soát các khoản chi NSNN qua hệ thống KBNN” tại tất cả các đơn vị KBNN trên toàn quốc.

Theo đó, nội dung chủ yếu của đề án là thực hiện thống nhất một đầu mối kiểm soát tất cả các khoản chi NSNN qua KBNN. Với đề án này, các khoản chi NSNN và các nguồn vốn khác cấp qua KBNN sẽ được giao cho một phòng kiểm soát chi thực hiện thay vì 2 phòng như hiện nay (Phòng Kế toán Nhà nước kiểm soát các khoản chi thường xuyên, Phòng Kiểm soát chi kiểm soát các khoản chi đầu tư xây dựng cơ bản và vốn chương trình mục tiêu).

Có thể nói, đây là bước tiến quan trọng góp phần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa hồ sơ, chứng từ kiểm soát chi, tăng tính minh bạch; tiến tới rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, giảm chi phí giao dịch, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các đơn vị sử dụng ngân sách, chủ đầu tư, ban quản lý dự án trong giao dịch chi NSNN với KBNN theo hướng giao nhận và giải quyết hồ sơ theo quy định “Một đầu mối, một giao dịch viên”.

* Công tác chuẩn bị của KBNN Đà Nẵng nhằm triển khai hiệu quả đề án quan trọng này đã thực hiện đến đâu?

- Với ý nghĩa của đề án, nhằm triển khai hiệu quả tại đơn vị theo đúng chỉ đạo, lộ trình của KBNN, đồng thời để chủ động nắm bắt quy trình nghiệp vụ, nghiên cứu tìm ra những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trước khi chính thức triển khai thực hiện, KBNN Đà Nẵng đã triển khai và tổ chức thực hiện các nội dung sau:

Về công tác chỉ đạo, điều hành, KBNN Đà Nẵng đã thành lập Ban chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể từng thành viên để chủ động triển khai thực hiện, thường xuyên tổ chức họp bàn, thống nhất các nội dung công việc cần phải thực hiện. Tổ chức đoàn công tác của Ban chỉ đạo làm việc với các KBNN quận, huyện để nắm bắt về công tác chuẩn bị, những khó khăn, vướng mắc liên quan đến nhân sự, bố trí nơi làm việc, cơ sở vật chất...

Trong công tác tuyên truyền, KBNN Đà Nẵng đã thông báo đến tất cả các đơn vị sử dụng ngân sách khi có chủ trương của KBNN; đồng thời tuyên truyền trên trang web của KBNN Đà Nẵng tại Cổng thông tin điện tử của thành phố Đà Nẵng, Cổng thông tin điện tử của UBND các quận, huyện. Ngoài ra, một số KBNN quận, huyện đã tổ chức hội nghị khách hàng để phổ biến, tuyên truyền về ý nghĩa, mục tiêu cũng như nội dung của đề án đến các đơn vị sử dụng ngân sách.

Đối với công tác nhân sự và phân công công việc trong công chức thực hiện nhiệm vụ, lãnh đạo KBNN Đà Nẵng đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ có liên quan và các KBNN quận, huyện nghiên cứu, xây dựng kế hoạch điều chuyển, sắp xếp, bố trí số lượng công chức tại các phòng, bộ phận phù hợp với công việc khi chính thức triển khai thực hiện.

Căn cứ vị trí việc làm và khối lượng công việc tại từng đơn vị để xây dựng kế hoạch và phương án nhân sự phù hợp thực tế; xác định rõ số lượng công chức chuyển từ bộ phận kế toán sang bộ phận kiểm soát chi để ổn định biên chế từng bộ phận, làm cơ sở để bố trí phân công công việc.

Đồng thời, phân công nhiệm vụ, bố trí nhân sự, phân công công chức tiếp nhận và bàn giao hồ sơ, chứng từ liên quan giữa phòng (bộ phận) Kế toán và Kiểm soát chi theo quy định; quán triệt đến toàn thể công chức nêu cao tinh thần trách nhiệm, nghiên cứu học tập để tiếp cận nhanh với công việc; các phòng (bộ phận) nghiệp vụ phối hợp chặt chẽ, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng giải quyết, thanh toán hồ sơ chậm trễ, gây ách tắc công việc.

Đối với công tác đào tạo, tập huấn nghiệp vụ, KBNN Đà Nẵng đã tổ chức đào tạo, tập huấn quy trình nghiệp vụ cũng như hướng dẫn sử dụng các chương trình ứng dụng cho công chức lãnh đạo, công chức bộ phận kế toán và kiểm soát chi trong toàn đơn vị.

Cùng với việc đào tạo do KBNN Đà Nẵng tổ chức, các phòng nghiệp vụ và các KBNN quận, huyện cũng đã chủ động nghiên cứu, thảo luận văn bản, tham gia ý kiến vào các văn bản dự thảo, phân công công chức đang làm nghiệp vụ kế toán hướng dẫn công chức đang làm kiểm soát chi và ngược lại...

Đối với công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, điều kiện làm việc khi thống nhất đầu mối kiểm soát chi, KBNN Đà Nẵng đã chỉ đạo các phòng và các KBNN quận, huyện chuẩn bị các yêu cầu cần thiết khác liên quan như cơ sở vật chất, phương tiện làm việc tại từng đơn vị phù hợp, thuận lợi trong điều kiện thống nhất đầu mối kiểm soát chi; đồng thời bố trí, sắp xếp bộ phận kiểm soát chi và bộ phận kế toán ngay tại sảnh giao dịch, bảo đảm thuận lợi cho khách hàng giao dịch và luân chuyển chứng từ nội bộ.

* Trong quá trình triển khai có những thuận lợi, khó khăn gì, thưa ông?

- Về thuận lợi, trong công tác chuẩn bị triển khai thực hiện Đề án, KBNN Đà Nẵng đã nhận được sự quan tâm từ lãnh đạo UBND thành phố Đà Nẵng. Theo đó, UBND thành phố đã có văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể trên địa bàn thành phố và UBND các quận, huyện chia sẻ, tạo điều kiện để KBNN thực hiện hiệu quả đề án, đặc biệt là giai đoạn đầu triển khai; đồng thời, chỉ đạo các đơn vị sử dụng NSNN phối hợp chặt chẽ với KBNN Đà Nẵng để thực hiện thanh toán các khoản chi NSNN đảm bảo đúng quy trình; đẩy nhanh tiến độ thực hiện công việc, tránh dồn hồ sơ, thủ tục thanh toán vào một thời điểm, nhất là thời điểm cuối năm, ảnh hưởng đến hiệu năng của hệ thống công nghệ thông tin KBNN và hiệu quả của đề án.

Trong công tác chuẩn bị triển khai đề án, lãnh đạo KBNN Đà Nẵng chỉ đạo các phòng/bộ phận chuẩn bị kỹ lưỡng các bước thực hiện, nắm chắc nội dung yêu cầu, đồng thời tổ chức tập huấn, đào tạo cán bộ, công chức trong việc thiết lập hệ thống, cây phê duyệt trên hệ thống TABMIS.

Có thể nói, đến nay, hệ thống thông tin điện tử phục vụ đề án và công chức KBNN Đà Nẵng đã sẵn sàng cho công tác triển khai đề án. Hiện nay, KBNN Đà Nẵng cũng như các KBNN quận, huyện đã ký kết phối hợp ủy nhiệm thu, thực hiện thanh toán song phương điện tử với các ngân hàng thương mại trên địa bàn. Đây là một trong những kênh thuận lợi mà các đơn vị khách hàng có thể giao dịch thay vì đến trụ sở KBNN để thực hiện nghĩa vụ với NSNN.

Từ những kinh nghiệm trong việc triển khai thí điểm đề án thống nhất đầu mối kiểm soát chi của KBNN Phú Thọ và KBNN Thừa Thiên Huế đã được KBNN sơ kết, đánh giá và hướng dẫn, giúp KBNN Đà Nẵng có những kinh nghiệm cũng như tiếp tục nghiên cứu, học tập và hoàn thiện trong công tác chuẩn bị, góp phần cùng KBNN triển khai có hiệu quả đề án này.

Về khó khăn, thực hiện Quyết định 4652/QĐ-KBNN ngày 31-10-2016 của KBNN về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình “Cải tạo, mở rộng trụ sở KBNN Đà Nẵng”, để tạo điều kiện cho công tác phá dỡ và thi công xây dựng công trình đảm bảo an toàn, đúng tiến độ, KBNN Đà Nẵng phải thực hiện di chuyển trụ sở làm việc sang trụ sở thuê mới.

Theo đó, KBNN Đà Nẵng bắt đầu làm việc tại trụ sở mới ngày 5-9-2017, việc di chuyển trụ sở mới phần nào ảnh hưởng đến công tác chuẩn bị, thiết lập hệ thống, đặc biệt là việc triển khai thử nghiệm trước khi chính thức thực hiện vào ngày 2-10-2017 theo chủ trương của KBNN.

Bên cạnh đó, mặc dù KBNN Đà Nẵng chuẩn bị kỹ lưỡng để triển khai đề án như đã nói ở trên, nhưng bước đầu triển khai thực hiện, các đơn vị sử dụng ngân sách cũng như KBNN Đà Nẵng gặp không ít khó khăn, cụ thể như các đơn vị sử dụng ngân sách chưa nắm vững, cập nhật kịp thời quy trình mới; đồng thời, đối với KBNN Đà Nẵng, công chức làm nhiệm vụ kiểm soát chi cũng còn nhiều bỡ ngỡ, vừa làm vừa tìm hiểu, học hỏi nên cũng mất khá nhiều thời gian để vận hành được thông suốt; nhất là thời điểm cuối năm khi đề án triển khai chính thức mới được 2 tháng.

Mặt khác, việc triển khai đề án vào thời điểm cuối năm ngân sách cũng như thời gian điều chỉnh ngân sách, khách hàng giao dịch rất nhiều, khối lượng chứng từ giao dịch lớn, phần nào ảnh hưởng đến công tác đối chiếu, quyết toán NSNN của KBNN Đà Nẵng.

Tuy nhiên, hy vọng với quyết tâm của KBNN cùng sự chỉ đạo, quan tâm của lãnh đạo UBND thành phố; sự chia sẻ, phối hợp của các đơn vị sử dụng ngân sách và nỗ lực của toàn thể công chức KBNN Đà Nẵng; KBNN Đà Nẵng nói riêng, hệ thống KBNN nói chung sẽ hoàn thành thắng lợi việc triển khai Đề án trong năm 2017 và các năm tiếp theo, góp phần hình thành Kho bạc điện tử vào năm 2020.

* Trân trọng cảm ơn ông!

ĐAN TÂM thực hiện

;
.
.
.
.