Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0, đổi mới công nghệ được xem là yếu tố mang tính sống còn, quyết định năng lực cạnh tranh đối với những doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực sản xuất - chế tạo. Đà Nẵng đã có nhiều cách làm hiệu quả nhằm hỗ trợ các DN tiếp cận và nâng cao trình độ khoa học - công nghệ.
Đổi mới công nghệ là yếu tố mang tính sống còn của doanh nghiệp. Trong ảnh: Công nhân làm việc tại Công ty CP Cơ khí Hà Giang Phước Tường. |
Khoảng 5-7 năm trước đã có một số chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ cho DN cả nước nói chung và Đà Nẵng nói riêng nhưng đa phần bị đánh giá là chưa đủ mạnh và thiếu tính thực tế. Thực trạng đầu tư của DN vừa và nhỏ cho bộ phận nghiên cứu - phát triển (R&D) gần như không có, bởi không ít DN coi đây là khoản đầu tư có chi phí cao, thời gian thu hồi vốn dài lại khó tìm nhân sự phù hợp.
Cuối năm 2016, Đà Nẵng ban hành Quyết định số 36/2016/QĐ-UBND (gọi tắt là Quyết định 36), quy định các chính sách hỗ trợ DN đổi mới công nghệ trên địa bàn thành phố. Cùng với đó, Đà Nẵng thành lập Quỹ Phát triển khoa học - công nghệ (KHCN) tạo đà cho DN tiếp cận dễ dàng hơn với các chương trình hỗ trợ của thành phố.
Công ty CP Cơ khí Hà Giang Phước Tường (KCN Hòa Cầm, quận Cẩm Lệ) là một trong những DN tiên phong trong nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ. Ông Hà Đức Hùng, Giám đốc công ty cho biết, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn về uốn thép định hình (tạo hình vòm cong cho các thanh thép, bảo đảm tính chịu lực và tính thẩm mỹ), đơn vị đã nghiên cứu, thiết kế và chế tạo máy uốn cong thép hình trục đứng cỡ lớn với tổng kinh phí gần 3 tỷ đồng.
Trong 1 năm, máy có thể gia công khoảng 1.190 tấn thép, giúp giảm nhân công, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Cuối tháng 12-2017, công ty được thành phố hỗ trợ 60% chi phí nghiên cứu công nghệ nhờ sự đầu tư mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Năm 2017, Công ty TNHH Sản xuất - thương mại Minh Thịnh Lợi (chuyên thiết kế, chế tạo khuôn mẫu) quyết định đầu tư gần 3,6 tỷ đồng cho thiết bị công nghệ máy trung tâm gia công đứng DMG MORI MODEL DMC650V.
Với hệ điều hành hiện đại, thiết bị này có khả năng gia công các khuôn mẫu và sản phẩm cơ khí với độ chính xác cao, chất lượng bề mặt tốt; đồng thời tích hợp được với các phần mềm thiết kế cao. Ông Võ Văn Lợi, Giám đốc công ty nhận định: “Để có thể đứng vững trên thị trường, cách giải quyết thiết thực nhất của chúng tôi là đổi mới công nghệ. Với Quyết định 36, công ty được hỗ trợ 25-30% đối với các thiết bị hàm chứa công nghệ cao”.
Với vốn đầu tư hơn 2 tỷ đồng, dây chuyền thiết bị công nghệ máy ghép ván cao tần của Công ty CP Kim Cương Kính được đánh giá là chuyên dùng, có trình độ tự động hóa cao. So với công nghệ cũ, dây chuyền này giúp giảm sai số trong quá trình gia công các loại kính, tiết kiệm năng lượng hoạt động, giảm tỷ lệ phế phẩm, giảm thời gian vận hành, bảo đảm an toàn lao động và nâng cao chất lượng sản phẩm đầu ra.
Trước những lợi thế trên, Công ty CP Kim Cương Kính đã được Quỹ Phát triển KHCN thành phố hỗ trợ 13-15% chi phí đầu tư thiết bị. Ông Nguyễn Thanh Chương, Giám đốc công ty cho rằng, Quyết định 36 có nhiều đổi mới, mở rộng đối tượng và khung điều kiện hỗ trợ cho DN.
Các đối tượng được hỗ trợ theo Quyết định này là các DN sản xuất, dịch vụ và thương mại trên địa bàn thành phố, có nghiên cứu sáng tạo công nghệ hoặc thực hiện đổi mới, cải tiến công nghệ. Bên cạnh mức hỗ trợ tài chính lên đến 70% giá trị hợp đồng mua công nghệ, giải pháp kỹ thuật công trình, các DN còn được đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, hỗ trợ hoạt động nghiên cứu và chuyển giao công nghệ.
Theo Sở Khoa học và Công nghệ, song song với công tác hỗ trợ từng DN, thành phố còn có các chương trình phổ biến, tăng mức tiếp cận của DN đối với các công nghệ mới. Đầu tháng 3-2018, Trung tâm Tiết kiệm năng lượng và Tư vấn chuyển giao công nghệ công bố kết quả khảo sát 25 lò hơi của 25 DN sản xuất trên địa bàn thành phố.
Theo đó, hiệu suất lò hơi của các DN tương đối thấp (dưới 70%), đặc biệt các lò hơi cũ có hiệu suất chỉ dưới 55%. Trên cơ sở đó, trung tâm đã tổ chức hội thảo cho các chủ DN nhằm đề xuất 10 giải pháp cải thiện hiệu suất lò hơi như kiểm soát hệ số oxy dư, kiểm soát nhiệt độ khói thải, bảo ôn lò hơi, các giải pháp nội vi.
Hiện nay, đã có một số DN được chứng nhận là doanh nghiệp KHCN như Công ty CP KHCN An Sinh Xanh, Công ty CP Dược Danapha, Công ty TNHH Châu Đà, Công ty CP Công nghệ QCM. Các DN này được hưởng mức thuế suất thuế thu nhập DN ưu đãi trong 15 năm kể từ lúc có doanh thu.
Ngoài ra, DN còn được hưởng một số ưu đãi khác như: miễn lệ phí trước bạ khi đăng ký quyền sử dụng đất, hưởng ưu đãi tín dụng đầu tư của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, được ưu tiên sử dụng các thiết bị phục vụ nghiên cứu khoa học trong phòng thí nghiệm, cơ sở ươm tạo…
Ông Trần Văn Hoàng, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết, trong thời gian tới, sở sẽ đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về mô hình DN KHCN và các ưu đãi của DN KHCN trên địa bàn thành phố. Qua đó, sẽ tập trung các nguồn lực để hỗ trợ DN nghiên cứu KHCN; đồng thời khuyến khích DN thành lập Quỹ Phát triển KHCN, tự nâng cao năng lực công nghệ của chính mình, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Bài và ảnh: KHANG NINH