Lần đầu tiên, một nhóm sinh viên Lào đã mang ý tưởng khởi nghiệp đến thành phố Đà Nẵng với mong muốn giới thiệu cho người dân cũng như du khách nơi đây về văn hóa ẩm thực Lào. Dự án này đã được lọt vào vòng chung kết và được đánh giá cao tại cuộc thi Startup Runway 2018 dành cho sinh viên.
Nhóm sinh viên Lào đang thực hiện dự án mang món ăn Lào đến thành phố Đà Nẵng. |
Những ngày này, tại Đà Nẵng, 5 bạn trẻ hiện là sinh viên Lào (đang học tại Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum) đang tích cực triển khai Dự án khởi nghiệp mang tên Laofood (món ăn Lào) để tham gia chung kết cuộc thi Start-up Runway 2018.
Vilason Saiyakone (sinh viên năm 3, chuyên ngành Kế toán), trưởng nhóm cho biết, trong thời gian đến Việt Nam học tập, các bạn nhận thấy rằng ở đây có nhiều quán ẩm thực của nhiều nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung quốc… mà ít có quán ẩm thực Lào.
“Ẩm thực Lào có đặc trưng và hấp dẫn bởi cách chế biến không cầu kỳ, thanh đạm nhưng hương vị khác biệt bởi kết hợp được nhiều loại gia vị trong từng món ăn”, Vilason Saiyakone nói.
Vilason Saiyakone cho biết, lần này cả nhóm muốn mang đến cho người Việt cũng như du khách món cơm nếp ăn kèm với cá nướng, thịt nướng và xin đạt (thịt nướng nấu kèm với rau).
Vilason Saiyakone cho rằng thị trường Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng rất có tiềm năng để phát triển ý tưởng nhà hàng kiểu Lào. Đó là bởi chỉ tính riêng lượng sinh viên Lào đang theo học tại các trường đại học ở Đà Nẵng cũng có đến hàng trăm.
Ngoài ra, người Việt Nam và du khách quốc tế cũng là khách hàng tiềm năng của nhà hàng kiểu Lào bởi món ăn Lào cũng gần giống với món ăn của người Việt. Theo Vilason Saiyakone, sau khi hoàn thành chương trình học tại Việt Nam, nhóm sẽ đến Đà Nẵng để thực hiện ý tưởng khởi nghiệp này.
Một trong những lý do mà bạn chọn Đà Nẵng làm nơi khởi nghiệp nữa là phong trào khởi nghiệp ở Việt Nam rất phát triển. Ở Việt Nam cũng có nhiều quỹ khởi nghiệp đã được thành lập để hỗ trợ cho các bạn trẻ thực hiện ý tưởng của mình.
“Tụi em cũng xác định thi để trao đổi, học hỏi và có thêm kinh nghiệm, động lực để thực hiện dự án sau này tại thành phố Đà Nẵng”, Vilason Saiyakone khẳng định.
Linda, cô sinh viên năm thứ nhất ngành Ngân hàng có nụ cười khá duyên và nói tiếng Việt khá chuẩn hiện là thành viên trong nhóm, cho hay nhiều người hay nhầm lẫn giữa món ăn Lào và Thái Lan nhưng thực tế món ăn Lào chọn chua – cay – mặn làm chủ đạo trong khi món ăn Thái Lan thì thiên về chua – cay – ngọt.
“Trước khi triển khai dự án, tụi em đã làm một cuộc khảo sát nho nhỏ và những món ăn mà tụi em chọn lần này là những món mà người Việt Nam khá thích khi đến Lào”, Linda chia sẻ. Nguồn thực phẩm để các bạn làm ra món ăn một phần là mang từ Lào sang nhưng cũng có những thực phẩm dễ kiếm ở Việt Nam nhưng được chế biến theo kiểu Lào.
Theo Linda, dự án này có khả năng thực tiễn rất cao vì vốn đầu tư không nhiều. Các bạn dự định sẽ làm một nhà hàng tại Đà Nẵng và sẽ có cả bộ phận giao hàng đến tận nhà cho khách.
PGS. TS Nguyễn Phúc Nguyên, Trưởng phòng Khoa học và hợp tác quốc tế thuộc Trường Đại học Kinh tế, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi cho biết, dự án món ăn Lào của các bạn sinh viên người Lào đã được đánh giá cao và đại diện cho Phân hiệu Kon Tum tham gia chung kết tại Đà Nẵng.
Tham gia cuộc thi lần này, các em được thầy cô hỗ trợ hướng dẫn viên, hướng dẫn cách kinh doanh; đồng thời nhà trường còn mời các chuyên gia khởi nghiệp đến từ Ireland về giảng dạy, tổ chức các buổi nói chuyện, bàn thảo về dự án kinh doanh.
“Đây là sân chơi để giới trẻ miền Trung thỏa sức đam mê, sáng tạo và mạnh dạn thực hiện các ý tưởng khởi nghiệp táo bạo trong tương lai. Cuộc thi này được tổ chức lần thứ 3 và đây là lần đầu tiên dự án của các bạn sinh viên Lào được vào vòng chung kết”, PGS. TS Nguyễn Phúc Nguyên nói.
Cuộc thi “Startup Runway 2018” là hoạt động chính của dự án VIBE - dự án trao đổi giáo dục song phương giữa Việt Nam và Ireland (Vietnam Ireland Bilateral Education Exchange) đang được triển khai tại Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng. VIBE được tài trợ bởi Chính phủ Ireland nhằm hỗ trợ hợp tác nghiên cứu và phát triển giữa trường Đại học Kinh tế và Học viện Công nghệ CORK (Ireland). Dự án nhằm phát triển văn hóa khởi nghiệp cho giới trẻ, đặc biệt là các bạn sinh viên tại miền Trung. |
Bài và ảnh: Phương Trà