Từ căn xưởng của lòng đam mê

.

Rời bỏ công việc ổn định ở một ngân hàng, Vũ Thị Minh Châu (SN 1992) quyết tâm theo đuổi đam mê bằng cách mở “xưởng” làm đồ da tại nhà. Chỉ sau 3 năm, các sản phẩm da thủ công của cô gái trẻ đã có mặt tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và nhiều quốc gia trên thế giới.

Minh Châu tỉ mẩn “chăm sóc” cho từng sản phẩm da thủ công của mình.
Minh Châu tỉ mẩn “chăm sóc” cho từng sản phẩm da thủ công của mình.

Một buổi sáng mùa hè, căn “xưởng” nằm trong một con hẻm nhỏ trên đường Hải Phòng (quận Thanh Khê) của Châu tràn ngập bóng nắng và tiếng chim hót. Gọi là “xưởng”, nhưng đây cũng chính là căn phòng học của Châu từ những ngày còn cắp sách đến trường. Trên chiếc bàn gỗ lớn đặt sát vách là vô số dụng cụ mà những người “ngoài ngành” không thể gọi tên. Ở góc bên kia căn phòng là một tủ đứng, trên đặt chiếc máy may chuyên dụng. 

Giản dị như vậy, nhưng căn “xưởng” nhỏ này đã gắn bó với Châu hơn 3 năm. Tốt nghiệp ngành Thương mại điện tử (Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh) năm 2014, Châu trở về quê nhà Đà Nẵng để tìm việc. Trong thời gian đó, Châu tự mày mò tìm hiểu cách làm những chiếc túi, ví da thủ công.

Châu bảo: năm học lớp 10, cô được bố tặng một chiếc ví da rồi ấn tượng với các sản phẩm da từ đó. Vốn có “hoa tay” nên lúc còn là sinh viên, Châu từng tự làm những chiếc ví da cho bản thân và bè bạn. “Thế rồi tốt nghiệp, mình bỗng có một khoảng thời gian rảnh rỗi tìm việc, niềm đam mê với đồ da lại quay về”, Châu chia sẻ.

Trong một lần đi chơi ở Hội An, Châu để ý nghiên cứu những mẫu ví dài mà các cửa tiệm thường bán cho khách du lịch nước ngoài. Cô mua một mảnh da, chỉ khâu rồi về nhà lụi cụi tự thiết kế, may cắt.

Không có đủ dụng cụ, Châu mượn thêm chiếc búa của bố, rồi mượn chiếc đục của chị dâu. Sản phẩm hoàn thiện trong vòng 2 ngày. Ngay sau đó, một người quen đã mua lại chiếc ví với mức giá chưa đến 300.000 đồng. Châu nói: “Chiếc ví đầu tiên ấy, đến giờ mình vẫn còn nhớ từng đường kim, mũi chỉ, dù nó chỉ là một sản phẩm rất thô sơ”.

Vài tháng sau, Châu được một ngân hàng tại Đà Nẵng nhận vào làm việc. Lúc này, niềm đam mê làm đồ da thủ công trong cô vẫn lớn dần. Ngày đi làm, tối Châu vừa đi dạy thêm, vừa hì hụi làm đồ da ở nhà.

Nhớ lại những ngày tháng ấy, Châu nói: “Thật ra mình biết bản thân không hợp với nghề ngân hàng, nhưng vì đã có bằng cử nhân ngành ấy, lại thuận theo mong muốn của gia đình, nên mình vẫn cố làm. Mình tự an ủi làm để có tiền mua da, mua chỉ..., nhưng quả thật chỉ khi về đến nhà, trút bỏ bộ đồng phục ngân hàng và khoác lên người chiếc tạp dề làm da, mình mới cảm thấy được là chính mình”.

Sau nửa năm, Châu quyết định nghỉ việc ở ngân hàng để tập trung cho đam mê của mình. Cô mày mò tự học thông qua trang mạng xã hội Instagram của các nghệ nhân làm da nổi tiếng từ Pháp, Nhật, Thụy Sỹ...

Hướng đến khách hàng cao cấp, toàn bộ nguyên liệu trong mỗi sản phẩm của Châu đều được nhập từ Pháp, từng con da (toàn bộ mảnh da từ một con vật được nuôi để thuộc da), cuộn chỉ, cây đục cho đến cục sáp ong đánh bóng. Thông qua trang mạng xã hội facebook và Instagram, mỗi tháng Châu nhận khoảng 20 đơn hàng từ Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Pháp, Mỹ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Các sản phẩm của Châu thường là ví, dây đồng hồ, thắt lưng và các phụ kiện như: ví đựng danh thiếp, móc chìa khóa... Mỗi sản phẩm đều được hằn logo Lukat de Tourane. Châu bảo, “Lukat” là tên (đã được đảo thứ tự các chữ cái) của một nghệ nhân mà cô hằng kính trọng, còn “de Tourane” nghĩa là “của Đà Nẵng” (tiếng Pháp). Không giấu lòng hãnh diện, Châu bảo, cô muốn thế giới biết rằng tại quê hương của cô có những sản phẩm da thủ công có thể đạt tới mức độ tinh xảo, chứa trọn tâm huyết của người làm ra chúng.

Trên trang Instagram chính thức của Lukat de Tourane có rất nhiều lời bình luận và đặt hàng của các khách nước ngoài. Châu nói vui, giờ mới thấy tấm bằng cử nhân Thương mại điện tử có ý nghĩa nhường nào.

Nhãn hàng Lukat de Tourane hiện chỉ có một mình Châu phụ trách, từ thiết kế, sản xuất cho đến quảng cáo, nhận đơn, trả đơn, ghi chép sổ sách... Tuy vậy, khi làm việc cô không hề thấy mệt, thậm chí còn thấy hạnh phúc vì được sống với đam mê của chính mình.

Hiện Châu đang ấp ủ ước mơ được sang Pháp học chuyên sâu về cách làm đồ da thủ công, rồi mở xưởng cùng một vài người bạn tri kỷ trong nghề tại Đà Nẵng. “Mình mong tới một ngày, có một thương hiệu sản phẩm da cao cấp xuất xứ tại Đà Nẵng, có thể đi đến khắp năm châu”, cô gái trẻ chia sẻ.

Bài và ảnh: KHANG NINH

;
.
.
.
.
.