15 năm thực hiện NGHỊ QUYẾT SỐ 33-NQ/TW CỦA BỘ CHÍNH TRỊ (KHÓA IX)

Đà Nẵng: thành phố động lực của sự phát triển - Bài 4: PCI-Cải cách mạnh mẽ vì cộng đồng doanh nghiệp

.

Bài 4: PCI - Cải cách mạnh mẽ vì cộng đồng doanh nghiệp

Trong quá trình xây dựng và phát triển thành phố, đặc biệt từ khi triển khai Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị, Đà Nẵng ban hành và thực hiện nhiều cơ chế, chính sách linh hoạt, góp phần tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thu hút nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước tìm đến sinh sống, làm ăn.

Nhiều năm liền, Đà Nẵng luôn nằm trong top những địa phương đứng đầu cả nước trong bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

 Số lượng doanh nghiệp thành lập trên địa bàn Đà Nẵng năm sau luôn cao hơn năm trước. Trong ảnh: Công nhân làm việc tại Công ty TNHH Điện tử Foster (KCN Hòa Cầm).  Ảnh: HOÀNG HIỆP
Số lượng doanh nghiệp thành lập trên địa bàn Đà Nẵng năm sau luôn cao hơn năm trước. Trong ảnh: Công nhân làm việc tại Công ty TNHH Điện tử Foster (KCN Hòa Cầm). Ảnh: HOÀNG HIỆP

Hai năm sau khi Nghị quyết số 33-NQ/TW ra đời, năm 2005, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ bắt đầu xây dựng bộ xếp hạng PCI nhằm đánh giá năng lực chính quyền địa phương và môi trường kinh doanh tại các tỉnh, thành phố trong cả nước. Lúc này, Đà Nẵng đã có được những kết quả quan trọng ban đầu làm nền tảng. Trong 2 năm đầu tiên xếp hạng (2006-2007), thành phố giữ vị trí thứ 2 về PCI của cả nước.

Năm 2008 đánh dấu bước đột phá của Đà Nẵng khi lần đầu tiên vượt lên tất cả các tỉnh, thành để giành ngôi đầu bảng PCI và liên tục giữ vững vị trí này trong suốt 3 năm (2008-2010).

Đây là giai đoạn toàn bộ hệ thống chính quyền thành phố nỗ lực vượt bậc trong việc cải thiện môi trường đầu tư và thu hút đầu tư. Các chỉ số gia nhập thị trường, đào tạo lao động, tính minh bạch… của thành phố luôn ở vị trí nhất, nhì cả nước.

Để làm được điều này, Đà Nẵng đã nỗ lực tự cải thiện trên nhiều lĩnh vực, điển hình như cắt giảm thời gian đăng ký kinh doanh từ 10 ngày (năm 2008) xuống còn 7 ngày (năm 2009), trở thành địa phương thuộc nhóm có thời gian đăng ký kinh doanh ngắn nhất.

Năm 2008, mỗi doanh nghiệp trung bình phải chờ 75 ngày mới có mặt bằng kinh doanh, thì sang năm 2009, con số này đã giảm xuống còn 60 ngày. Đây cũng là giai đoạn Đà Nẵng đầu tư xây dựng các trung tâm tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp.

Song, việc giữ vững ngôi đầu bảng PCI không phải là điều đơn giản. Trên thực tế, Đà Nẵng đã 2 lần rớt hạng vào năm 2011 (hạng 5) và năm 2012 (hạng 12). Theo các chuyên gia, thời điểm này, việc hỗ trợ doanh nghiệp do mới bắt đầu nên chưa thực sự đi và thực chất; nhiều chính sách tốt được đưa ra, nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể.

Trước những ý kiến đóng góp, hiến kế của các chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp, lãnh đạo thành phố đã tỏ rõ tinh thần cầu thị, lắng nghe và sửa đổi. Năm 2013, thành phố quay lại ngoạn mục từ vị trí thứ 12 lên vị trí đầu bảng bằng chương trình tái cơ cấu nền kinh tế, doanh nghiệp và ngân sách.

Lần đầu tiên, khoản thu phát sinh từ thuế, phí của doanh nghiệp tư nhân tăng mạnh, vượt qua nguồn thu từ đất. Đà Nẵng lấy lại “phong độ” ở các chỉ số tiếp cận đất đai, chi phí thời gian để thực hiện các quy định Nhà nước, chi phí không chính thức, thiết chế pháp lý, tính năng động của lãnh đạo tỉnh…

Sự trở lại của Đà Nẵng bắt đầu tạo ra bầu không khí “cạnh tranh” lành mạnh trong các tỉnh, thành miền Trung. Theo báo cáo PCI năm 2013, có 12/14 tỉnh trong khu vực này cải thiện điểm số PCI gốc hàng năm từ 2006 đến 2013.

Vùng duyên hải miền Trung có 4 tỉnh, thành phố nằm trong “top 10” xuất sắc nhất về điều hành kinh tế, trong đó có Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế và Quảng Ngãi. Sự xuất hiện khá nổi bật của các tỉnh, thành miền Trung trong bảng xếp hạng PCI giai đoạn này cho thấy lãnh đạo mỗi địa phương đều nhận ra rằng nếu không nỗ lực cải cách sẽ khó tránh khỏi tụt hạng; ở vị trí càng cao, nguy cơ này càng lớn.

Năm 2014, thành phố chọn là “Năm Doanh nghiệp” với phương châm “Sự phát triển của doanh nghiệp là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế thành phố”. Từ đầu năm, UBND thành phố ban hành kế hoạch cải cách hành chính, triển khai chỉ thị về “tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu xây dựng thành phố trong tình hình mới”.

Các sở, ngành, đơn vị tích cực bắt tay vào đẩy mạnh hơn nữa cải cách thủ tục thủ hành chính, nhiều chương trình cụ thể, thiết thực đã được triển khai như: Cục Thuế tổ chức “Tuần lễ đến với người nộp thuế”, Kho bạc Nhà nước thành phố Đà Nẵng xây dựng bộ tiêu chí theo dõi, đánh giá kết quả cải cách hành chính; Cục Hải quan, Bảo hiểm xã hội thành phố đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, xây dựng phần mềm quản lý dữ liệu giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến…

Gần 80% doanh nghiệp FDI đánh giá cao mức độ cởi mở của chính quyền đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Chương trình “Năm Doanh nghiệp Đà Nẵng 2014” đã góp phần rất lớn vào vị trí dẫn đầu PCI 2014 của thành phố.

Năm 2015, 2016 là lần thứ 6 và thứ 7 Đà Nẵng đứng đầu bảng xếp hạng PCI cả nước. Mô hình “một cửa” được triển khai ở tất cả các UBND quận, huyện, phường, xã và các sở, ban, ngành. 30 thủ tục liên quan đến doanh nghiệp được cắt giảm. Thành phố bắt đầu triển khai cơ chế “liên thông – liên kết – trọn gói” trong việc cấp giấy phép kinh doanh.

Nhiều cuộc đối thoại thẳng thắn, trực tiếp giữa doanh nghiệp và cơ quan công quyền được tổ chức. Các chỉ số cạnh tranh bình đẳng, chính quyền năng động đều đạt được bước tiến lớn. Đặc biệt, năm 2016, Đà Nẵng đạt mức điểm 70/100 – cao nhất trong lịch sử PCI cả nước tính đến thời điểm đó.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc khẳng định: “Đà Nẵng không chỉ là thành phố đáng sống, mà còn là thành phố đáng để đầu tư”.

Năm 2017 vừa qua, dẫu tụt xuống hạng 2, điểm số PCI của Đà Nẵng vẫn có sự cải thiện tích cực so với năm 2016 (70,11 so với 70). Chỉ số tiếp cận đất đai có sự tăng trưởng vượt bực, đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2014-2017. Các chỉ số về hỗ trợ doanh nghiệp, chi phí thời gian, đào tạo lao động, thiết chế pháp lý - an ninh trật tự cũng được cải thiện đáng kể.

Theo đánh giá của nhiều doanh nghiệp, việc tụt 1 hạng của Đà Nẵng không phải là dấu hiệu tiêu cực, ngược lại, đây là bước lùi cần thiết để thành phố nghiêm túc nhìn nhận những khía cạnh cần tiếp tục cải thiện, trong đó có việc hỗ trợ doanh nghiệp - đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ - tiếp cận đất đai, minh bạch thông tin, tăng cạnh tranh bình đẳng.

Bất kể xếp hạng ở vị trí nào, sau khi điểm PCI cả nước được công bố, Đà Nẵng đều tổ chức gặp mặt với các sở, ngành và lãnh đạo doanh nghiệp để cùng mổ xẻ những điểm được, chưa được. Đây chính là điều mà các doanh nghiệp đánh giá cao về tư duy mở, biết lắng nghe của chính quyền thành phố.

Dõi theo suốt hành trình 13 năm vừa qua (2005-2018) của PCI, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, đối với bất cứ tỉnh, thành phố nào, sự quyết tâm cao độ của người đứng đầu sẽ có tác động đến kết quả đạt được. Riêng với Đà Nẵng, quyết tâm của lãnh đạo cao nhất còn truyền được đến các cấp lãnh đạo thấp hơn, nên thành phố nhiều năm liền đứng đầu bảng xếp hạng PCI, và kể cả những lần bị tụt hạng thì vẫn luôn nằm trong nhóm “tốt” và “rất tốt”.

“Cho dù “dư địa” cho cải cách vẫn còn rất lớn, cộng đồng doanh nghiệp chắc chắn có thiện cảm với thành phố này,” ông Vũ Tiến Lộc khẳng định.

Kết quả xếp hạng PCI khẳng định sự đồng hành của chính quyền thành phố đối với cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn. Đó cũng chính là một trong những nguyên nhân làm số lượng doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn Đà Nẵng năm sau luôn tăng hơn năm trước.

Cách đây 15 năm, số lượng doanh nghiệp các loại hình được thống kê chỉ vài trăm, nhưng đến nay thành phố đã có hơn 22.000 doanh nghiệp.

PCI đã trở thành thước đo đánh giá giữa các địa phương về chất lượng điều hành kinh tế và xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho việc phát triển doanh nghiệp tư nhân. Quan trọng hơn, nó đã trở một công cụ phản ánh rõ nét chất lượng hoạch định và điều hành chính sách của chính quyền địa phương đối với doanh nghiệp, từ đó thúc đẩy những thay đổi sát với thực tiễn, yêu cầu cụ thể của từng chính quyền địa phương để tạo nên một môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh.

Trước bối cảnh hội nhập, yêu cầu ngày càng khắt khe hơn từ cộng đồng doanh nghiệp, song với quyết tâm của mình, Đà Nẵng sẽ tiếp tục có những cải cách mạnh mẽ hơn, hướng tới hình ảnh của một chính quyền phục vụ tốt nhất.

KHANG NINH

;
.
.
.
.
.
.