Sau gần 15 năm đưa vào sử dụng, Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang (quận Sơn Trà) quá tải với số lượng tàu thuyền, xe cộ, người làm việc rất lớn, gây ô nhiễm môi trường nước và không khí.
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về sử dụng dịch vụ tại cảng cá, tránh trú bão và yêu cầu về phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng cũng như khu vực miền Trung, Cảng cá Thọ Quang được quy hoạch và mở rộng, nâng cấp thành cảng cá động lực thuộc Trung tâm nghề cá lớn tại Đà Nẵng gắn với ngư trường Biển Đông và Hoàng Sa.
Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang cần được đầu tư để trở thành trung tâm nghề cá lớn ở miền Trung. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang có diện tích trên bờ khoảng 4ha, mặt nước 58ha, được phân bố gồm: khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, cảng cá và chợ đầu mối thủy sản Thọ Quang. Đây là nơi neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, vừa là cảng cá, chợ cá có quy mô cung ứng dịch vụ hậu cần nghề cá cho tàu thuyền thành phố Đà Nẵng và các tỉnh lân cận.
Những năm gần đây, số lượng tàu thuyền và các phương tiện, người hoạt động tại Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang tăng lên đáng kể, xuất hiện tình trạng quá tải. Riêng năm 2017, có 24.608 lượt tàu thuyền cập cảng và 101.871 tấn hải sản xếp dỡ tại cảng.
Trên cơ sở tiêu chí lựa chọn cảng cá động lực thuộc Trung tâm nghề cá lớn tại Đà Nẵng gắn với ngư trường Biển Đông và Hoàng Sa, UBND thành phố và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đề xuất Cảng cá Thọ Quang là cảng cá động lực và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tại Quyết định số 1976/QĐ-TT ngày 12-11-2015.
Năm 2017, Ban Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư thành phố công bố 5 dự án kêu gọi đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, trong đó có dự án nâng cấp, mở rộng Cảng cá Thọ Quang với tổng vốn hơn 1.000 tỷ đồng, triển khai theo hình thức hợp tác công - tư (PPP).
Từ định hướng quy hoạch nói trên, tại Diễn đàn Phát triển đô thị lần thứ 8 diễn ra vào tháng 7-2018, các chuyên gia của thành phố Yokohama (Nhật Bản) đề xuất giải pháp phát triển Cảng cá Thọ Quang theo hướng hiện đại, sinh thái, thân thiện môi trường và kết hợp thu hút khách du lịch.
Ông Nguyễn Đỗ Tám, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho hay: “Các chuyên gia của thành phố Yokohama định hướng phát triển cảng cá Thọ Quang thành cảng cá sinh thái, hiện đại, đáp ứng môi trường và có thể trở thành điểm đến du lịch thì chúng tôi thống nhất rất cao.
Chúng tôi mong muốn lãnh đạo thành phố quan tâm để làm sao biến ý tưởng của các chuyên gia thành phố Yokohama thành hiện thực. Sở sẽ cung cấp cho thành phố Yokohama một số thông tin để các chuyên gia tiếp tục nghiên cứu và từng bước hiện thực hóa ý tưởng trên”.
Bên cạnh thành phố Yokohama, hiện có nhiều đơn vị trong và ngoài nước quan tâm, nghiên cứu và đề xuất đầu tư Trung tâm nghề cá lớn theo hướng hiện đại, sinh thái, bền vững, kết hợp với phát triển du lịch như: tổ chức AFD (Nhật Bản), Công ty TNHH Âu Lạc (Quảng Ninh), Công ty CP Tuần Châu (Hà Nội)…
Ông Nguyễn Cao Sơn, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tuần Châu (Hà Nội) bày tỏ: “Công ty đã cùng các chuyên gia Nhật Bản đi khảo sát khu vực quy hoạch Trung tâm nghề cá lớn tại Đà Nẵng và nghiên cứu sâu về việc cải tạo, mở rộng Cảng cá Thọ Quang.
Chúng tôi lập và đề xuất đầu tư dự án với 5 mục tiêu: bảo đảm yếu tố về môi trường cả về môi trường sống của ngư dân tại khu vực và điều kiện sống của ngư dân; có trung tâm dạy nghề cá để đào tạo các kỹ năng cho các ngư dân về quy trình đánh bắt, bảo quản, chế biến thủy sản; bảo đảm an toàn cho tàu thuyền; bảo đảm giá trị của thủy sản đánh bắt thông qua quy hoạch các khu thương mại, chế biến thủy sản… Các chuyên gia của Nhật Bản đã đưa ra những giải pháp rất hữu hiệu để thực hiện 5 mục tiêu nói trên”.
Theo Sở NN&PTNT, trong thời gian chờ đợi kêu gọi và triển khai đầu tư Trung tâm nghề cá lớn tại Đà Nẵng, Bộ NN&PTNT quyết định đầu tư dự án Nâng cấp, mở rộng cảng cá hiện trạng theo Quyết định số 4457/QĐ-BNN-TCTS ngày 28-10-2016 với diện tích sử dụng đất trên bờ là 1,5ha.
Bộ đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu vào ngày 1-8-2017 và phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công, dự toán công trình vào ngày 12-2-2018. Theo đó, ở khu mở rộng, chuyển đổi từ kè mái ta-luy nghiêng thành dạng kè đứng kết hợp tạo bến liền bờ cho tàu có công suất từ 600CV trở lên cập cảng với chiều dài bến là 150m, rộng 9,5m, diện tích mặt bằng cảng là 3.696m2 nhằm tăng khả năng bốc dỡ hàng hóa, giảm thời gian chờ đợi; nạo vét vũng bốc xếp trước bến, luồng tàu và vũng neo đậu; xây dựng nhà bao che cầu tàu, xưởng nước đá và khu trữ đá, kho chứa dụng cụ sản xuất, trạm y tế, nhà căng-tin dịch vụ, kho và cửa hàng lương thực, ngư lưới cụ…
Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang hiện nay đã quá tải do tàu cá ở các địa phương khác về nhiều và có nhiều hạng mục công trình xuống cấp. |
Ở khu nâng cấp, nối thêm 82m cầu tàu với cầu tàu hiện trạng và xây dựng tường cừ thép chắn sau bến kết hợp mặt bằng để tăng năng lực bốc dỡ cho các tàu cá có công suất trên 600CV; xây dựng nhà bao che cầu tàu, nhà lồng nối nhà phân loại với chợ cá và các công trình hạ tầng kỹ thuật…
Đến nay, đã cơ bản hoàn thành các thủ tục để lựa chọn nhà thầu cho 2 gói thầu xây lắp công trình nâng cấp, mở rộng cảng cá hiện trạng và đang trình thành phố xem xét. Trong năm 2018, ngân sách Trung ương bố trí 23 tỷ đồng và ngân sách thành phố đối ứng 10 tỷ đồng để thi công công trình.
Đối với các hạng mục, công trình khác thuộc Trung tâm nghề cá lớn tại Đà Nẵng, ông Nguyễn Phú Quốc, Phó Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản, Tổng cục Thủy sản cho biết, theo Luật Thủy sản năm 2017, toàn bộ các cảng cá loại 1 và loại 2 do ngân sách Trung ương đầu tư xây dựng; tuy nhiên, hiện nay ngân sách Trung ương không đủ để đầu tư.
Vì thế, vừa qua, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám đã đề nghị thành phố Đà Nẵng chủ động làm đầu mối kêu gọi đầu tư để triển khai thực hiện dần các hạng mục.
Ngày 20-8, tại buổi làm việc với Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Đà Nẵng, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng xác định âu thuyền và cảng cá Thọ Quang là trung tâm dịch vụ nghề cá, tránh trú bão có quy mô cấp vùng, nhưng đang quá tải; do đó, thống nhất đưa một số hạng mục của Trung tâm nghề cá lớn tại Đà Nẵng vào kế hoạch vốn đầu tư trung hạn trong thời gian đến.
“Hiện nay, Bộ NN&PTNT đang chuẩn bị kế hoạch vốn đầu tư trung hạn với trọng tâm là các cảng cá và khu tránh trú bão. Chúng tôi để dành nguồn lực lớn, đồng thời, kiến nghị Ủy ban Tài chính-Ngân sách cùng các Ủy ban của Quốc hội đề xuất Chính phủ đưa vào trọng tâm vốn của đợt đầu tư trung hạn tới là các cảng cá để đầu tư một cách bài bản và quy mô”. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng |
Dự án nâng cấp, mở rộng Cảng cá Thọ Quang được chia thành 7 tiểu dự án để kêu gọi đầu tư gồm: Nâng cấp Cảng cá Thọ Quang hiện hữu do Bộ NN&PTNT là cơ quan quyết định đầu tư với tổng mức kinh phí 350 tỷ đồng, thực hiện từ năm 2018-2020; nâng cấp, mở rộng cảng cá tổng hợp do UBND thành phố Đà Nẵng quyết định đầu tư với tổng kinh phí 200 tỷ đồng, thực hiện từ năm 2018-2022; nâng cấp, mở rộng khu trú bão Âu thuyền Thọ Quang (cả trong âu thuyền và ngoài cầu Mân Quang) do Bộ NN&PTNT quyết định đầu tư với tổng kinh phí 80 tỷ đồng, thực hiện từ năm 2018-2020; nâng cấp, mở rộng chợ đầu mối thủy sản Thọ Quang (về phía bắc) do Bộ NN&PTNT quyết định đầu tư với kinh phí 100 tỷ đồng, thực hiện từ năm 2018-2020; xây dựng cảng cá quốc tế (tại khu mặt nước phía bắc cầu Mân Quang) do UBND thành phố Đà Nẵng quyết định đầu tư với kinh phí 600 tỷ đồng, thực hiện từ năm 2020-2025; cải tạo, nâng cao tĩnh không cầu Mân Quang do UBND thành phố quyết định đầu tư với kinh phí 400 tỷ đồng, thực hiện từ năm 2025-2030; hỗ trợ kỹ thuật do Tổng cục Thủy sản làm chủ đầu tư với vốn từ 2-3 triệu USD, thực hiện từ năm 2017-2020. |
Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP