Hằng ngày lượng nước thải từ nhà dân, công trình xây dựng, nhà hàng, quán ăn, khách sạn... khu vực ven biển đều cho chảy xuống cống. Khi trời mưa to hoặc có đơn vị xả nước thải với trữ lượng lớn vào cống, máy bơm chuyển dòng về trạm xử lý bị hư hỏng thì các nguồn nước thải chảy tràn ra bãi biển gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến phát triển du lịch biển. Vì vậy, cần có những giải pháp cấp bách và căn cơ để giải quyết tình trạng này.
Nước mưa lẫn nước thải từ cửa xả Mỹ Khê tuôn chảy ra bãi biển. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Bài 1: Mạnh ai nấy... xả
Hiện lưu vực của 2 cửa xả Mỹ An và Mỹ Khê có diện tích trên 390ha (thuộc khu vực các phường Phước Mỹ, An Hải Đông của quận Sơn Trà và phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn).
Trên lưu vực này, khi có lượng mưa lớn thì thường xuyên xảy ra tình trạng nước mưa lẫn nước thải chảy ra bãi biển. Phải chăng công tác giám sát xả nước thải còn đang bỏ ngỏ, mạnh ai nấy xả nên dẫn đến tình trạng trên?
Xả thải công khai
Đi dọc theo các tuyến đường ven biển của quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn vào buổi sáng, rất dễ gặp những cảnh tượng xả nước thải vào hệ thống cống một cách công khai. Xe chở hải sản tranh thủ xả nước xuống cống ở đường Võ Nguyên Giáp sau khi đã bán hải sản cho các nhà hàng. Các nhà hàng ven đường Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Văn Thoại, Lê Quang Đạo… khi tiến hành dọn vệ sinh, chùi rửa nền nhà cũng đều để nước bẩn chảy xuống cống.
Nhân viên các quán ăn ven đường Lê Văn Thứ, Hồ Nghinh, Dương Đình Nghệ, Phan Tôn… rửa đĩa, tô và thản nhiên đổ các thau nước đầy bọt nước rửa chén xuống cống. Nhiều thùng rác bị nứt, bể của nhà hàng Bé Mặn, Cua Biển, Cây Sung… khiến nước rỉ rác chảy xuống mặt đường Hồ Thấu, Lê Bôi, Võ Nguyên Giáp… và sau đó chảy tràn xuống cống.
Nguồn nước từ các xe trộn bê-tông và từ các công trình xây dựng đang trong quá trình thi công hiện nay như khu phức hợp Ánh Dương Soleil, khách sạn Sel de Mer… có màu trắng đục của xi-măng chảy xuống cống.
Một hình ảnh tác động lên nguồn nước thải diễn ra khi xe cuốn ép rác đến đường Loseby cũng tranh thủ xả nước rỉ rác xuống cống. Nhiều người đi thu thức ăn thừa từ các nhà hàng, khách sạn cũng
đổ bớt nước từ trong các thùng đựng xuống cống…
Xe tải BKS 79C-013.68 xả nước nuôi hải sản xuống cống. |
Có quá nhiều trường hợp ngang nhiên xả nước thải xuống hệ thống cống chung của thành phố như vậy không được phát hiện và xử phạt dù chế tài và thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi này đã được quy định tại Nghị định số 167/2013/NĐ-CP và Nghị định số 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ.
Tuy nhiên, ông Mai Mã, Giám đốc Công ty Thoát nước và xử lý nước thải thành phố cho rằng, do chưa có cơ chế giám sát và đơn vị cũng không có thẩm quyền kiểm tra để phát hiện cũng như xử lý vi phạm nên xảy ra tình trạng này.
Ở góc khuất và kín đáo hơn, trong các nhà dân, nhà hàng, khách sạn, công ty, xí nghiệp, người dân và du khách đã thực hiện vô vàn hoạt động xả nước thải vào hệ thống cống thoát nước chung như rửa chén, rửa thịt và cá, tắm, giặt, rửa máy móc…
Thậm chí, đổ cả thức ăn dư thừa, dầu và mỡ thực phẩm, phế phẩm động vật… xuống cống. Hệ thống thoát nước chung của thành phố trở thành nơi chứa và phân hủy các loại rác thải hữu cơ và vô cơ, phát sinh chất bẩn đen ngòm và có mùi hôi thối.
Khi trời không mưa, toàn bộ nước thải cùng chảy đến các giếng đặt máy bơm ở đầu mỗi cống xả ra biển và được bơm về trạm xử lý nước thải để xử lý. Những lúc có mưa lớn, nước mưa trộn với nước thải dâng lên vượt quá cao thành giếng gom rồi tự động chảy tràn ra biển với màu nước đen ngòm, bốc mùi hôi thối.
Gần đây, dù trời không mưa, nhưng trong quá trình thi công hạ tầng ngầm, một số công trình xây dựng đã bơm nước ngầm với trữ lượng lớn xả vào vào hệ thống cống làm tràn các đê bao cống xả và nước thải tuôn ra bãi biển…
Được biết, để giảm bớt các chất hữu cơ, nhất là mỡ thực phẩm, chảy vào hệ thống cống, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cũng đã yêu cầu các nhà hàng, khách sạn, quán ăn lớn thi công các trạm xử lý nước thải, hầm chứa nước thải nhiều ngăn, thu gom riêng thức ăn thừa và phế phẩm thịt cá, lắp đặt bể lọc và chứa mỡ thực phẩm ngay dưới ống xả của chậu rửa chén…
Tuy vậy, theo ông Mai Mã, có rất nhiều bùn do chất hữu cơ phân hủy và mỡ thực phẩm tồn đọng ở các hố ga của hệ thống cống.
“Trong đợt nạo vét vừa qua, chúng tôi đã nạo vét hơn 3.000m3 bùn tại các tuyến cống ven biển quận Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà. Đặc biệt, vào ngày 29-5, chúng tôi đã nạo vét được cả xuồng mỡ tại cửa xả Mỹ Khê”, ông Mai Mã cho biết.
Nhiều trường hợp xả nước thải không phép
Ngày 19-9, khi đến kiểm tra thực tế tình hình thoát nước và xử lý nước thải tại các cơ sở kinh doanh du lịch ở quận Ngũ Hành Sơn, đoàn giám sát của Ban Đô thị HĐND thành phố phát hiện nhiều trường hợp không có giấy phép đấu nối thoát nước thải từ công trình khách sạn, nhà hàng vào hệ thống thoát nước chung của thành phố.
Khách sạn Eco Green (đường An Thượng 3), dù được xây dựng mới và có bể bơi trên tầng mái với dung tích 46m3 nhưng vẫn chưa được cấp phép đấu nối thoát nước thải. Trong khi đó, hầm chứa nước thải bị xây kín nên không thể kiểm tra. Đoàn kiểm tra nhắc nhở chủ khách sạn này phải xin cấp giấy phép đấu nối nước thải, ký hợp đồng thu gom chất thải nguy hại về dầu mỡ của máy phát điện và pin trong thiết bị điện tử…
Nước cống đen ngòm từ cống xả Mỹ An tuôn mạnh ra bãi biển. |
Khách sạn Plazzo (đường Trần Bạch Đằng) cũng chưa được cấp giấy phép đấu nối nước thải vào hệ thống cống của thành phố. Nhân viên kỹ thuật của khách sạn đưa đoàn kiểm tra xem các bể lọc và chứa mỡ thực phẩm ở dưới ống xả của các chậu rửa chén, đồng thời cho biết rằng, tất cả nước thải của khách sạn đều chảy vào hầm chứa có 2 ngăn cho lắng tạp chất rồi mới chảy ra hệ thống cống của thành phố.
Tuy nhiên, khi kiểm tra phía sau khách sạn thì có đến 2 đường ống xả nước thải vào hệ thống cống của thành phố, gồm một ống bị hở được cho là dẫn trực tiếp từ bồn rửa chén và một ống khác được chôn lấp sâu dưới các lớp đan bê-tông cốt thép.
Nhà hàng Lavie (đường Hoàng Kế Viêm) vốn là nhà ở nay chuyển đổi công năng sang nhà hàng. Thế nhưng nhà hàng này chưa được cơ quan chức năng cấp phép đấu nối nước thải vì giấy phép xây dựng được cấp cho xây nhà ở, không phải nhà hàng.
Bà Nguyễn Thị Vân, người dân sống ở đường An Thượng 2 cho hay: “Các khách sạn, nhà hàng để nước thải chảy trên mặt cống, gây ứ đọng nước. Thậm chí, có nhà hàng vẫn để ống xả xuống cống nhưng khi nước nhiều quá thì rút ống lên cho chảy tràn trên mặt cống”.
Bà Trần Thị Nguyên, Phó phòng Tài nguyên và Môi trường quận Ngũ Hành Sơn cho hay, quận vừa tiến hành kiểm tra 55 nhà hàng, khách sạn và nhận thấy nhiều bất cập.
Trước hết, về quy hoạch, nhiều khu vực được quy hoạch xây dựng là nhà ở, nhưng lại phát triển nóng về khách sạn cao tầng và nhà hàng lớn, nhất là ở khu phố du lịch An Thượng, hay khu dân cư phía nam xưởng 38 và 387.
Hay tình trạng nhiều người dân, khách sạn đã được mua bán, chuyển nhượng nên nảy sinh nhiều khó khăn trong quản lý, nhất là nhiều nhà ở được chuyển đổi công năng sang nhà hàng thì chưa được cấp phép đấu nối nước thải...
Hiện nay, chất lượng nước thải từ các nhà hàng, khách sạn xả vào cống có trữ lượng bao nhiêu và chất lượng ra sao thì không ai biết bởi không có phương tiện đo đạc, giám sát.
Ông Phạm Thanh Phúc, Chi cục phó Chi cục Bảo vệ môi trường thành phố cho biết, đối với đầu ra nước thải của các doanh nghiệp ven biển quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn, thành phố yêu cầu chuẩn đầu ra là loại B, riêng của các khu nghỉ dưỡng ven biển là khuyến khích loại A để bảo đảm cho các trạm xử lý nước thải không quá tải. Nếu kiểm tra, nước thải không đúng chuẩn như doanh nghiệp cam kết thì chỉ có thể xử phạt là không thực hiện đúng cam kết do xả vào hệ thống cống của thành phố.
“Chúng ta không thể chứng minh xả thải ra môi trường được do có qua hệ thống cống nên không thể xử phạt với hành vi xả thải ra môi trường. Còn về việc nước thải chảy tràn ra bãi biển, do hệ thống hạ tầng của thành phố chưa bảo đảm, cống thoát nước mưa và nước thải chung”, ông Phúc nói.
Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP