SpaceA (quận Sơn Trà) là một không gian làm việc chung hướng đến khách hàng là người nước ngoài tại Đà Nẵng. Không chỉ cung cấp chỗ ngồi hay văn phòng làm việc, đây còn là nơi được nhiều người nước ngoài tìm đến để được cung cấp thông tin từ nơi ăn chốn ở, phương tiện giao thông cho đến thủ tục đăng ký kinh doanh tại thành phố.
Các buổi trò chuyện giúp kết nối người nước ngoài và người dân Đà Nẵng. Trong ảnh: Buổi chia sẻ về công nghệ chuỗi khối được tổ chức tại SpaceA. |
Cách đây gần 3 năm, anh Arimoto Masayoshi (SN 1983), người sáng lập SpaceA, lần đầu tiên đến Việt Nam. Khi ấy, anh đang là giám đốc một công ty chuyên quảng bá và phát triển thị trường ở Nhật Bản. Anh chia sẻ: “Tôi đã làm công việc kinh doanh ở Nhật được nhiều năm.
Đến Việt Nam, tôi thấy mặc dù cuộc sống khá bận rộn nhưng mọi người vẫn dành nhiều thời gian cho cộng đồng và các hoạt động xã hội. Bởi vậy, tôi cảm thấy yêu mến, muốn gắn bó với nơi đây”.
Lúc đó, Việt Nam chỉ là một điểm đến trong chuyến hành trình vòng quanh các nước châu Á của anh Masayoshi. Sau đó, anh quyết định quay trở lại và chọn Đà Nẵng làm nơi sinh sống, làm việc. Anh nói, Đà Nẵng là một thành phố đáng sống bởi sự bình yên và là nơi có thể phát triển kinh doanh.
Anh thuê tầng 3 của một căn nhà tại một khu phố ở quận Sơn Trà để ở, ngay tầng trệt là quán cà-phê. Sống ở đây, anh Masayoshi hiểu cặn kẽ những thuận lợi và cả những khó khăn ban đầu của người nước ngoài khi muốn hòa nhập với văn hóa bản địa. Anh kể: “Người nước ngoài đến đây thường sống trong những cộng đồng nhỏ với những người cùng quốc tịch với mình. Việc hòa nhập với cuộc sống mới không dễ dàng, nhất là ban đầu”.
Lúc ấy, anh đã ấp ủ ý tưởng về việc xây dựng một điểm đến, nơi có thể giúp người nước ngoài tìm hiểu thông tin về Đà Nẵng, thích nghi hiệu quả với cuộc sống mới. Sau khi quán cà-phê ở tầng trệt đóng cửa vì kinh doanh không hiệu quả, anh Masayoshi quyết định thuê lại mặt bằng và xây dựng không gian làm việc chung SpaceA.
Trong suốt 1 tháng, anh cùng người bạn của mình là Đỗ Ngọc Nam (SN 1991, từng có nhiều năm làm việc tại Nhật Bản) thiết kế, cải tạo, chăm chút từng vị trí trong không gian mới. Đến giữa tháng 7-2018, một không gian làm việc chung dành riêng cho người nước ngoài đầu tiên tại Đà Nẵng chính thức đi vào hoạt động.
Với mục đích kết nối, anh Masayoshi đứng ra kêu gọi những chuyên gia nước ngoài đang làm việc tại Đà Nẵng tổ chức những buổi trò chuyện theo chuyên đề, mở cửa cho tất cả những người muốn tìm hiểu. Gần đây nhất, chương trình trao đổi về công nghệ chuỗi khối (blockchain) với sự tham gia của TS. Anand Nayya (Trường Đại học Duy Tân) và ông Tsutomu Okumura (kỹ sư người Nhật, hiện là giám đốc công nghệ cho một số công ty Nhật và Mỹ) được tổ chức vào cuối tháng 9 vừa qua đã thu hút hơn 30 bạn trẻ Việt Nam và nước ngoài đến tìm hiểu. Anh Masayoshi nói: “Càng làm, tôi càng thấy được nhu cầu kết nối của những người nước ngoài ở Đà Nẵng là rất lớn”.
SpaceA hiện cũng là điểm đến cung cấp các thông tin liên quan đến sinh hoạt hằng ngày, du lịch, làm ăn… cho người nước ngoài ở Đà Nẵng. Chị Catherine Flanagan (quốc tịch Úc) từng làm quản lý bộ phận thiết kế của một công ty chuyên thiết kế đồ họa và xây dựng thương hiệu tại thành phố Melbourne, Úc. Chị chuyển đến Đà Nẵng sinh sống và làm việc vào tháng 9 vừa qua. Chị chia sẻ, sự thay đổi này là một bước ngoặt lớn trong đời mình.
Biết đến SpaceA thông qua một người bạn, chị nói: “Tôi đến đó một vài lần. Cách xây dựng, vận hành của không gian này khiến tôi cảm thấy thân thiết như được trở về nhà”. Trong khi đó, chị Anna Priewasser (quốc tịch Áo) cho biết chị rất thích cách mà SpaceA đã tạo ra. Đó là một không gian cộng đồng để có thể trò chuyện chia sẻ về nhiều chuyên ngành nhằm tìm kiếm những người đồng sự tiềm năng để phát triển sự nghiệp tại Đà Nẵng.
Dù mới hoạt động được hơn 2 tháng nhưng anh Masayoshi hy vọng SpaceA sẽ là không gian được nhiều người, trong đó có những người nước ngoài chọn lựa, đồng thời cũng giúp quảng bá về môi trường đầu tư, kinh doanh cho thành phố mà anh yêu mến.
Ông Nguyễn Công Tiến, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ cho biết, hiện nay, xu hướng thuê chỗ ngồi hoặc văn phòng ở các không gian làm việc chung trên địa bàn thành phố ngày càng phổ biến. Với mô hình này, các doanh nghiệp hay nhóm dự án chỉ gồm 1-2 thành viên là có thể tiết kiệm được chi phí thuê trụ sở nhưng vẫn có mặt bằng để làm việc, giao dịch.
Những năm gần đây, số lượng người nước ngoài đến Đà Nẵng sinh sống và làm việc tăng dần và họ cũng có nhu cầu sử dụng không gian làm việc chung tại thành phố. Ông Tiến nhấn mạnh, điều quan trọng là các không gian này cần hoạt động theo đúng quy định của Luật Doanh nghiệp, phát huy vai trò và ý nghĩa của một môi trường làm việc có tính kết nối, đóng góp tích cực cho kinh tế-xã hội thành phố.
Bài và ảnh: KHANG NINH