Cần sớm đầu tư thêm các nhà máy nước

.

Trước thực trạng thiếu nước sinh hoạt do nguồn nước thô chưa đủ cung cấp như hiện nay, việc đẩy nhanh tiến độ Dự án Nhà máy nước Hòa Trung, triển khai sớm dự án Nhà máy nước Hòa Liên, nâng cấp Nhà máy nước Cầu Đỏ… được xem là những giải pháp cần sớm triển khai.

Đập dâng An Trạch là công trình bảo đảm nguồn nước quan trọng của thành phố. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Đập dâng An Trạch là công trình bảo đảm nguồn nước quan trọng của thành phố. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Tại buổi làm việc với Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) vừa qua, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Châu Trần Vĩnh cho rằng dung tích các hồ thủy điện trên lưu vực Vu Gia - Thu Bồn thì không có khả năng đẩy mặn được tuyệt đối.

Vì vậy, Dawaco phải có những giải pháp lâu dài để bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho thành phố. Ông Vũ Quang Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng thành phố cho rằng, NMN Hòa Liên cần được đầu tư cấp bách để giải bài toán cấp nước an toàn cho thành phố vì đây là dự án rất quan trọng. Khi NMN Hòa Liên hoàn thành sẽ cấp nước trong thời gian lâu dài và không bị phụ thuộc vào các nguồn nước khác.

Trước những băn khoăn của dư luận về tính khả thi của dự án NMN Hòa Liên do nhà đầu tư không triển khai xây dựng đập, hồ thủy điện Sông Bắc 2 và tình trạng nhiễm mặn, khô cạn của sông Cu Đê vào mùa kiệt, ông Huỳnh Vạn Thắng, nguyên Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố cho rằng:

“Tại hạ lưu cầu dây văng Phò Nam hoàn toàn không phù hợp để xây dựng đập thu nước thô vì dễ xảy ra một số sự cố nên các cơ quan chức năng đã thống nhất xây đập thu nước thô ở đoạn sông qua thôn Nam Mỹ (xã Hòa Bắc), cách cầu dây văng Phò Nam 4km về phía thượng lưu.

Xây đập tại đây có thể lấy đủ nước phục vụ cho vận hành NMN Hòa Liên với công suất 120.000m3/ngày (1,4m3/s). Khi nâng công suất sản xuất khai thác nước lên 240.000m3/ngày thì cần xây dựng thêm đập ở phía thượng lưu để giữ nước và sử dụng khi xảy ra thiếu nước”.

Được biết, trong những năm qua, thực hiện sự chỉ đạo của UBND thành phố về công tác chuẩn bị đầu tư dự án NMN Hòa Liên, Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng Dawaco và các đơn vị tư vấn trong nước cũng như nước ngoài đã hoàn thành hồ sơ trình phê duyệt đánh giá tác động môi trường của dự án.

Cùng với đó, các đơn vị cũng đã hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi và thiết kế cơ sở, thẩm tra các công trình phụ trợ thuộc dự án bao gồm đập dâng…

Ông Trần Phước Thương, Phó Tổng Giám đốc Dawaco cho hay: “Để bảo đảm nguồn nước thô khai thác từ sông Cu Đê cung cấp cho NMN Hòa Liên sản xuất, bên cạnh xây dựng đập ngăn mặn trên sông Cu Đê tại khu vực thôn Nam Mỹ (xã Hòa Bắc), còn xây dựng hồ chứa nước lớn trên sông Nam và sông Bắc.

Đến nay, Dawaco đã cơ bản hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư đối với dự án xây dựng NMN Hòa Liên. Chúng tôi đang chờ thành phố quyết định hình thức đầu tư đối với việc triển khai đầu tư dự án”.

Về các giải pháp bảo đảm cấp nước sinh hoạt an toàn, ổn định cho thành phố Đà Nẵng, ông Hồ Hương, Tổng Giám đốc Dawaco cho biết thêm, đơn vị sẽ khẩn trương xây dựng tuyến ống chuyển tải nước thô từ đập dâng An Trạch về và hệ thống nâng đường ống này qua sông để vào NMN Cầu Đỏ trong thời gian ngắn nhằm tăng công suất khai thác nước thô từ đập dâng An Trạch.

Ngoài ra, đơn vị cũng sẽ thực hiện việc điều tiết cấp nước sinh hoạt giữa các khu vực và cố gắng khai thác tối đa công suất của các nhà máy nước nhỏ ở ngoại thành. Xây dựng thêm tuyến ống chuyển tải nước thô từ đập dâng An Trạch về NMN Cầu Đỏ cũng là một hạng mục trong phương án xây dựng trạm bơm nước thô tại đập dâng An Trạch kết hợp trạm bơm phòng mặn hiện trạng.

Ngoài ra, 2 phương án khác cũng đang được lấy ý kiến. Đó là xây dựng đập ngăn mặn trên sông Cầu Đỏ, chuyển đổi mục đích sử dụng đối với Trạm bơm phòng mặn An Trạch hiện trạng, tăng công suất NMN Cầu Đỏ lên 530.000m3/ngày; xây dựng nhà máy xử lý nước mới tại đập dâng An Trạch, giữ nguyên Trạm bơm phòng mặn An Trạch và giữ nguyên NMN Cầu Đỏ hiện tại bảo đảm công suất 2 nhà máy nước đạt 530.000m3/ngày.

Đoạn sông Cu Đê được lựa chọn địa điểm xây đập ngăn mặn và thu nước thô cho Nhà máy nước Hòa Liên.
Đoạn sông Cu Đê được lựa chọn địa điểm xây đập ngăn mặn và thu nước thô cho Nhà máy nước Hòa Liên.

Ông Huỳnh Vạn Thắng cho rằng, không nên xây dựng đập ngăn mặn giữ ngọt ở sông Cầu Đỏ vì lượng nước về quá ít và nguồn nước chịu tác động của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, nước thải đô thị… Vì thế, cần sớm nghiên cứu giải pháp lấy nguồn nước thô từ sông Vu Gia giống như Hà Nội lấy nước thô từ sông Đà.

Ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết thêm, để bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho thành phố, hội đồng nghiệm thu đề tài nghiên cứu về “Quản lý mạng lưới nguồn nước của thành phố Đà Nẵng” đã đề xuất nhiều giải pháp, như: xây dựng tuyến ống để tăng cường đưa nước thô từ đập dâng An Trạch về Nhà máy nước Cầu Đỏ, xây dựng một nhà máy xử lý nước gần đập dâng An Trạch, đầu tư xây dựng NMN Hòa Liên…

“Lựa chọn phương án nào và nguồn nước thô nào để bảo đảm cấp nước sinh hoạt an toàn, ổn định cho Đà Nẵng thì thành phố vẫn đang nghiên cứu. Tuy nhiên, dự án NMN Hòa Liên là đã có quy hoạch từ lâu thì cần triển khai sớm”, ông Tô Văn Hùng nói.

Ngày 12-7-2018, HĐND thành phố ban hành Nghị quyết số 164/NQ-HĐND về danh mục các dự án trọng điểm, mang tính động lực cần tập trung triển khai trong giai đoạn 2016 -2020, trong đó có dự án mở rộng hệ thống cấp nước thành phố Đà Nẵng và các dự án nâng cấp NMN Cầu Đỏ, đầu tư mới NMN Hòa Trung và NMN Hòa Liên.

Các dự án này có tổng mức đầu tư 2.375 tỷ đồng và được thực hiện trong thời gian từ nay đến năm 2020 nhằm bảo đảm nhu cầu ngày càng gia tăng của người dân thành phố và phục vụ phát triển du lịch và trong năm 2018, thành phố đã bố trí 10 tỷ đồng cho giải phóng mặt bằng...

Bài và ảnh: TRIỆU TÙNG -  HOÀNG HIỆP

;
.
.
.
.
.
.
.