“Thất bại là điều gần như không thể tránh khỏi trong khởi nghiệp. Do vậy, cần học cách thất bại thông minh, nghĩa là ngã xong vẫn có thể đứng dậy vững vàng đi tiếp”, anh Nguyễn Quốc Hân, Giám đốc Công ty Phần mềm CTNET (CTNET) chia sẻ trong một buổi trò chuyện với những nhà sáng lập (founder) dự án khởi nghiệp trẻ tại Đà Nẵng.
Anh Nguyễn Quốc Hân, Giám đốc Công ty Phần mềm CTNET (ngoài cùng, bên phải) chia sẻ bài học về thất bại thông minh với các nhà khởi nghiệp trẻ. |
Cách đây 2 năm, khi CTNET vẫn đang hoạt động tốt trong ngành phần mềm, anh Hân có ý tưởng phát triển một ứng dụng di động kết nối khách hàng với những người làm trong ngành dịch vụ làm đẹp.
Anh kể, sau khi tham khảo những mô hình tương tự trên thế giới và khảo sát thị trường Việt Nam, anh tin rằng mình có thể biến ý tưởng thành hiện thực và lập ra một nhóm khởi nghiệp. Sau 2-3 tháng, sản phẩm được hoàn thiện được đưa lên cửa hàng ứng dụng trực tuyến của Apple.
Kết quả đem về không mấy khả quan khi số người tải ứng dụng thấp, trong khi nhóm khởi nghiệp đã bỏ ra khá nhiều thời gian, công sức và tiền bạc để phát triển ứng dụng. “Mình đã phạm sai lầm cơ bản nhất, đó là chưa hiểu về thị trường”, anh Hân nói.
Không nản chí, anh điều chỉnh lại dự án để tập trung vào một dịch vụ duy nhất là trang điểm. Lần này có kinh nghiệm hơn, anh thử nghiệm thị trường trước khi quyết định có nên dồn mọi nguồn lực vào xây dựng ứng dụng hay không.
“Kết quả là vẫn có người muốn dùng dịch vụ nhưng số lượng này không nhiều. Mình quyết định dừng lại. Lần này, hầu như mình tốn kém rất ít về thời gian lẫn tiền bạc”, anh Hân chia sẻ.
Hai ứng dụng của anh Hân đều không tồn tại lâu trên thị trường. Tuy nhiên, anh không nản lòng mà xem một lần thất bại như những bài học quý cho những lần sau với những dự án mà anh vẫn đang tiếp tục.
Một trường hợp khác là anh Nguyễn Văn Chương, Giám đốc Công ty TNHH Giải pháp Hệ thống Xanh, người sáng lập dự án khởi nghiệp “InVietnam”. Anh Chương cho rằng, vấp ngã là một phần của cuộc hành trình thực hiện giấc mơ.
Năm 2016, anh Chương khởi nghiệp với ứng dụng di động trong lĩnh vực du lịch “InVietnam”. Ban đầu, đây là dự án nghiên cứu và phát triển của Công ty TNHH Giải pháp Hệ thống Xanh với mục đích là ươm mầm nhân sự nội bộ, giúp những bạn yêu thích nghiên cứu có thể ứng dụng công nghệ vào cuộc sống, thương mại hóa sản phẩm để tạo ra một lớp doanh nhân mới.
Tuy nhiên, khi chuyển sang giai đoạn thương mại hóa lại cần các nhân sự có kỹ năng, chuyên môn khác nên anh buộc phải tuyển từ bên ngoài và đành phải tạm dừng vì không đủ nhân sự.
Tuy nhiên, anh vẫn tiếp tục duy trì dự án ở khía cạnh công nghệ, đồng thời mở rộng các mối quan hệ, kết nối với nhân sự trong các ngành kinh doanh, xuất bản để “tìm quân” cho dự án. Anh bảo, đáng ra phải tìm nhân sự ngay từ khi dự án chưa được thương mại hóa chứ không nên để một khoảng thời gian “chết” như vậy. Tuy nhiên, đó cũng là kinh nghiệm quý cho anh và các cộng sự.
Theo TS Vũ Xuân Trường, Giám đốc Trung tâm Ươm tạo (Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng), các dự án khởi nghiệp cần lưu ý để tránh việc đi vào “vết xe đổ” một cách không cần thiết. Đó là cần dành nhiều thời gian để tìm hiểu kỹ vấn đề. Một cách rất đơn giản để kiểm tra ý tưởng của mình có được thị trường đón nhận hay không là xin ý kiến của bạn bè, gia đình.
Ngoài ra, có thể làm các bài kiểm tra thị trường nhỏ như xây dựng các trang web đơn, chỉ giới thiệu một sản phẩm, chạy quảng cáo trên các trang web, trao MVP (sản phẩm thử trước khi ra mắt, có đầy đủ tính năng tối thiểu, đáp ứng được hiệu quả nhu cầu của người dùng, khiến cho người dùng muốn mua sản phẩm chính thức) cho khách hàng…
Bên cạnh đó, phải tìm hiểu kỹ trên thị trường đã có những công ty nào đưa ra các giải pháp tương tự và tại sao họ thất bại. Theo TS Trường, cần đầu tư kỹ cho nhân sự. Một dự án khởi nghiệp trong giai đoạn đầu cần có các thành viên với những kỹ năng, thế mạnh, kinh nghiệm trong những lĩnh vực khác nhau (như thiết kế, công nghệ, kinh doanh,...) và đừng để dự án cạn vốn.
Thông thường để thử nghiệm thị trường, các nhà sáng lập sẽ cung cấp sản phẩm dùng thử miễn phí cho khách hàng. Tuy nhiên sau đó, nhà sáng lập phải tìm được những khách hàng trả tiền, bởi đó chính là nguồn tài chính quan trọng nhất của dự án sau này.
Bài và ảnh: PHONG LAN