Năm 2018 là một năm thành công của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới khi các chỉ tiêu về xã nông thôn mới và huyện đạt chuẩn nông thôn mới đều vượt chỉ tiêu đề ra, tạo ra nền tảng để năm 2019 cả nước sẽ hoàn thành các chỉ tiêu của Chương trình trong cả giai đoạn 2016- 2020.
Ngay ngày làm việc đầu năm mới Mậu Tuất 2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chọn Nam Định - một tỉnh nông nghiệp phía nam đồng bằng Sông Hồng để “xông đất”, thăm nông dân huyện Hải Hậu, huyện thứ 4 của cả nước đạt chuẩn huyện nông thôn mới vào năm 2015.
“Cần phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, vai trò của cấp ủy, chính quyền các cấp và cả hệ thống chính trị trong việc chỉ đạo xây dựng nông thôn mới ở các địa phương trong cả nước, coi đó là nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện kiên trì, thường xuyên, liên tục với 19 tiêu chí đã ban hành mà chủ thể thực hiện là người dân”, Thủ tướng nhấn mạnh nhưng yêu cầu thực hiện “không máy móc”.
Trên thực tế, nhiều nơi trên cả nước, cả nhân dân và chính quyền đã chung tay, chung suy nghĩ xây dựng quê hương thành những vùng quê đáng sống. Ông Trần Báu Hà, Bí thư huyện uỷ Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh cho biết lãnh đạo cấp uỷ, chính quyền trong huyện và từng xã phát huy trí tuệ tập thể và khơi dậy tinh thần của nhân dân trong đóng góp trí tuệ, vật chất và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư của Nhà nước đã góp phần thu hút mạnh mẽ sự đóng góp của đông đảo người con quê hương ở Nghi Xuân.
Chính vì thế, huyện Nghi Xuân hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới với 100% số xã đạt chuẩn 19 tiêu chí và hoàn thành 100% số tiêu chí đối với một đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Nếu như Thủ tướng Chính phủ nói huyện Hải Hậu của Nam Định là “đường có điện có hoa, nhà có tên, sông không rác, cán bộ chuyên cần, nhân dân đồng thuận” thì các khu dân cư ở huyện Nghi Xuân - huyện nông thôn mới thứ 60 của cả nước, hay nhiều thôn, xã khác ở tỉnh Hà Tĩnh được người dân địa phương tự hào là các khu dân cư “không kín cổng cao tường”, bởi không có trộm cắp, không tường bao mà “tường” hoàn toàn là khóm cây được cắt tỉa gọn gàng.
Theo số liệu từ Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (Bộ NN&PTNT), các chỉ tiêu về số xã và huyện đạt chuẩn nông thôn mới hiện nay đều vượt mức đặt ra từ đầu năm, góp phần quan trọng để sang năm 2019, cả nước sẽ hoàn thành chỉ tiêu 50% số xã của cả nước đạt chuẩn nông thôn mới, sớm hơn 1 năm so với yêu cầu của Nghị quyết Quốc hội.
Cụ thể, từ đầu năm, Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia đặt nhiệm vụ tới cuối năm 2018 cả nước sẽ có 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới thì tới nay đã có 3.787 xã đạt chuẩn, chiếm 42,2% tổng số xã của cả nước, 61 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới so với chỉ tiêu 57 đơn vị. Bình quân cả nước đang đạt 14,33 tiêu chí/xã và còn 21 xã dưới 5 tiêu chí (giảm tới 6 lần so với số lượng xã có dưới 5 tiêu chí vào năm 2016).
Nông thôn cả nước đang hình thành dần những vùng quê đáng sống, khi người dân có ý thức xây dựng làng xã, bảo vệ môi trường và tham gia phát triển kinh tế hộ gia đình, gia trại, trang trại theo chuỗi, gắn với thị trường. Bên cạnh việc hướng tới nền sản xuất nông nghiệp hàng hoá lớn, các địa phương cũng tận dụng mọi tiềm năng, nguồn lực để gia tăng thu nhập cho người dân thông qua Chương trình mỗi xã một sảm phẩm OCOP.
Vào giữa năm qua tại Bắc Giang, Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia và các địa phương trong cả nước đã thống nhất phát động triển khai mạnh mẽ Chương trình OCOP với các tiêu chí và thước đo đánh giá sản phẩm cụ thể tại các bản, làng, xã có lợi thế. Đơn giản chỉ là một nghề dệt thổ cẩm truyền thống, các thức uống- đồ ăn có tên tuổi..., nay được sản xuất theo quy trình minh bạch, được bảo đảm bởi chính quyền đã tạo ra hơn 1.000 sản phẩm OCOP được công nhận trong số hàng nghìn sản phẩm đặc thù ở các vùng nông thôn của cả nước. Ngoài tăng thu nhập cho người dân, các sản phẩm này còn giúp người dân giữ nghề, giữ được bản sắc văn hoá vùng miền.
Theo số liệu của Ban Kinh tế Trung ương, tính tới năm 2017, thu nhập bình quân người dân ở khu vực nông thôn tăng 3,5 lần sau 10 năm lên mức 32 triệu đồng/người/năm (tới năm 2020 phải là 45 triệu đồng/người theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ). Khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn thu hẹp từ 2,1 lần xuống còn 1,8 lần. Đến nay, cả nước có 62,7% số xã đạt tiêu chí thu nhập, 59,3% số xã đạt chuẩn tiêu chí giảm hộ nghèo, 95% số xã đạt tiêu chí lao động có việc làm, riêng tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất có 72,2% số xã đạt.
Cùng với Hội nghị toàn quốc về OCOP, năm 2018 cũng diễn ra 3 hội nghị toàn quốc liên quan tới thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, phát triển du lịch ở nông thôn đã góp phần thống nhất nhận thức, tập trung các giải pháp đặc thù để xây dựng nông thôn mới phát triển về chất trong giai đoạn tới.
Mặc dù vậy, cả nước vẫn còn hơn 2.100 xã đặc biệt khó khăn ở miền núi cao, hải đảo, bãi ngang ven biển vốn có cơ sở hạ tầng hạn chế, phức tạp, suất đầu tư lớn trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn khó khăn, trở thành những thách thức đối với xây dựng nông thôn mới. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình các mục tiêu quốc gia đã từng nói: “Đây là thách thức của giai đoạn tới cần phải tập trung thực hiện bằng các cách làm sáng tạo, hiệu quả để bù đắp lại những đóng góp, hy sinh của bà con ở những vùng căn cứ địa cách mạng hay ở nơi phên dậu của Tổ quốc”.
Từ thực tiễn triển khai thời gian qua ở các địa bàn khó khăn, tại Hội nghị toàn quốc về xây dựng nông thôn mới ở các thôn, bản khó khăn vào tháng 7/2018 tại Điện Biên, Chính phủ, các bộ, địa phương đã thống nhất cách triển khai xây dựng nông thôn mới từ cấp thôn, bản để sử dụng hiệu quả nguồn đầu tư của nhà nước vào cơ sở hạ tầng, tiến dần tới xây dựng ở quy mô xã nông thôn mới.
Gắn với xây dựng Nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo tiếp tục đạt những kết quả quan trọng. Tỉ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm từ 58% (năm 1993) xuống còn 6,7% (năm 2017), tính theo chuẩn nghèo mới áp dụng từ năm 2016.
Chánh văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tình trạng tái nghèo được kiềm chế và có xu hướng giảm tích cực, tỉ lệ tái nghèo trung bình cả nước giảm từ 0,13% năm 2016 xuống 0,1% vào năm 2017. Đặc biệt, có 10 tỉnh, thành phố (trong đó có Hà Nội) duy trì được tình trạng không tái nghèo.
Tuy nhiên, diễn biến thiên tai trong nhiều năm qua cũng là một nhân tố gây tác động tiêu cực tới hiệu quả của hai Chương trình và sự nỗ lực của người dân, chính quyền. Đơn cử mới đây vào tháng 6,7/2018, mưa lũ ở Lai Châu đã huỷ hoại cơ sở hạ tầng của 2 xã, khiến các xã này không thể về đích nông thôn mới. Trường hợp này cũng diễn ra tại nhiều xã ở Thanh Hoá, Nghệ An... những năm qua.
Theo ông Ngô Trường Thi, Chánh Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia về Giảm nghèo (Bộ LĐTB&XH), thiên tai cùng với công tác quản lý hộ nghèo chưa chặt chẽ cũng làm cho tỷ lệ hộ tái nghèo tăng lên.
Do đó, xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững cần được Chính phủ, các địa phương tiếp tục quan tâm thực hiện hơn nữa bằng các cách làm bài bản, các giải pháp tổng hợp từ quy hoạch, năng lực thực thi của cán bộ, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp và bố trí nguồn lực hiệu quả, hướng tới hoàn thành các chỉ tiêu mà Đại hội Đảng XII và Nghị quyết của Quốc hội đặt ra.
Theo Chinhphu.vn