Đầu năm 2019, nhiều ngân hàng thực hiện giảm lãi suất và áp dụng các chương trình hỗ trợ thiết thực đối với khách hàng, nhất là đối tượng doanh nghiệp thuộc một số lĩnh vực ưu tiên. Đây là tín hiệu mừng đối với cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng việc nhiều ngân hàng thương mại giảm lãi suất góp phần giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong phương án kinh doanh. |
Tiên phong trong đợt giảm lãi suất ngay từ đầu năm là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) với việc giảm 0,5% lãi suất cho vay từ 6,5%/năm xuống 6%/năm để hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) thuộc lĩnh vực ưu tiên gồm: phát triển nông nghiệp, nông thôn, thực hiện phương án kinh doanh hàng xuất khẩu, DN vừa và nhỏ phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, ứng dụng công nghệ cao, DN khởi nghiệp.
Theo đó, Vietcombank Đà Nẵng đã giải ngân khoảng 150 tỷ đồng cho các DN thuộc lĩnh vực ưu tiên trên địa bàn thành phố. Các khoản vay ngắn hạn có lãi suất tối đa 6%/năm. Việc giảm lãi suất áp dụng cho các khoản vay đang còn dư nợ và khoản vay mới từ năm 2019; đồng thời, giảm đồng loạt 0,5%/năm trong năm 2019 đối với các khoản vay trung, dài hạn (đối với tiền Việt Nam) hiện tại của DN.
Tương tự, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) thực hiện giảm thêm 0,5% lãi suất cho vay đối với 5 đối tượng ưu tiên (như trên) theo Thông tư 39/2016/TT-NHNN ngày 30-12-2016. Thêm một ngân hàng nữa cũng có các gói hỗ trợ lãi suất cho DN là Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) - Chi nhánh Đà Nẵng.
Ông Nguyễn Quang Việt, Giám đốc Vietcombank Đà Nẵng cho biết, năm 2019, dự kiến tăng trưởng tín dụng của ngân hàng là 16,8% so với năm 2018, chủ yếu tập trung nhóm khách hàng thuộc lĩnh vực ưu tiên, các DN và cá nhân có nhu cầu vốn thực hiện chương trình phát triển kinh tế-xã hội của thành phố và định hướng phát triển ngành của hệ thống Vietcombank. Dự kiến nhu cầu vốn quý 1-2019 đối với khách hàng của Vietcombank Đà Nẵng khoảng 350 tỷ đồng.
Trước đó, năm 2018, đơn vị đạt mức dư nợ cho vay 9.864 tỷ đồng; dư nợ dành cho các DN thuộc lĩnh vực ưu tiên chiếm 30,4% tổng dư nợ; phần dư nợ còn lại tập trung cho các lĩnh vực công nghiệp, phát triển du lịch, dịch vụ, thương mại, bất động sản và tiêu dùng.
Ông Nguyễn Trọng Khải, Giám đốc Công ty TNHH Chuyển giao công nghệ K&H bày tỏ phấn khởi trước những tín hiệu tích cực này.
Ông Khải cho rằng, trên thực tế, mặt bằng lãi suất tuy chưa thấp như kỳ vọng nhưng cơ bản giữ được sự ổn định trong thời gian dài. Điều này rất quan trọng với DN vì giúp DN chủ động trong thực hiện phương án kinh doanh. Đặc biệt, hiện nay phần lớn các ngân hàng thương mại đã phân biệt và đánh giá được tiềm năng của DN, nhất là những DN làm ăn uy tín, lâu năm. Việc này không chỉ tạo niềm tin cho đôi bên, thuận lợi trong việc vay và cho vay mà còn làm lành mạnh hóa mối quan hệ DN và ngân hàng. Bên cạnh việc giảm lãi, một số ngân hàng còn có các chương trình hỗ trợ DN như vay vốn thời gian 12 tháng được hỗ trợ 50% thời gian (tức 6 tháng lãi suất tối thiểu còn lại 6 tháng lãi suất theo quy định).
Ở khía cạnh khác, theo ông Mai Văn Khoa, Giám đốc Công ty TNHH MTV Adoor Việt Nam, đây là động thái cần thiết nhằm trả lại mặt bằng lãi suất bình ổn vào dịp cuối năm 2018, khi lãi suất cho vay biến động tăng cao khiến nhiều DN phản ứng.
“Hiện nay, dư nợ vốn vay của các DN nhỏ và siêu nhỏ không lớn nên việc giảm lãi suất 0,5-1%/năm không có nhiều tác động quá lớn, nhưng điều quan trọng là động thái này mở ra những cơ hội tốt để DN tiếp cận nguồn vốn thuận lợi hơn”, ông Khoa nhấn mạnh.
Nhìn nhận về việc nhiều ngân hàng giảm lãi suất ngay từ đầu năm, ông Võ Minh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Đà Nẵng đánh giá, đây là điều cần thiết nhằm cân bằng mặt bằng sản xuất sau thời điểm biến động vào dịp cuối năm 2018, cho thấy sự nỗ lực của các ngân hàng thương mại trong việc kiểm soát lãi suất, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho DN.
Bài và ảnh: HOÀNG LINH