Đó là yêu cầu của Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh tại buổi nghe Sở Du lịch báo cáo về đề án phát triển du lịch đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 vào chiều 7-3.
Cần sớm có các sản phẩm chủ lực để tăng sức cạnh tranh cho ngành du lịch. TRONG ẢNH: Khách tàu biển tham quan Bảo tàng Đà Nẵng. |
Tại buổi làm việc, ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho rằng, trong những sản phẩm du lịch mới của Đà Nẵng thì du lịch M.I.C.E đang là sản phẩm tốt nhất và thu hút rất nhiều khách quốc tế. Bằng chứng là Đà Nẵng có đủ điều kiện tổ chức các sự kiện lớn như APEC 2017 và các hội nghị mang tính quốc tế.
“Câu hỏi đặt ra là vì sao du khách lại đến Đà Nẵng? Liệu du khách có tìm kiếm những tháp truyền hình cao ngất trời hay những tòa nhà hoành tráng như đề án đưa ra hay không? Du khách đến với Đà Nẵng là vì những điều khác biệt của thành phố này, đó là những bãi biển sạch, đẹp, một bán đảo Sơn Trà xanh được thiên nhiên ban tặng chứ không phải để tìm kiếm những công trình tráng lệ. Nếu tìm những công trình này, du khách dễ dàng thấy ở Singapore, Hong Kong, Paris… Vì vậy, phải dựa vào nhu cầu của khách để xây dựng bản quy hoạch phù hợp, hãy bán những gì du khách cần, không phải bán những gì chúng ta có”, ông Vinh phân tích.
Theo ông Vinh, một thế mạnh riêng có của Đà Nẵng là khi đến đây du khách được trải nghiệm cả thiên nhiên lẫn cuộc sống của con người và thưởng thức ẩm thực đặc trưng gồm: hải sản, cao lầu, bánh tráng thịt heo… Vì vậy, nên đưa những sản phẩm này thành sản phẩm chủ lực trong những năm tới và nên giới thiệu ẩm thực địa phương trên những chuyến bay quốc tế đến Đà Nẵng.
Ông Vinh cũng đề xuất cần đưa sản phẩm kết nối giữa 3 địa phương Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam bằng các tour du lịch rồi từ đây mở rộng ra các tỉnh khác. Có thể kết nối với Hội An bằng xe, tàu điện nhanh, khơi thông sông Cổ Cò càng sớm càng tốt.
Đồng quan điểm, bà Lê Thị Kim Phương, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, các sản phẩm du lịch nêu trong đề án khá dàn trải, thiếu sự kết nối và cạnh tranh giữa các địa phương lân cận. Đơn cử như Quảng Nam đang có Vinpearl Land hay Thừa Thiên Huế có Laguna, nên đặt tương quan khách cao cấp, khách có chi tiêu lớn, nếu Đà Nẵng không có được những sản phẩm phù hợp sẽ khó cạnh tranh. Vì thế, phải đề ra chiến lược, sản phẩm để cạnh tranh với các địa phương lân cận; đồng thời phân khúc thị trường cao cấp, trung cấp và bình dân để có giải pháp quản lý cụ thể từng thị trường khách.
Cần có sự quan tâm, đầu tư đúng mực để phát huy được giá trị lịch sử, văn hóa của các di tích, thắng cảnh tại thành phố Đà Nẵng. |
Trong khi đó, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể Thao Nguyễn Thị Hội An nhìn nhận, Đà Nẵng có 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt là danh thắng Ngũ Hành Sơn và thành Điện Hải cần được quan tâm đầy đủ để đúng và trúng, phát huy được những giá trị lịch sử vốn có của di tích. Bên cạnh đó, để bổ sung thêm sản phẩm văn hóa, thời gian đến, Nhà hát Trưng Vương có một số chương trình nghệ thuật ra mắt phục vụ khán giả.
Ông Ngô Quang Vinh, Giám đốc Sở Du lịch thông tin, khách Tây Âu đến Đà Nẵng đã cải thiện sau khi có đường bay thẳng Doha - Đà Nẵng. Từ đầu tháng 3, đường bay Đà Nẵng – Bangkok tăng lên 7 chuyến/ngày thay vì 5 chuyến như trước.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh cho rằng, sản phẩm du lịch của Đà Nẵng vẫn chưa nổi trội. Trong khi người Việt đi nước ngoài mang về rất nhiều sản phẩm du lịch thì du khách đến Đà Nẵng lắm lúc không biết mua gì đặc trưng. Bên cạnh đó, một vấn đề rất cần được quan tâm là lâu nay nguồn thu từ điểm đến bán đảo Sơn Trà bị thất thoát lớn. Kỳ họp HĐND nào cũng đặt ra vấn đề quản lý bán đảo Sơn Trà nhưng đến nay chưa có ngành nào đứng ra chịu trách nhiệm.
“Khách lên đó làm gì, đi đâu mình cũng không hay biết, trong khi đó lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ (như cháy rừng…) mà lại không thu được gì”, ông Lê Trung Chinh trăn trở.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh cho rằng, du khách biết đến Đà Nẵng là qua các sản phẩm cụ thể như Bà Nà, những bãi biển đẹp, bán đảo Sơn Trà…, rồi mới đến những sản phẩm phụ trợ liên quan khác như: chơi gì, ăn gì, xem gì. Vì vậy, đề án cần tập trung từng vấn đề cụ thể.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh cũng yêu cầu Sở Du lịch sớm điều chỉnh, hoàn thiện đề án, phải phù hợp với quy định chung của thành phố và trình UBND thành phố vào cuối tháng 3.
Đề án phát triển ngành du lịch Đà Nẵng đến năm 2025, tầm nhìn năm 2030 đặt ra mục tiêu đón khoảng 8,85 triệu lượt khách trong năm 2020, trong đó có khoảng 2,45 triệu lượt khách quốc tế. Năm 2025 đón khoảng 14 triệu lượt khách, trong đó khoảng 4 triệu lượt khách quốc tế. Đến năm 2030 đón khoảng 20,9 triệu lượt khách, trong đó khoảng 5,9 triệu lượt khách quốc tế. Tổng thu du lịch năm 2025 khoảng 58.400 tỷ đồng, năm 2030 khoảng 96.200 tỷ đồng. Cơ sở lưu trú tăng từ 25.500 phòng năm 2020 đến 41.100 phòng năm 2025 và 61.200 phòng vào năm 2030. Lao động ngành du lịch năm 2020 khoảng 38.300 lao động trực tiếp và 61.700 lao động vào năm 2025. Để đạt được những mục tiêu trên, đề án đã đưa ra một số định hướng về thị trường khách du lịch; trong đó xác định luồng khách, các phân khúc thị trường, chiến lược phân khúc nội địa, quốc tế, sản phẩm du lịch… Một số giải pháp cụ thể về cơ chế, chính sách, đầu tư, hạ tầng du lịch, giao thông công cộng, đường hàng không, đường thủy (taxi mặt nước, xe buýt mặt nước); công tác quảng bá, xúc tiến, phát triển các sản phẩm, dịch vụ du lịch trên địa bàn thành phố. |
Bài và ảnh: THU HÀ