Tăng hiệu quả liên kết du lịch

.

Việc ký kết hợp tác liên kết giữa 3 địa phương Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam được thực hiện từ hơn 10 năm trước đã giúp tạo ra chuỗi những sản phẩm du lịch chung, xoay quanh các sản phẩm đặc trưng như: tour Hành trình di sản miền Trung, Con đường di sản miền Trung. Sau đó, 3 địa phương đã mở rộng hợp tác với các tỉnh, thành phố khác tạo nên sự gắn kết trong quảng bá, xúc tiến du lịch, điển hình là hình thành liên kết giữa Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam và Hà Nội. 

Du khách tìm hiểu về các sản phẩm du lịch tại gian hàng chung của 3 địa phương tại hội chợ.
Du khách tìm hiểu về các sản phẩm du lịch tại gian hàng chung của 3 địa phương tại hội chợ.

Theo đó, các địa phương thường xuyên chia sẻ thông tin về nhân lực du lịch, về hoạt động theo tiêu chuẩn nghề VTOS; tổ chức các hội thảo phổ biến và áp dụng tiêu chuẩn nghề VTOS dành cho doanh nghiệp (DN) du lịch, cơ sở đào tạo của Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam. Các phòng nghiệp vụ du lịch, Trung tâm Thông tin-Xúc tiến du lịch của từng địa phương phối hợp chặt chẽ, tăng cường trao đổi thông tin về tình hình khách du lịch cũng như các hoạt động du lịch diễn ra trên địa bàn để tham khảo và cùng nhau nghiên cứu, đưa ra giải pháp quản lý và hỗ trợ hiệu quả.

Thanh tra Sở Du lịch các địa phương đã kết nối, trao đổi, giám sát hoạt động lữ hành, hướng dẫn du lịch, hiện trạng về tour giá rẻ; thông báo thông tin về vi phạm của các hoạt động hướng dẫn du lịch để cùng kiểm tra xử lý. Các đơn vị phối hợp với các cơ sở giáo dục-đào tạo về tiếng Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan… ở các địa phương để đào tạo nhằm tăng số lượng các hướng dẫn viên tiếng hiếm phục vụ khách du lịch đến từ nhiều quốc gia; đồng thời, giúp đỡ các DN kinh doanh du lịch tìm kiếm các hướng dẫn viên tiếng hiếm tham gia vào hoạt động hướng dẫn.

Theo bà Huỳnh Thị Hương Lan, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng, thời gian qua, đã có nhiều hoạt động về xúc tiến quảng bá được triển khai như: 3 địa phương cùng tham gia gian hàng chung tại Hội chợ VITM Hà Nội 2018, quảng bá hình ảnh du lịch mới, giới thiệu các sản phẩm du lịch đến các đơn vị lữ hành và du khách tham gia hội chợ; tạo cơ hội để các DN du lịch Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam giới thiệu và bán các sản phẩm dịch vụ du lịch, ký kết hợp tác kinh doanh với các DN du lịch, các hãng lữ hành tham gia hội chợ; 3 địa phương cùng tham gia Hội chợ ITE tại thành phố Hồ Chí Minh 2018, cung cấp thông tin về các sự kiện mới, sản phẩm dịch vụ du lịch hấp dẫn và các điểm đến mới nổi…

Ngoài ra, các địa phương còn tham gia xúc tiến, quảng bá tại nước ngoài như Lễ hội Việt Nam tại Nhật Bản; chương trình giới thiệu du lịch các địa phương tại Tokyo (Nhật Bản), chương trình giới thiệu du lịch Quảng Nam - Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế tại Hội chợ ITB Singapore.

Các địa phương đã phối hợp đón đoàn famtrip Malaysia gồm 40 người là đại diện các công ty lữ hành lớn tại Malaysia; đoàn famtrip Hong Kong gồm 20 người là đại diện các đơn vị lữ hành lớn đến từ thị trường Hong Kong; đoàn famtrip Daegu, Hàn Quốc gồm 20 người là đại diện các đơn vị lữ hành, báo, đài lớn của Daegu, Hàn Quốc; đoàn famtrip quốc tế nhân dịp Ngày hội Du lịch miền Trung và đoàn presstrip quốc tế châu Âu nhân dịp khai trương đường bay thẳng Doha - Đà Nẵng.

Gian hàng chung của 3 địa phương tại các hội chợ trong nước và quốc tế đều thu hút khách hàng ghé thăm, tìm hiểu về sản phẩm của địa phương.
Gian hàng chung của 3 địa phương tại các hội chợ trong nước và quốc tế đều thu hút khách hàng ghé thăm, tìm hiểu về sản phẩm của địa phương.

Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho rằng, các hoạt động liên kết, quảng bá du lịch giữa các địa phương được thực hiện ngày càng chuyên nghiệp và hiệu quả. Ngoài các hoạt động chung đã thống nhất trong kế hoạch liên kết từ đầu năm, các địa phương cũng chủ động hỗ trợ quảng bá hình ảnh của 3 địa phương trong nhiều hoạt động, chương trình riêng. Việc vận động tài trợ các DN cho hoạt động liên kết hợp tác du lịch đạt một số kết quả đáng kể như: giảm giá vé máy bay cho đợt xúc tiến du lịch nước ngoài và đón các đoàn famtrip, hỗ trợ phòng lưu trú đón các đoàn famtrip…

Năm 2019, việc liên kết phát triển sản phẩm du lịch sẽ tiếp tục được đẩy mạnh, nhất là phối hợp trong xây dựng các lễ hội, sự kiện hợp lý giữa các địa phương nhằm tránh trùng lặp về kế hoạch và thời gian diễn ra; liên kết phát huy, khai thác sản phẩm du lịch liên vùng. Ban địa phương ưu tiên 2 dòng sản phẩm “Con đường di sản” và “Đường mòn sinh thái” theo kết quả hỗ trợ phát triển du lịch có trách nhiệm của EU; phối hợp xây dựng phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng liên vùng của 3 địa phương là du lịch biển, nghỉ dưỡng; du lịch sinh thái, văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch đường sông.

Được biết, với vai trò là Trưởng liên kết năm 2019, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam sẽ tập trung thúc đẩy mạnh mẽ hơn quá trình liên kết; cụ thể, sẽ tập trung vào 5 nhóm vấn đề chính: chia sẻ về cơ chế (quản lý Nhà nước); công tác quảng bá và xúc tiến; sản phẩm; đào tạo nguồn nhân lực; tăng cường vai trò của cộng đồng DN. Qua đó, hướng đến mục tiêu cuối cùng của liên kết là tăng số lượng khách và chất lượng doanh thu từ du lịch, khách năm sau cao hơn năm trước; doanh thu du lịch cũng tăng cao hơn, thể hiện qua mức chi tiêu bình quân của du khách cao...  

Mới đây, Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam đã hoàn thành dự thảo Đề án cơ chế, chính sách thí điểm đột phá du lịch 3 địa phương. Đề án cũng đưa ra cơ chế chính sách đẩy mạnh liên kết để phát triển sản phẩm, thị trường và chuỗi giá trị du lịch, liên kết để cùng khai thác, chia sẻ lợi ích, tránh tình trạng cục bộ trong vấn đề phát triển du lịch vùng miền. Để tiếp tục bổ sung và hoàn chỉnh các nội dung nhằm xây dựng các cơ chế thiết thực tạo động lực lớn thúc đẩy phát triển du lịch, 3 địa phương mong muốn nhận được sự tham gia đóng góp ý kiến của các nhà khoa học, nhà quản lý, các chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực du lịch và các lĩnh vực khác, các doanh nghiệp du lịch và những người có tâm huyết để xây dựng và hoàn chỉnh đề án quan trọng này.

Bài và ảnh: HÀ KHUÊ

;
;
.
.
.
.
.