Chiều 17-5, phát biểu tại hội thảo “Giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh - PCI thành phố Đà Nẵng năm 2019”, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ khẳng định, trước bối cảnh hội nhập, yêu cầu ngày càng khắt khe hơn từ cộng đồng doanh nghiệp, việc không ngừng nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là yêu cầu bức thiết để Đà Nẵng không chỉ cải thiện vị trí trên bảng xếp hạng PCI cả nước, mà quan trọng hơn là giữ vững “thương hiệu” thành phố đáng sống và đáng để đến đầu tư.
Đại biểu tham gia thảo luận tại hội thảo. |
Đẩy mạnh thực hiện một cửa điện tử
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh nhìn nhận, môi trường đầu tư kinh doanh của Đà Nẵng sau nhiều năm được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá là thông thoáng và thuận lợi đã bắt đầu có dấu hiệu sụt giảm. PCI liên tiếp tụt hạng, trong đó có nhiều chỉ số thành phần quan trọng giảm điểm đáng kể như chỉ số cạnh tranh bình đẳng (từ vị trí 37 xuống 55), dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp (tụt 9 hạng xuống 41); tính minh bạch và tiếp cận thông tin tụt từ vị trí 20 xuống 25; tính tiên phong và năng động của lãnh đạo thành phố tụt từ vị trí 6 xuống 20… chính là những dấu hiệu bất ổn, cần được thẳng thắn nhìn nhận và khắc phục.
Ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học-Nghệ thuật thành phố nêu lên một trong những nguyên nhân dẫn đến việc Đà Nẵng tụt hạng PCI đó là việc thiếu công khai, minh bạch trong việc tiếp cận thông tin về chủ trương của địa phương. Thời gian qua, có không ít trường hợp, để có được những thông tin có giá trị về chủ trương của thành phố, doanh nghiệp phải thực hiện qua nhiều đường “phi chính thống”.
Bà Đỗ Thị Thanh Huyền, đại diện Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam (UNDP) lại chỉ ra hạn chế hiện nay của Đà Nẵng là hiệu quả thực hiện “một cửa điện tử” của Đà Nẵng hiện vẫn còn thấp, ảnh hưởng đến thời gian, chi phí và tính minh bạch trong tiếp cận và xử lý thông tin.
Bà Thanh Huyền chỉ rõ: “Nhìn vào các con số chấm điểm và xếp hạng PAPI, PCI hiện nay trên cả nước có thể thấy, vấn đề nổi lên là vẫn còn có sự đối xử thiếu bình đẳng của chính quyền địa phương giữa doanh nghiệp, tập đoàn lớn, doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp nhỏ và vừa và cả với người dân. Đà Nẵng cần nhìn nhận ra điều này để có giải pháp nhằm bảo đảm cho sự phát triển bền vững của thành phố, nhất là vấn đề bảo đảm hài hòa giữa phát triển với bảo vệ môi trường”.
Bên cạnh các ý kiến phân tích nguyên nhân, cũng có nhiều ý kiến cho rằng cần có sự nhìn nhận thỏa đáng và công bằng về mọi mặt đối với Đà Nẵng sau một năm quyết liệt và nỗ lực để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Để cải thiện các chỉ số thành phần của PCI cũng như vị trí xếp hạng của Đà Nẵng, ông Bùi Văn Tiếng cho rằng, thành phố phải tạo được kênh giao lưu trực tuyến giữa người dân, doanh nghiệp và người dân và dù thông tin được công khai, minh bạch đến đâu cũng phải trên tinh thần thượng tôn pháp luật.
Trong khi đó, ông Nguyễn Tiến Quang, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh Đà Nẵng nhìn nhận, việc cải thiện vị trí PCI là vấn đề quan trọng đối với Đà Nẵng bởi nó không chỉ gói gọn trong phạm vi ảnh hưởng tới môi trường đầu tư, kinh doanh mà còn ảnh hưởng đến nhịp phát triển của thành phố, nhất là trong xu thế phải cạnh tranh gay gắt với các địa phương lân cận. Hiện nay, khi dư địa phát triển của Đà Nẵng không còn nhiều, nhất là liên quan đến đất đai, yêu cầu chính quyền Đà Nẵng phải phát triển theo hướng đi vào chiều sâu.
Theo ông Quang, Đà Nẵng cần tiên phong trong việc áp dụng mạnh mẽ thủ tục hành chính công trực tuyến, có chỉ tiêu cụ thể cho từng loại thủ tục, hồ sơ và chế tài xử lý. Vấn đề nữa là cần nâng cao khả năng cạnh tranh bình đẳng của các doanh nghiệp tư nhân, hạn chế tình trạng “doanh nghiệp thân hữu”.
Cải thiện tính năng động của bộ máy hành chính
Theo ông Phạm Bắc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố, nhiều năm liền, lãnh đạo Đà Nẵng luôn được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao về tích cực chủ động, dám nghĩ, dám làm và dám sáng tạo. Tuy nhiên, chỉ số về tính tiên phong của lãnh đạo thành phố trong năm 2018 có mức giảm cao, từ 6,65 điểm xuống còn 5,96, điều này có nguyên nhân khách quan và chủ quan phải suy ngẫm.
“Muốn cải thiện vị trí xếp hạng PCI thì trước hết phải cải thiện tính năng động của lãnh đạo thành phố, yếu tố tiên quyết ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp. Theo tôi, trong thời gian tới, phải chọn lựa và đề bạt vào vị trí lãnh đạo những người có trình độ, kiến thức về lĩnh vực quản lý, nắm vững pháp luật liên quan… để có thể mạnh dạn, tự tin khi phải ra quyết định; có bản lĩnh dám làm, dám quyết, dám chịu trách nhiệm. Phải quy trách nhiệm đối với những lãnh đạo không giải quyết, giải quyết sai quy định, giải quyết chậm trễ công việc thuộc thẩm quyền”, ông Bình nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc phát triển Đại học Fulbright Việt Nam, đề xuất Đà Nẵng cần quan tâm hơn đến việc xây dựng môi trường đầu tư bình đẳng cho các thành phần kinh tế và nâng cao tính chủ động, tiên phong của chính quyền thành phố trên tinh thần thượng tôn pháp luật.
Tại hội thảo, đại diện các sở, ngành thành phố đã có những trao đổi cụ thể trước những vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp. Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố cho biết, hiện nay đơn vị đang xây dựng phần mềm “Quản lý, giám sát các dự án đầu tư”, dự kiến đưa vào sử dụng vào cuối năm 2019; ban hành và thực hiện đề án “Quản lý liên thông về thủ tục đầu tư” nhằm rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục đầu tư.
Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết xây dựng 10 nhóm vấn đề có tính chất giống nhau trong sai phạm để tham mưu lãnh đạo thành phố tìm giải pháp tháo gỡ; xây dựng dự án “Cơ sở dữ liệu đất đai”, liên thông trong thực hiện thủ tục đất đai từ cấp thành phố đến quận, huyện; thành lập Tổ công tác do tiếp nhận thông tin nhằm tháo gỡ cho doanh nghiệp, hàng tuần sẽ có các buổi gặp gỡ doanh nghiệp vào thứ bảy, chủ nhật để lắng nghe, tiếp nhận và giải quyết...
Phát biểu kết luận, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ nhìn nhận các ý kiến phát biểu, thảo luận tại hội thảo đã phản ánh được tình hình chung của Đà Nẵng trong năm 2018 và đang kéo dài qua năm 2019. Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ cũng chỉ rõ, những yếu tố tác động đến kết quả xếp hạng PCI 2018 có những đặc trưng khác so với những năm trước do thành phố đang trong giai đoạn xử lý những sai phạm trước đây.
Đơn cử, trước đây có nhiều dự án được giao đất rất nhanh nhưng sai quy trình, hiện nay, làm đúng quy trình thì lại chậm, tạo cảm giác vấn đề của doanh nghiệp không được giải quyết. Thành phố mong muốn nhanh chóng xử lý xong các vụ việc để có những câu trả lời rõ ràng cho những vấn đề được nêu lên cũng như về sau này; nếu kéo dài thì doanh nghiệp, người dân và chính quyền đều khổ. Thực tế, hiện nay có không ít cán bộ, công chức, viên chức vì “an toàn” nên không dám và không chịu tham mưu, đề xuất, thiếu tính chiến đấu, năng động và tiên phong hoặc lợi dụng sự khó khăn của thành phố để cố tình trì trệ.
Tuy vậy, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ tin tưởng khó khăn nào cũng có cách giải quyết, trong thời điểm này phải hết sức đồng thuận, cùng nhau vượt qua khó khăn. Năm 2019, thành phố quyết tâm chọn ra 500 điểm quy hoạch dự án cụ thể, công khai tất cả cho doanh nghiệp biết và tham gia đấu giá nếu có nhu cầu; đồng thời tiếp tục xây dựng một đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức mạnh, có tinh thần cống hiến, trách nhiệm với công việc, với người dân và doanh nghiệp. Thành phố cũng sẽ công bố bộ chỉ số năng lực cạnh tranh của sở, ban, ngành.
“Chúng ta phải làm hết sức, hết tâm huyết. Phần thưởng lớn nhất chính là sự phát triển của thành phố, đem lại hạnh phúc cho người dân, sự thuận lợi cho doanh nghiệp. Trước bối cảnh hội nhập, yêu cầu ngày càng khắt khe hơn từ cộng đồng doanh nghiệp, việc không ngừng nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là yêu cầu bức thiết để Đà Nẵng không chỉ cải thiện vị trí trên bảng xếp hạng PCI cả nước, mà quan trọng hơn là giữ vững “thương hiệu” thành phố đáng sống và đáng để đến đầu tư”, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ nói.
Bài và ảnh: KHÁNH HÒA