Hoạt động trong lĩnh vực xây dựng trên địa bàn thành phố luôn duy trì tốc độ cao đối với cả các công trình công nghiệp và dân dụng, song cũng luôn tiềm ẩn các nguy cơ mất an toàn lao động, bởi số vụ tai nạn lao động gây chết người trong xây dựng chiếm tỷ lệ lớn nhất trong các ngành, lĩnh vực lao động. Việc tăng cường công tác bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh môi trường đang được Sở Xây dựng triển khai mạnh mẽ, đồng bộ...
Việc hướng dẫn người lao động tại công trình nhận diện các yếu tố nguy hiểm có nguy cơ xảy ra tai nạn rất quan trọng. Trong ảnh: Thi công xây dựng tuyến đê kè biển Liên Chiểu. |
Ông Phạm Tăng Xuân Hòa, Chi cục phó Chi cục Giám định xây dựng (Sở Xây dựng) cho biết, số người chết do tai nạn lao động (TNLĐ) trong hoạt động xây dựng luôn cao hơn các lĩnh vực, ngành, nghề khác (chiếm tỷ lệ 66,7% số vụ, số người chết).
Năm 2018, trên địa bàn thành phố xảy ra 4 vụ tai nạn lao động làm chết 5 người. Số vụ TNLĐ nghiêm trọng này xảy ra tại các công trình xây dựng dân dụng, các công trình nhà ở thấp tầng. Từ đầu năm 2019 đến nay, xảy ra 2 vụ TNLĐ làm chết 2 người trong quá trình thi công nhà xưởng. Các vụ tai nạn thời gian qua được xác định nguyên nhân trực tiếp là thiếu ý thức trong công tác bảo đảm an toàn lao động.
Theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 35 vụ TNLĐ, trong đó có 3 vụ làm 3 người chết (giảm 40% so với cùng kỳ năm 2018), nhưng 2 trong 3 vụ trên là TNLĐ trong hoạt động xây dựng.
Nguyên nhân chủ yếu về phía người sử dụng lao động là do thiết bị không bảo đảm an toàn; không huấn luyện hoặc có huấn luyện an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) cho người lao động, nhưng không đầy đủ; không có quy trình, biện pháp an toàn lao động (ATLĐ); trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động không đầy đủ.
Nguyên nhân về phía người lao động là do vi phạm quy trình, biện pháp ATLĐ; không sử dụng các trang bị, phương tiện bảo vệ cá nhân… Về yếu tố gây ra TNLĐ chủ yếu là sử dụng điện, ngã cao trong xây dựng, do đổ, sập...
Để giảm thiểu tối đa tình trạng gây mất ATLĐ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, đặc biệt chú trọng đến các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực có nhiều nguy cơ xảy ra TNLĐ, sự cố nghiêm trọng như: xây dựng, khai thác khoáng sản, cơ khí...
Cơ quan quản lý các cấp phải hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp về thực hiện công tác huấn luyện ATVSLĐ, công tác tự kiểm tra nhằm cải thiện điều kiện lao động, bảo đảm an toàn và sức khỏe cho người lao động.
Là đơn vị tham gia hoạt động tư vấn xây dựng tại nhiều công trình xây dựng lớn ở thành phố, ông Trần Ngọc Trình, Giám đốc Công ty CP Tư vấn xây dựng Tín An chia sẻ kinh nghiệm là việc hướng dẫn người lao động tại công trình nhận diện các yếu tố nguy hiểm có nguy cơ xảy ra tai nạn rất quan trọng.
Theo đó, yêu cầu người lao động sử dụng đúng và đủ dụng cụ, phương tiện bảo hộ lao động. Thực hiện các cảnh báo an toàn lao động tại công trình và thường xuyên quản lý số lượng người lao động. Thường xuyên kiểm định an toàn đối với máy móc, trang thiết bị lẫn vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ trong thi công xây dựng công trình.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp Đà Nẵng cho biết, TNLĐ trong hoạt động xây dựng không chỉ đơn thuần do sự cố kỹ thuật mà xuất phát từ sự chủ quan của cả chủ sử dụng lao động và người lao động.
Từ đó, Ban Quản lý đề xuất cần thực hiện các hoạt động kiểm tra, giám sát cơ quan quản lý Nhà nước các cấp; trong đó thực hiện thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất điều kiện lao động tại các công trình; thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất hệ thống thiết bị xây dựng có nguy cao về ATLĐ, hồ sơ quản lý về ATVSLĐ; cần có chế tài xử lý mạnh hơn nếu vi phạm.
Ông Lê Tùng Lâm, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho hay, qua theo dõi cho thấy, công tác ATVSLĐ trên địa bàn thành phố trong những năm qua đã được tổ chức thực hiện tốt, tạo được sự nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về ATVSLĐ của người sử dụng lao động và người lao động; thúc đẩy các hoạt động bảo đảm ATLĐ, bảo vệ sức khỏe người lao động, phòng ngừa TNLĐ và bệnh nghề nghiệp.
Ngoài những văn bản quy định hiện hành của Trung ương về công tác ATVSLĐ đối với máy móc, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ, thành phố đã ban hành các quy định về quản lý và sử dụng các máy móc, thiết bị như: cần trục tháp, máy vận thăng, thang máy điện, thang cuốn, băng tải chở người tại các công trình xây dựng trên địa bàn...
Bên cạnh đó, các ngành, các địa phương, doanh nghiệp đã chủ động xây dựng kế hoạch, tìm các biện pháp, giải pháp để tổ chức thực hiện tốt công tác ATVSLĐ nên đã hạn chế được số vụ TNLĐ xảy ra trên địa bàn.
Bài và ảnh: TRIỆU TÙNG