Theo Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã nhập khẩu 95.929 ô-tô nguyên chiếc các loại, trị giá 2,14 tỷ USD, tăng 232,9% về số lượng và 213,4% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái. Một số chuyên gia kinh tế nhận định: ASEAN là khu vực Việt Nam nhập khẩu ô-tô nhiều nhất, chiếm tới 88,8% tổng lượng ô-tô nhập khẩu. Đặc biệt, giá nhập khẩu trung bình ô-tô các loại hiện nay đều có xu hướng giảm, chỉ ở mức hơn 4.000 USD/xe.
Trong quý 3-2019, giá ô-tô nguyên chiếc các loại giảm 0,16% so với quý trước, bình quân 9 tháng năm nay, giảm 1,09% so với cùng kỳ năm trước. “Xe nhập khẩu nguyên chiếc hưởng thuế 0% về Việt Nam nhiều do quy định ô-tô nhập khẩu nguyên chiếc sẽ được sửa đổi thông thoáng hơn”, đại diện Tổng cục Hải quan nói.
Bên cạnh đó, tại thị trường trong nước, sản lượng sản xuất ô-tô trong nước tăng, cạnh tranh lớn với xe nhập khẩu về mẫu mã phong phú, giá cả hợp lý, đặc biệt ô-tô nhập khẩu từ Trung Quốc khiến cung lớn hơn cầu dẫn đến giá giảm.
Liên quan tới tình trạng ô-tô nhập khẩu ồ ạt tràn về với giá rẻ, trước đó, đại diện Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) cho biết: Nhập siêu ngành ô-tô năm 2019 dự kiến sẽ đạt mức kỷ lục với hơn 3,4 tỷ USD. Trong thời gian tới, kim ngạch nhập khẩu ô-tô sẽ tiếp tục tăng trong khi nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng cao. Nhập siêu tăng cao, sẽ ảnh hưởng đến cán cân thương mại và ngành sản xuất ô-tô trong nước.
Trước tình hình này, Cục Công nghiệp kiến nghị: Cần sớm ban hành các chính sách mới tập trung hỗ trợ để thúc đẩy nhanh công nghiệp ô-tô; đồng thời nghiên cứu sửa đổi áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng ô-tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống theo hướng không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với phần giá trị tạo ra trong nước với thời hạn của chính sách là từ 5 - 10 năm.
Tại buổi họp báo tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm của Tổng cục Thống kê diễn ra ngày 28-9, ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp (Tổng cục Thống kê) cũng đã chỉ ra 3 chủng loại mặt hàng đang tồn kho ở Việt Nam, đó là: xăng dầu, ô-tô và sắt thép, nhưng mức tồn kho không đáng lo ngại, chỉ mang tính kỹ thuật, tính thời điểm.
Cụ thể: Sản xuất ô-tô, xe máy có tỷ lệ tồn kho cao do thuế nhập khẩu ô-tô từ các nước ASEAN về Việt Nam đang giảm, nên có xu hướng đổ xô nhập khẩu ô-tô, xe máy. Mặc dù tại thị trường ô-tô trong nước có thêm hãng VinFast với quy mô lớn, tuy nhiên, công ty này mới sản xuất tháng 7-2019 và đang thăm dò thị trường.
“VinFast hoạt động sản xuất kinh doanh tốt sẽ có thị trường không chỉ trong nước mà còn xuất khẩu”, ông Phạm Đình Thúy nói. Lĩnh vực thứ hai tồn kho là sản xuất xăng dầu với tỷ lệ tồn kho tăng 55,7% so với năm trước, chủ yếu do sản xuất chưa khai thác được hiệu quả thị trường trong nước.
hất lượng xăng dầu trong nước không thua kém xăng dầu nhập khẩu, nhưng do chuỗi giá trị cung ứng chưa tốt, chưa tìm được tiếng nói chung giữa doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp cung ứng tiêu thụ, vì vậy, rất cần sự vào cuộc của Chính phủ để tháo gỡ nút thắt này.
Ngành thứ ba tồn kho cao là sản xuất kim loại, chủ yếu rơi vào Công ty Hưng nghiệp Formosa (Hà Tĩnh). Tuy nhiên, theo ông Thúy, mức tồn kho của công ty này mang tính kỹ thuật, công ty này sản xuất phôi thép, vừa bán vừa dùng để sản xuất công đoạn tiếp theo. Điều này hoàn toàn mang tính chiến lược và kỹ thuật.
TTXVN