"Khoảnh khắc Diệu kỳ" từ tấm thiệp Lovepop

.

Trong thời đại kỹ thuật số, Lovepop - một startup chuyên sản xuất thiệp bằng tay vẫn phát triển mạnh với doanh thu hằng năm lên đến hàng trăm tỷ đồng. Bài học thành công của Lovepop là tạo ra được những trải nghiệm cá nhân thú vị cho khách hàng, biến khách hàng thành một nhân tố quan trọng trong quá trình thiết kế - sản xuất.

Anh Wombi Rose, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Lovepop (Mỹ) trò chuyện với các bạn trẻ khởi nghiệp tại Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng.
Anh Wombi Rose, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Lovepop (Mỹ) trò chuyện với các bạn trẻ khởi nghiệp tại Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng.

Cuối tháng 8 vừa qua, anh Wombi Rose, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành Lovepop (Mỹ) đã có buổi trò chuyện với các bạn trẻ khởi nghiệp tại Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng. Lovepop hiện có nhà máy sản xuất duy nhất tại Khu công nghiệp Hòa Khánh với hơn 500 nhân sự, công suất lên đến 30.000 chiếc thiệp/ngày.

Lovepop bắt đầu thành hình từ đầu năm 2014. Thời điểm đó, anh Wombi Rose và người bạn thân của mình là anh John Wise đang theo học ngành kỹ sư tàu thủy tại Trường Đại học Havard (Mỹ). Trong một chuyến đi do trường tổ chức sang Việt Nam, hai anh bắt gặp những tấm thiệp nổi 3D bày bán trên các con phố ở TP. Hồ Chí Minh, để rồi ý tưởng kinh doanh lóe lên từ đó. Với nền tảng kỹ thuật của mình, hai anh kết hợp nghệ thuật cắt giấy kirigami với cấu trúc lát cắt trong thiết kế tàu thủy để tạo ra những tấm thiệp nổi Lovepop làm bằng tay độc đáo.

Thời gian đầu, anh Wombi và anh John tự làm những tấm thiệp nổi, ngày ngày đi bán trong trường và trên những con phố Mỹ. Sản phẩm được nhiều người yêu thích, Lovepop bắt đầu mở cửa hàng trực tuyến, xây dựng đội ngũ thiết kế và sản xuất. Lúc này, Wombi và John kết nối với chàng thanh niên Hà Trịnh Quốc Bảo (sinh năm 1992, quê Đà Nẵng) đang học và làm trong lĩnh vực thiết kế ở TP. Hồ Chí Minh. Biết được ý tưởng của Lovepop, Bảo quyết định về quê, lập ra xưởng sản xuất thiệp đầu tiên trong căn phòng trọ 40m2 chỉ với vỏn vẹn 10 nhân công. Sau hơn 4 năm, căn xưởng nhỏ của Lovepop đã biến thành một nhà xưởng gần 1ha ở Khu công nghiệp Hòa Khánh. Trong khi đó ở Mỹ, Lovepop cũng trở thành tên tuổi lớn trong ngành thiệp, gọi vốn thành công qua chương trình Shark Tank, có mặt ở hơn 2.500 cửa hàng trên khắp nước Mỹ và đã có được hơn 1 triệu khách hàng.

Anh Wombi cho biết, phương châm của Lovepop là “Make every occcassion magical” (tạm dịch: “Biến mọi dịp trở nên kỳ diệu”). Anh nói: “Khoảnh khắc Diệu kỳ chính là một đơn vị đo được sử dụng tại Lovepop. Mỗi tấm thiệp được tính là hai khoảnh khắc Diệu kỳ: lúc người tặng mua thiệp và lúc người nhận mở thiệp”. Để làm được điều đó, Lovepop phải rất chú trọng và đặc biệt đầu tư vào trải nghiệm của người mua bởi đó mới chính là điều khiến họ bỏ tiền ra, chứ không đơn thuần chỉ là một chiếc thiệp bằng giấy.

Một điểm mạnh của Lovepop là có thể cung cấp thiệp cho mọi dịp. Với mỗi tấm thiệp, Lovepop đầu tư không chỉ về thiết kế mà còn cả nội dung để tạo bất ngờ và cá tính riêng. Ví dụ, Lovepop có những tấm thiệp dành tặng cho... sếp, bên ngoài đề: “Mặc dù đây có thể là một tấm thiệp thật “sến” dành cho sếp, nhưng tôi vẫn….”, phần tiếp theo để người mua thiệp tự điền. “Chính những điểm này khiến nhiều khách hàng nghĩ đến Lovepop mỗi khi cần tặng thiệp cho ai đó”, anh Wombi nói.

Anh Wombi nói: “Với sự phát triển của mạng xã hội ngày nay, khi cần tìm hiểu về khách hàng, tôi sẽ đưa câu hỏi lên Twitter và nhận câu trả lời chỉ trong vài phút, thậm chí vài giây. Ở Lovepop, chúng tôi có một đội ngũ chuyên trách “niềm vui của khách” và đầu tư nhiều vào đó để bảo đảm rằng, Lovepop luôn có thể đối thoại “1-1” với từng khách hàng của mình, bất kể chúng tôi có mở rộng quy mô đến mức nào chăng nữa. Thay vì quảng cáo trên ti-vi, chúng tôi phát sóng trực tiếp trên mạng xã hội để nhận được phản hồi từ khách hàng và trả lời câu hỏi của họ. Nhờ đó, chúng tôi có thể giúp họ chọn tấm thiệp hoàn hảo cho sinh nhật lần thứ 5 của con gái họ chẳng hạn”.

Theo Marketscreener, NPS (chỉ số đo lường sự hài lòng và mức độ khách hàng sẵn sàng tiếp tục sử dụng sản phẩm, dịch vụ và giới thiệu cho người khác) của Lovepop đạt mức 87/100, được xếp vào hàng “đẳng cấp”. Thời gian tới, Lovepop sẽ mở rộng đội ngũ thiết kế tại Đà Nẵng, trong đó tập trung tuyển dụng các nhân sự địa phương, biến nơi đây thành một “design hub” (tạm dịch: “điểm đến thiết kế”) chứ không chỉ là nơi sản xuất.

Bài và ảnh: KHANG NINH
 

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.