Thời gian qua, khu vực Âu thuyền, Cảng cá Thọ Quang và Khu công nghiệp dịch vụ thủy sản Đà Nẵng (quận Sơn Trà) thường xuyên phát tán mùi hôi ra các khu vực dân cư kế cận làm người dân bức xúc. Để giảm thiểu tình trạng này, các sở, ngành và đơn vị chức năng của thành phố đang tăng cường kiểm soát việc xả thải gây mùi hôi phát sinh từ các hoạt động vận chuyển, chế biến thủy sản.
Nhà máy thu gom và xử lý phế liệu thủy sản được xây dựng nằm ngoài ranh giới Khu công nghiệp dịch vụ thủy sản Thọ Quang và cử tri phản ánh là gây mùi hôi. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Theo Ban quản lý Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang, khu vực Âu thuyền, Cảng cá Thọ Quang và Khu công nghiệp dịch vụ thủy sản Đà Nẵng thường hay phát sinh mùi hôi mỗi khi trời mưa do nước mưa lẫn nước thải từ các cửa xả chảy vào âu thuyền. Thủy sản bị hư hỏng do bốc dỡ và tiêu thụ không kịp thời cũng sẽ gây ra mùi hôi. Các phương tiện vận chuyển thủy sản làm đổ, chảy nước rỉ xuống mặt đường, sân bãi phát sinh mùi hôi khi trời nắng nóng…
Có nhiều mùi hôi phát sinh từ các nhà máy, doanh nghiệp chế biến thủy sản, trong đó, cử tri quận Sơn Trà còn nêu rõ đích danh một số doanh nghiệp như: Hải Thanh, Bắc Đẩu… Đặc biệt, việc cấp phép cho Công ty CP Châu Đô xây dựng nhà máy thu gom và xử lý phế liệu thủy sản ở đường Vân Đồn lại nằm ngoài ranh giới của Khu công nghiệp dịch vụ thủy sản Thọ Quang và là cơ sở được cử tri quận Sơn Trà phản ánh là gây mùi hôi.
Đại tá Trần Thành Nhơn, Trưởng phòng Cảnh sát Môi trường Công an Đà Nẵng cho rằng: “Theo quy định của UBND thành phố, những cơ sở được phép sản xuất trong các khu dân cư là không gây ồn, không gây mùi hôi… và phải được cấp phép mới được sản xuất.
Nhưng không hiểu vì sao Công ty CP Châu Đô lại được xây dựng nhà máy thu gom và xử lý phế liệu thủy sản ở đường Vân Đồn, nằm ngoài ranh giới của khu công nghiệp. Cấp nào đánh giá tác động môi trường hoặc xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường? Cơ sở này không thể nói là không có mùi hôi được vì thu gom phế phẩm của tôm, cá hôi thối về rồi sấy bằng than tổ ong. Vì vậy, cần thiết phải kiểm tra Công ty CP Châu Đô về việc đầu tư xây dựng nhà máy ở khu dân cư. Nếu kết quả kiểm tra mà doanh nghiệp thực hiện không đúng theo quy định của thành phố thì phải bố trí đất ở khu công nghiệp để di dời nhà máy”.
Theo Chi cục Bảo vệ môi trường thành phố, qua kiểm tra thực tế ở các doanh nghiệp, không khó cảm nhận mùi hôi từ khâu nhập nguyên liệu. Trong khi đó, các loại phế liệu và bao bì chứa phế liệu chuẩn bị cho buôn bán thứ cấp không được xử lý tốt hoặc tập kết ngoài khuôn viên doanh nghiệp gây mùi rất hôi như: cá vụn, nội tạng, mai mực, vảy, đầu cá, vỏ và đầu tôm.
Bùn thải của hệ thống xử lý nước thải được các doanh nghiệp ép xong thì để thấm nước, bao chứa không kín, tập kết bên ngoài nhà xưởng hoặc đem để trên vỉa hè để vận chuyển đi, gây mùi hôi. Thỉnh thoảng, khi hệ thống xử lý nước thải cục bộ của doanh nghiệp bị sự cố hoặc không vận hành đúng quy trình đối với hệ thống xử lý nước thải cũng gây mùi hôi...
Tình trạng tập kết rác thải, trong đó có phế thải thủy sản bừa bãi bên đường Vân Đồn gây mùi hôi thối. (Ảnh chụp lúc 9 giờ ngày 4-9-2019 tại đường Vân Đồn) |
Ông Nguyễn Trọng Cường, Phó Giám đốc Công ty Phát triển và Khai thác hạ tầng khu công nghiệp Đà Nẵng (Daizico) cho hay, đơn vị thường xuyên giám sát mùi hôi từ các doanh nghiệp ở Khu công nghiệp dịch vụ thủy sản Đà Nẵng, nhưng rất khó khăn.
Tại những nơi người dân phản ánh nhiều về mùi hôi phát sinh, Daizico đã cử 8 người túc trực giám sát môi trường liên tục, thường xuyên kiểm tra đồng hồ đo lưu lượng nước thải về Trạm xử lý nước thải Sơn Trà và nhắc nhở, kiểm tra, lấy mẫu nước thải khi có dấu hiệu bất thường… “Chúng tôi cam đoan là sẽ kiểm soát chặt chẽ việc xả thải của các doanh nghiệp, bảo đảm không để xảy ra tình trạng xả lén, gây ra các sự cố về môi trường”, ông Nguyễn Trọng Cường khẳng định.
Đại tá Trần Thành Nhơn cũng cho hay, Phòng Cảnh sát Môi trường sẽ thường xuyên phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an quận Sơn Trà, Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Sơn Trà kiểm tra xả thải của các doanh nghiệp Hải Thanh, Bắc Đẩu, Thuận Phước, Châu Đô…
Đồng thời, tăng cường xử lý quyết liệt các xe tải đông lạnh vận chuyển thủy sản nhưng để nước rỉ chảy xuống mặt đường gây mùi hôi thối. Ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thì cho rằng, vấn đề xác định vị trí phát sinh mùi hôi ở khu vực Âu thuyền, Cảng cá Thọ Quang và Khu công nghiệp dịch vụ thủy sản Đà Nẵng là rất khó và cũng không có máy móc nào có thể đưa đến để đo đạc, quan trắc về mùi hôi cũng như chất lượng mùi. Sở đã đề nghị các đơn vị chức năng thực hiện giám sát chặt chẽ việc xả thải và mùi hôi của các doanh nghiệp, phương tiện trong khu vực.
Ông Huỳnh Văn Phương, Trưởng Ban quản lý Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang cho biết, trong dự án nâng cấp, mở rộng Cảng cá Thọ Quang có các hạng mục đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải mới, công nghệ hiện đại và hệ thống cống thoát nước mưa sẽ được tách riêng nước thải... Do đó, cần sớm triển khai dự án đầu tư nâng cấp, cải tạo cảng cá nhằm tạo ra cơ sở hạ tầng đồng bộ. Cạnh đó, cần có một số cơ chế, chính sách mới như: sắp xếp, bố trí tàu thuyền cập cảng theo hướng ưu tiên tàu đánh bắt xa bờ, các tàu chấp hành tốt các quy định về quản lý, bảo vệ môi trường, an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy; bổ sung quy định không cho bốc dỡ, chuyển tiếp sản phẩm hải sản hôi thối, chất lượng kém; quy định rõ trách nhiệm của các đơn vị chức năng trong phối hợp thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm... “Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp, hợp tác với các đơn vị chuyên ngành để nghiên cứu, triển khai các đề án khả thi xử lý ô nhiễm môi trường tại khu vực Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang. Cạnh đó, đẩy mạnh việc tiếp nhận, ứng dụng các công nghệ, giải pháp kỹ thuật về xử lý ô nhiễm, nhất là xử lý mùi hôi. Đồng thời, đề nghị sớm nạo vét bùn đáy âu thuyền nhằm giảm thiểu mùi hôi”, ông Phương kiến nghị. |
Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP