Chiều 16-9, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh đồng chủ trì hội nghị trao đổi, xử lý một số biện pháp giảm thiểu các tác động khi khơi thông sông Cổ Cò, nhất là giải pháp chống xâm nhập mặn.
Đặc biệt, cả 2 địa phương đã thống nhất tổng rà soát các dự án đầu tư xây dựng hai bên bờ sông để có những điều chỉnh, bảo đảm cho tuyến dọc sông Cổ Cò đồng bộ về hạ tầng, kiến trúc, cảnh quan và có giá trị văn hóa. Thời gian qua, tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng đã thống nhất phương án nạo vét, khơi thông dòng sông này để phát triển kinh tế-xã hội.
Tuy nhiên, vào ngày 6-9-2019, khi Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức thẩm định hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án Nạo vét, thoát lũ khẩn cấp và chống xâm nhập mặn sông Cổ Cò, nảy sinh những lo ngại xâm nhập mặn ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và tác động đến nguồn cấp nước cho Nhà máy nước Cầu Đỏ khi tháo dỡ đập ngăn mặn Hà My cùng các đập khác và nạo vét để khơi thông dòng chảy sông Cổ Cò.
Phó Chủ tịch Lê Trí Thanh cho hay, tỉnh Quảng Nam đang tổng rà soát tất cả các dự án đầu tư xây dựng ở dọc 19,7km sông Cổ Cò, để điều chỉnh lại dự án hoặc tăng thêm các công trình, tiện ích công cộng khác, để sau này, toàn tuyến dọc sông Cổ Cò không những được khớp nối đồng bộ mà còn có giá trị văn hóa.
Phó Chủ tịch Lê Trí Thanh đề nghị UBND thành phố Đà Nẵng tiến hành rà soát tổng thể các dự án hai bên bờ sông Cổ Cò để đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn của tuyến sông cấp 4. Đặc biệt, Sở Giao thông Vận tải của 2 địa phương cần nghiên cứu về sự khống chế mật độ giao thông, kích thước kỹ thuật của thuyền lưu thông trên tuyến sông này vì mặt nước sông tĩnh lặng, lòng sông nhỏ…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh giao Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh phải làm việc lại với đơn vị tư vấn để xem lại các số liệu đầu vào, phương pháp tính toán và kiểm chứng bằng mô hình tính toán khác. Đồng thời, liên hệ với đơn vị tư vấn khác để chạy các phần mềm mô phỏng và có đánh giá đúng về tình trạng xâm nhập mặn khi hoàn thành khơi thông sông Cổ Cò, từ đó, có giải pháp tổng thể để gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án. Đồng thời, đề nghị UBND thành phố Đà Nẵng có biện pháp căn cơ, lâu dài đối với tình trạng xâm nhập mặn tại sông Cầu Đỏ, trong đó có giải quyết với tình trạng nhiễm mặn nếu có xảy ra khi hoàn thành khơi thông sông Cổ Cò.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh hoan nghênh tỉnh Quảng Nam đã có những hỗ trợ, giúp đỡ việc đắp đập tại cửa sông Quảng Huế và đang phối hợp đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường điều chỉnh Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn nhằm giải quyết tình trạng xâm nhập mặn tại sông Cầu Đỏ.
Đồng thời, nhấn mạnh, dự án Nạo vét, thoát lũ khẩn cấp và chống xâm nhập mặn sông Cổ Cò là dự án có ý nghĩa lớn trong phát triển kinh tế-xã hội của 2 địa phương, được 2 địa phương nỗ lực triển khai. Thành phố Đà Nẵng sẽ phối hợp chặt chẽ với tỉnh Quảng Nam sớm tháo gỡ các vướng mắc và cũng sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa cho tỉnh Quảng Nam trong việc phối hợp nạo vét, khơi thông sông Cổ Cò. Phó Chủ tịch Lê Trung Chinh đề nghị đơn vị tư vấn nghiên cứu, tính toán, đánh giá lại những tác động của tình trạng xâm nhập mặn khi khơi thông sông Cổ Cò.
Đồng thời giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng và Sở Giao thông vận tải thành phố nghiên cứu, phối hợp với các sở, ngành của tỉnh Quảng Nam triển khai các ý kiến của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh, đặc biệt là tổng rà soát các dự án đầu tư xây dựng hai bên sông Cổ Cò thuộc địa phận thành phố Đà Nẵng để bảo đảm phù hợp về mặt kiến trúc, cảnh quan hai bên bờ sông.
HOÀNG HIỆP