ĐNO – Sáng 19-10, tại Đà Nẵng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) phối hợp tổ chức hội thảo về giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam nhằm phát triển bền vững kinh tế biển gắn với tăng trưởng xanh.
Việc phát triển du lịch biển cần quan tâm công tác bảo tồn, giữ gìn môi trường biển. |
Theo lãnh đạo Tổng cục Thủy sản, biển Việt Nam nằm trong vùng có tính đa dạng sinh học khá cao, với hơn 11.000 loài sinh vật được phát hiện. Tính đa dạng về cảnh quan tự nhiên và nguồn lợi thủy sản là thế mạnh của Việt Nam trong phát triển ngành kinh tế biển nói chung và kinh tế thủy sản nói riêng. Năm 2018, tổng sản lượng thủy sản nước ta đạt khoảng 7,74 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành đạt 9 tỷ USD, góp phần quan trọng đối với kinh tế của đất nước.
Tuy nhiên, ngành thủy sản Việt Nam cũng đang đối mặt với rất nhiều thách thức từ sức ép kinh tế như: phát triển du lịch biển, tình trạng khai thác thủy sản bất hợp pháp vẫn còn diễn ra, sử dụng chất nổ, xung điện, hóa chất cấm, chất độc, ngư cụ cấm để khai thác thủy sản, tình trạng ô nhiễm môi trường biển… đã trực tiếp hoặc gián tiếp làm suy giảm nhanh nguồn lợi thủy sản tự nhiên và suy thoái các hệ sinh thái biển.
Để đạt được những kết quả tốt trong thiết lập, quản lý hệ thống khu bảo tồn biển thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các đơn vị liên quan triển khai thực hiện Luật Thủy sản 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành luật này, đặc biệt là các nội dung liên quan đến quản lý khu bảo tồn biển; ưu tiên bố trí nguồn lực cho các khu bảo tồn biển hoạt động; bố trí lực lượng kiểm tra tại các khu bảo tồn biển để thực hiện tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm; tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm tại các khu bảo tồn biển; xử lý nghiêm các hành vi sử dụng xung điện, chất nổ, hóa chất cấm, chất độc, nghề, ngư cụ cấm sử dụng khai thác hải sản...
Ông Jacob Brunner, Giám đốc điều hành IUCN khu vực Đông Nam Á cho hay, sau gần 10 năm triển khai thực hiện chủ trương Chính phủ về thiết lập mạng lưới 16 khu bảo tồn biển nhằm bảo vệ các hệ sinh thái biển và nguồn lợi thủy sản, song, đa số các khu bảo tồn biển ở Việt Nam vẫn chưa hoạt động hiệu quả, chỉ có 2/10 khu bảo tồn có Ban quản lý hoạt động hiệu quả. “Các khu bảo tồn biển ở Việt Nam chỉ có 1% diện tích được bảo vệ nghiêm ngặt, trong khi đó, quy định trên thế giới phải là phải có 30% diện tích”, ông Jacob Brunner nói.
Các ý kiến tại hội thảo cho rằng, phải có sự phát hiển hài hòa giữa kinh tế và bảo tồn biển, kiểm soát tình trạng khai thác nguồn lợi quá mức; tính đến sức tải của các hệ sinh thái du lịch; thiết lập các vùng không khai thác sử dụng trong các khu bảo tồn biển nhằm duy trì và bảo tồn các loài quý hiếm, duy trì tài nguyên cho khai thác thủy sản bền vững và hoạt động du lịch địa phương; cần có cơ chế và biện pháp thực thi để doanh nghiệp và cộng đồng đồng quản lý và sử dụng tài nguyên...
Tin và ảnh: HOÀNG HIỆP