Phát triển du lịch là thế mạnh của nhiều quận, huyện trên địa bàn thành phố, song việc phát huy thế mạnh này như thế nào vẫn là bài toán khó; nhất là việc xây dựng sản phẩm du lịch, thực hiện công tác ủy quyền và cơ chế phối hợp phân công nhiệm vụ quản lý du lịch.
Các sở ngành và địa phương cùng phối hợp trong việc quản lý, xây dựng sản phẩm du lịch sẽ mang lại hiệu quả lâu dài. Trong ảnh: Du khách tham quan tại chùa Linh Ứng, bán đảo Sơn Trà. |
Là một trong những địa phương có nhiều cơ sở lưu trú và thu hút đông đảo khách du lịch, quận Sơn Trà rất quan tâm đến việc xây dựng môi trường du lịch cũng như các sản phẩm dành cho du khách.
Theo ông Nguyễn Đắc Xứng, Phó Chủ tịch UBND quận, địa phương đã tổ chức gặp mặt, đối thoại với các cơ sở dịch vụ ăn uống, dịch vụ lưu trú, trao đổi các vấn đề về nâng cao chất lượng dịch vụ, xây dựng môi trường du lịch an toàn, thân thiện, bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm; tổ chức tập huấn cho các cơ sở lưu trú được ủy quyền, tuyên truyền về văn minh thương mại, văn minh du lịch, bộ quy tắc ứng xử du lịch cho các cơ sở lưu trú, nhà hàng trên địa bàn quận; thành lập Tổ hỗ trợ du khách để kịp thời giúp đỡ khách khi cần…
Quận Sơn Trà cũng đang tiếp tục vận động, hỗ trợ các đơn vị tham gia đề án “Xây dựng sản phẩm phục vụ du lịch quận Sơn Trà”; tham gia chương trình phát triển sản phẩm lưu niệm thành phố Đà Nẵng…
Quận Hải Châu cũng quan tâm đến môi trường du lịch, Đội Kiểm tra quy tắc đô thị quận thành lập thêm “Tổ trật tự du lịch” với nhiệm vụ bảo đảm trật tự khách du lịch và chống đeo bám, chèo kéo khách, nhất là đối với khách du lịch tàu biển. Trong 8 tháng đầu năm, Tổ đã phối hợp hỗ trợ bảo đảm trật tự an toàn khi tham gia đón 45 chuyến tàu du lịch biển với hơn 85.000 lượt khách cũng như khi thành phố có các sự kiện lớn…
Có lợi thế sở hữu Di tích quốc gia đặc biệt Danh thắng Ngũ Hành Sơn và bãi biển đẹp, quận Ngũ Hành Sơn cũng là nơi thu hút đông khách du lịch. Toàn quận hiện có 70 khách sạn từ 2 sao đến 5 sao với 45.335 phòng, 73 khách sạn 1 sao và tương đương…
Ông Nguyễn Hòa, Phó Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn cho rằng, địa phương luôn nỗ lực để cố gắng bảo đảm điểm đến an toàn đối với du khách. Đơn cử như, tổ chức gặp mặt, đối thoại với các đối tượng chèo kéo khách du lịch, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng để có hướng giải quyết và vận động hạn chế dần và từ bỏ hành vi chèo khách khách tại khu vực danh thắng; duy trì nhiều biện pháp như tuần tra, kiểm soát lưu động… để phòng chống các biểu hiện bu bám, chèo kéo khách… Song, ông Nguyễn Hòa cũng nhìn nhận, quận Ngũ Hành Sơn có nhiều lợi thế về sông, biển nhưng vẫn chưa được khai thác một cách bài bản, hiệu quả.
Trong khi đó, huyện Hòa Vang và các quận Thanh Khê, Cẩm Lệ, Liên Chiểu… đều có những lợi thế cũng như khó khăn riêng để phát triển du lịch. Tuy nhiên, điểm chung dễ thấy nhất tại các địa phương là thiếu về cán bộ chuyên trách, phụ trách công tác ủy quyền về công tác quản lý Nhà nước đối với cơ sở du lịch. Những cán bộ này đa số là kiêm nhiệm, nhiều người chưa có kinh nghiệm cũng như chưa qua đào tạo về du lịch, còn hạn chế về ngoại ngữ…
Các giải pháp phối hợp về quản lý sẽ giúp mang lại môi trường du lịch an toàn, thân thiện dành cho du khách. Trong ảnh: Du khách tham quan Di tích quốc gia đặc biệt danh thắng Ngũ Hành Sơn. |
Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang Bùi Nam Dũng cho rằng, việc quản lý Nhà nước đối với các khu, điểm du lịch cần sự phối hợp đồng bộ của nhiều ngành, lĩnh vực. Tuy nhiên, đến nay thành phố vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể nên địa phương thực hiện còn lúng túng. Hay việc trao đổi, liên hệ thông tin với các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn gặp nhiều khó khăn do tính phối hợp thiếu chặt chẽ, doanh nghiệp không nhiệt tình hợp tác…
Tại địa bàn các quận Cẩm Lệ, Thanh Khê, do bị hạn chế về tài nguyên để phát triển du lịch, các địa phương này mong muốn ngành du lịch thành phố hỗ trợ trong việc triển khai các nhiệm vụ được phân cấp ủy quyền quản lý Nhà nước đối với các cơ sở lưu trú; hỗ trợ địa phương xây dựng các sản phẩm du lịch dựa vào lợi thế đường sông hoặc lợi thế làng nghề, lễ hội… sẵn có trên địa bàn.
Giám đốc Sở Du lịch thành phố Trương Thị Hồng Hạnh cho rằng, mỗi địa phương đều có những thế mạnh riêng, vì vậy, cần có những giải pháp phù hợp. Trước mắt, ngành du lịch thành phố đã có những buổi làm việc cụ thể với các địa phương để nắm bắt những khó khăn, vướng mắc, từ đó cùng phối hợp, tìm kiếm những giải pháp phù hợp với thế mạnh của mỗi địa phương. Ví dụ như mô hình Tổ hỗ trợ du khách của quận Sơn Trà, Tổ trật tự du lịch của quận Hải Châu đang thực hiện rất tốt nhiệm vụ hỗ trợ cho du khách thì các địa phương khác có thể nghiên cứu, tìm hiểu để có được phương án phù hợp với đặc thù của địa phương mình.
Trong thời gian tới, Sở Du lịch cũng đề nghị UBND các quận, huyện tiếp tục tăng cường thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, chống chèo kéo khách trên địa bàn quận, tại các điểm đông khách du lịch… Ngoài ra, các địa phương cũng cần quan tâm hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch bảo đảm các điều kiện tối thiểu theo quy định của Luật Du lịch; kiểm tra các công trình xây dựng cơ sở lưu trú du lịch bảo đảm đúng với giấy phép xây dựng được cấp về số lượng phòng, diện tích đậu đỗ xe; tổ chức phát động triển khai mạnh mẽ mô hình “Thoải mái như ở nhà” tại các cơ sở dịch vụ dọc các tuyến đường tập trung đông du khách…
Hiện Sở Du lịch cũng hỗ trợ các địa phương trong việc tư vấn phát triển các sản phẩm du lịch mới; quảng bá các sản phẩm du lịch sẵn có; hỗ trợ các cơ sở ăn uống phục vụ du lịch trên địa bàn được tập huấn về nghiệp vụ du lịch, kỹ năng phục vụ và chăm sóc khách hàng; chia sẻ và tổ chức tập huấn bộ tiêu chí chuẩn chuyên nghiệp trong phục vụ kinh doanh lưu trú du lịch.
Bài và ảnh: NHẬT HẠ