Tính đến hết ngày 31-3-2020, tổng giá trị giải ngân vốn đầu tư công quý 1-2020 đạt gần 1.100 tỷ đồng, đạt 9% kế hoạch, cao hơn rất nhiều so với cùng kỳ các năm (tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2019; gấp 3,7 lần so với cùng kỳ năm 2018 và gấp 2,8 lần so với cùng kỳ năm 2017).
Dự án cụm nút giao thông phía tây cầu Trần Thị Lý, một trong những dự án đầu tư công được triển khai trong quý 1-2020. Ảnh: PHƯƠNG UYÊN |
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong quý 1-2020, một số dự án lớn đã khởi công, góp phần nâng cao tỷ lệ giải ngân như: dự án Đường và cầu qua sông Cổ Cò và đường vành đai phía tây 2 thuộc dự án Cải thiện hạ tầng giao thông thành phố Đà Nẵng - OFID; dự án Cải thiện môi trường nước phía đông quận Sơn Trà; dự án Nhà máy nước Hòa Liên; dự án Cải tạo cụm nút giao thông phía tây cầu Trần Thị Lý.
Năm 2020, thành phố Đà Nẵng dành khoảng 14.000 tỷ đồng cho các dự án đầu tư công. Như vậy, với kết quả đạt được của quý 1-2020 là 1.100 tỷ đồng, toàn thành phố còn đến 12.900 tỷ đồng vốn đầu tư công cho 3 quý còn lại trong năm. Đây là một con số lớn đòi hỏi sự vào cuộc khẩn trương của các cấp, ngành, nhất là trong thời điểm nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do Covid-19.
Thực tế cho thấy, để đạt được kết quả giải ngân như trong thời gian qua là sự cố gắng lớn và quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố, các cấp lãnh đạo và việc triển khai thực hiện của các ngành, các chủ đầu tư, đơn vị... Cụ thể, ngay từ cuối năm 2019, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 5999/QĐ-UBND về một số nhiệm vụ, giải pháp tập trung chỉ đạo, điều hành nhằm hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng GRDP và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020.
Đầu năm 2020, UBND thành phố đã ban hành Công văn số 1690/UBND-SKHĐT về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020; trong đó yêu cầu các sở, ban, ngành, các chủ đầu tư, đơn vị quản lý dự án, UBND các quận, huyện và các đơn vị có liên quan quyết liệt triển khai thực hiện việc giải ngân vốn đầu tư công.
Theo bà Đinh Thị Bích Liễu, Trưởng phòng Kinh tế ngành, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), đặc điểm của chi đầu tư đòi hỏi phải có quá trình thực hiện và tích lũy giá trị khối lượng hoàn thành mới có thể thực hiện các thủ tục để giải ngân.
Đồng thời, các đơn vị phải triển khai hoàn thành các thủ tục đối với các công trình mới như: hồ sơ thủ tục phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và dự toán; công tác lựa chọn nhà thầu và khởi công công trình, nên mới được tạm ứng và phải có khối lượng để giải ngân...
Do vậy, để hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công những tháng còn lại của năm 2020 là một khối lượng công việc vô cùng lớn, đòi hỏi sự cố gắng, chung tay của các cấp, ngành, nhà đầu tư và cả nhân dân trong khu vực dự án.
Hiện nay, vẫn tồn tại tình trạng việc triển khai các thủ tục đầu tư như: phê duyệt bổ sung, điều chỉnh thiết kế dự toán; điều chỉnh giá hợp đồng... còn nhiều vướng mắc, và chưa được thực hiện kịp thời. Bên cạnh đó, các Ban Quản lý dự án (BQLDA) không lường hết các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai lập dự án, nên phải điều chỉnh, bổ sung một số hạng mục cho phù hợp với thực tế; một số dự án liên quan đến quy hoạch hoặc phải điều chỉnh quy hoạch cần lấy ý kiến của các cơ quan hoặc của cộng đồng dân cư; năng lực một số đơn vị tư vấn thiết kế, chủ đầu tư, đơn vị quản lý dự án và nhà thầu thi công còn hạn chế.
Ông Lê Văn Lâm, Giám đốc BQLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng cho biết, trước những khó khăn chung mà các chủ đầu tư thường gặp trong quá trình làm thủ tục giải ngân vốn đầu tư công, thường BQLDA sẽ lên kế hoạch chi tiết, đôn đốc nhà thầu tăng cường nhân lực, máy móc, thiết bị… tổ chức tăng ca để đẩy nhanh tiến độ thi công công trình; đồng thời khẩn trương hoàn thiện các hồ sơ thủ tục lựa chọn nhà thầu để khởi công các công trình.
Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà thầu trong việc hoàn thiện hồ sơ quyết toán, hồ sơ nghiệm thu khối lượng hoàn thành để kịp thời tạm ứng, thanh toán khối lượng hoàn thành cho các nhà thầu.
Cũng theo Sở KH&ĐT, để đẩy mạnh công tác giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian tới, các chủ đầu tư đang khẩn trương thực hiện thủ tục đấu thầu, lựa chọn nhà thầu thi công để tiếp tục khởi công các dự án, nhất là các dự án động lực, trọng điểm như: dự án Nâng cấp, cải tạo đường ĐT601; Tuyến đường trục I Tây Bắc (đoạn từ Hồ Tùng Mậu đến quốc lộ 1A); Trung tâm Phẫu thuật thần kinh, chấn thương và bỏng tạo hình Bệnh viện Đà Nẵng (phần khối nhà trung tâm và hạ tầng kỹ thuật quanh nhà); Trung tâm Ghép tạng và cấy ghép tế bào gốc; Trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng (giai đoạn 1); Nâng cấp, cải tạo một số hạng mục tại bãi rác Khánh Sơn; Đầu tư trang thiết bị, nâng cấp cải tạo điểm tập kết, phục vụ phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; Lối xuống biển phía nam dự án Future Property Invest…
Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thời gian qua, thành phố tập trung giải ngân vốn đầu tư công. TRONG ẢNH: Thi công dự án đường vành đai phía tây 2. Ảnh: PHƯƠNG UYÊN |
Đồng thời, các chủ đầu tư đang thực hiện các thủ tục lựa chọn nhà thầu tư vấn, trình thẩm định và phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công, dự toán, tiến đến thủ tục đấu thầu, lựa chọn nhà thầu và khởi công theo quy định gồm:
Khơi thông sông Cổ Cò, nạo vét lòng sông, kè gia cố dọc sông, cải tạo cảnh quan các tuyến đường ven sông, nâng cấp cầu Biện; Xử lý ngập úng khu vực lân cận hạ lưu tuyến cống Khe Cạn - ngã ba Huế; Trung tâm Y tế quận Cẩm Lệ (giai đoạn 1); Trung tâm Y tế quận Sơn Trà (giai đoạn 1); Xây mới Trường THCS Trưng Vương; Đầu tư các trạm quan trắc môi trường tự động trên địa bàn thành phố; Nâng cấp, cải tạo hệ thống xử lý nước rỉ rác tại bãi rác Khánh Sơn - giai đoạn 2; Dự án Trung tâm Công nghệ sinh học kết hợp cơ sở nuôi cấy mô tế bào thực vật (giai đoạn 2)…
Ngoài ra, Hội đồng giải phóng mặt bằng các quận, huyện cũng đang tập trung đẩy nhanh tiến độ đền bù giải tỏa, phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư, đơn vị quản lý để có kế hoạch đền bù, giải tỏa bàn giao mặt bằng phù hợp với tiến độ thi công của nhà thầu.
TS. Phan Quảng Thống, Phó Giám đốc phụ trách Kho bạc Nhà nước (KBNN) thành phố nhìn nhận, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn năm 2020, UBND thành phố đã có nhiều văn bản chỉ đạo các đơn vị, trong đó quy định cụ thể các mốc thời gian từ khâu quy hoạch đến hoàn thành, bàn giao công trình đưa vào sử dụng các công trình trọng điểm, động lực; giao nhiệm vụ cho các đơn vị, quy định cụ thể tỷ lệ giải ngân, đấu thầu, chế tài xử lý đối với các đơn vị không hoàn thành kế hoạch...
Với chức năng, nhiệm vụ được giao, KBNN Đà Nẵng đã thực hiện tốt công tác đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư. Do đó, dự kiến trong thời gian đến, tỷ lệ giải ngân của thành phố sẽ tiếp tục tăng cao, bảo đảm tiến độ theo chỉ đạo của thành phố.
Vấn đề giải phóng mặt bằng còn gặp khó khăn Nhìn chung, một số khó khăn vướng mắc thường thấy hiện nay là do công tác giải phóng mặt bằng chậm tại các địa phương. Bên cạnh đó, năng lực nhà thầu, đơn vị thi công, tư vấn, thiết kế yếu, phải điều chỉnh nhiều lần. Việc điều chỉnh hồ sơ thiết kế cũng như bổ sung đầu tư một số hạng mục cũng ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình giải ngân. Do vậy, để công tác giải ngân đầu tư công đạt tiến độ, UBND các quận, huyện tập trung xử lý các vướng mắc trong công tác giải tỏa đền bù, chủ động rà soát, tổng hợp, đề xuất UBND thành phố xử lý đối với những vấn đề vượt thẩm quyền trên cơ sở hồ sơ pháp lý đã có. Các ban quản lý dự án xây dựng kế hoạch tiến độ giải ngân song hành với tiến độ thi công, bảo đảm hồ sơ thanh quyết toán ngay khi nghiệm thu hoàn thành. Cần bám sát dự án, đôn đốc nhà thầu tập trung đẩy nhanh thực hiện dự án theo hướng có mặt bằng tới đâu thì thi công đến đó, bảo đảm tiến độ hoàn thành từng hạng mục; kiên quyết thay thế nhà thầu có năng lực yếu mới có thể thực hiện dự án theo tiến độ đề ra. |
PHƯƠNG UYÊN - TRẦN VĂN LỊCH