Hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp đang từng bước phục hồi sau giai đoạn nới lỏng giãn cách xã hội do Covid-19. Tuy vậy, các doanh nghiệp tại Đà Nẵng vẫn thận trọng để vừa tái khởi động, vừa bảo đảm an toàn chống dịch.
Nhiều doanh nghiệp từng bước phục hồi sản xuất sau thời gian nới lỏng giãn cách xã hội. TRONG ẢNH: Công nhân Công ty TNHH Tokyo Keiki Precision Technology (Khu Công nghệ cao) tiếp tục duy trì các biện pháp an toàn chống dịch trong sản xuất. Ảnh: KHANG NINH |
Nhận được một số đơn hàng đầu tiên từ sau thời gian giãn cách xã hội, ông Trần Hoàng Thái, Giám đốc Công ty CP Dewoo (chuyên sản xuất cửa nhựa, cửa gỗ tại quận Thanh Khê) cho biết, từ 23-4 đến nay, công ty đã nâng dần số lượng công nhân sản xuất từ 20 lên 35 người, chia đều cho các ca.
Tuy chưa thể tạo việc làm thường xuyên lại cho 70 công nhân của công ty như thời điểm trước khi xuất hiện Covid-19, nhưng đây cũng là những dấu hiệu tích cực cho các hoạt động sản xuất trở lại, đặc biệt là trong ngành xây dựng.
Xây dựng là một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng mạnh trong giai đoạn Covid-19 diễn biến phức tạp. Ông Đỗ Giang Chung, Phó Giám đốc Công ty TNHH Tradeline Việt Nam (sàn thương mại điện tử cho vật liệu xây dựng, máy móc, thiết bị… tại quận Liên Chiểu) cho biết, kể từ cuối tháng 2, tỷ lệ chuyển đổi (tỷ lệ giữa số lượt truy cập vào trang và số lần mua hàng thực hiện trong một khoảng thời gian nhất định) của Tradeline giảm mạnh, đặc biệt mạnh nhất trong giai đoạn giãn cách xã hội.
Ông Chung cho biết, kể từ giữa tháng 4, tình hình kinh doanh của công ty đã khả quan hơn trước. Hiện Tradeline đang triển khai nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp Đà Nẵng hướng đến thương mại điện tử như: không thu “hoa hồng” trên mỗi đơn hàng mà chỉ lấy phí thành viên, khuyến mãi thời gian sử dụng…
Bên cạnh đó, tận dụng xu hướng tăng trưởng của các chỉ số phân tích (tỷ lệ người truy cập mới, số trang xem, tỷ lệ quay lại của người truy cập cũ...), công ty sẽ đẩy mạnh truyền thông, marketing. Trong thời gian tới, Tradeline chủ yếu hướng đến 3 thị trường là Đà Nẵng, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong lĩnh vực vận tải, sau hơn 20 ngày tạm dừng hoạt động, các doanh nghiệp taxi đã hoạt động trở lại từ 23-4. Ông Nguyễn Văn Hiền, Tổng Giám đốc Công ty CP Vận tải và Dịch vụ Phú Hoàng (Taxi Tiên Sa) cho biết: “Sau thời gian khó khăn vừa qua, doanh nghiệp vận tải như chúng tôi rất hy vọng mọi hoạt động đời sống sẽ sớm trở lại bình thường.
Trở lại với hoạt động kinh doanh, chúng tôi luôn tuân thủ quy định khai báo y tế khi di chuyển, không chở quá 50% số ghế, bảo đảm tài xế luôn đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn thường xuyên, trong quá trình chở khách sẽ mở cửa thông gió, hạn chế bật điều hòa”.
Tương tự, một số hãng taxi khác như Airport, Mai Linh… cho biết đã hoạt động trở lại với 20-30% công suất số xe hiện có và bảo đảm yêu cầu về phòng, chống Covid-19. Theo ông Trương Văn Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội taxi thành phố, tuy các hãng taxi đều hoạt động trở lại với tần suất 20-30%, tuy nhiên, lượng hành khách chỉ đạt biên độ 10-15% so với tỷ lệ 30% phương tiện hoạt động.
Nhìn chung, các doanh nghiệp vẫn đang chờ những diễn biến tích cực hơn trong công tác phòng, chống dịch bệnh; khi đó, người dân mới yên tâm để di chuyển trên các phương tiện công cộng trở lại.
Tại Khu Công nghệ cao, đại diện Công ty TNHH Tokyo Keiki Precision Technology cho hay, trong giai đoạn giãn cách xã hội, người lao động của công ty vẫn làm việc bình thường, đồng thời bảo đảm tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch như đeo khẩu trang, cách nhau 2m, sát khuẩn môi trường làm việc thường xuyên…
Hậu giãn cách, công ty tiếp tục duy trì các biện pháp an toàn chống dịch, đặc biệt là việc khử khuẩn xe đưa đón người lao động, chỉ cho phép sử dụng 50% số ghế trên xe. Theo đại diện công ty, trong thời gian tới, số lượng đơn hàng của đơn vị sẽ giảm do tình hình dịch bệnh ở nhiều nơi trên thế giới vẫn còn diễn tiến phức tạp, tuy vậy, công ty vẫn sẽ bảo đảm thu nhập cho người lao động.
Du lịch là một trong những lĩnh vực bị Covid-19 ảnh hưởng nặng nề nhất. Nhìn nhận ở khía cạnh lạc quan, ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Nam (Vitours – quận Hải Châu) cho hay, trong giai đoạn khó khăn về nguồn khách, công ty tập trung vào công tác đào tạo nhân sự, làm mới các sản phẩm tour…
Đây được xem là cơ hội để công ty nâng cao “sức đề kháng”. Ông Tùng nói: “Trong thời gian tới, chúng tôi cũng sẽ thay đổi cơ bản phương pháp khai thác nguồn khách. Cụ thể, chúng tôi sẽ ứng dụng công nghệ, sử dụng thương mại điện tử nhiều hơn”.
Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ thành phố Hà Đức Hùng thông tin, tuy đã có công văn nới lỏng cách ly xã hội từ tối 22-4, tuy nhiên, theo khảo sát từ Hội, các doanh nghiệp mới chính thức “khởi động” lại từ 27-4, hoặc chờ qua dịp lễ 30-4 và 1-5 mới hoạt động sản xuất, cũng có doanh nghiệp đã mở cửa lại ngay từ ngày 23-4 như thời trang, cửa hàng ăn uống…
Tuy nhiên, khách ghé tới các cửa hàng cũng chưa đông. Theo ông Hùng, việc nới lỏng giãn cách xã hội được kỳ vọng sẽ thúc đẩy lưu thông hàng hóa trong thời gian tới. Khó khăn lớn nhất hiện nay là các đơn vị vẫn phụ thuộc vào chuỗi cung ứng toàn cầu khi dịch bệnh làm “đứt gãy” nguồn cung ứng nguyên, vật liệu, ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu và dòng tiền của doanh nghiệp. Chính vì thế, các doanh nghiệp cũng đã chuẩn bị tâm lý việc hồi phục trở lại cũng sẽ mất khá nhiều thời gian.
KHANG NINH - MAI QUẾ