Covid-19 đã và đang có những tác động đến thị trường lao động thành phố. Trong khi một số ngành nghề trước đây có nhu cầu tuyển dụng rất lớn như dệt, may, giày da, dịch vụ du lịch... gần như “đóng băng”, ngược lại, một số ngành nghề mới lại có nhu cầu tuyển dụng số lượng khá lớn.
Sau thời gian tạm dừng, dự báo trong thời gian đến, các công trình xây dựng hoạt động trở lại, kéo theo nhu cầu tuyển dụng thợ xây dựng rất cao. TRONG ẢNH: Thợ xây dựng đang làm việc tại một công trình nhà ở trên địa bàn quận Sơn Trà. Ảnh: T.S |
Dạo một vòng ở các trang thông tin về giới thiệu việc làm ở thời điểm hiện nay rất dễ nhận ra sự đảo chiều của thị trường việc làm. Nếu như trước đây các ngành nghề như xây dựng, dịch vụ viễn thông, may mặc hay dịch vụ du lịch, số doanh nghiệp đăng ký tuyển với số lượng tuyển dụng luôn áp đảo các lĩnh vực khác, thì nay, tình hình hoàn toàn ngược lại.
Những ngày đầu tháng 5 này, trên trang danang43.vn, lĩnh vực giày da chỉ tuyển dụng có 7 chỉ tiêu, dệt may thì “rớt sâu” với chỉ 16 chỉ tiêu. Tương tự, trên trang tuyendungdanang.com.vn, lĩnh vực dịch vụ du lịch chỉ tuyển dụng 43 chỉ tiêu; lĩnh vực thực phẩm, đồ uống 14 chỉ tiêu; cá biệt, lĩnh vực viễn thông chỉ có 1 chỉ tiêu. Đáng nói, theo các doanh nghiệp, đến nay, số lượng hồ sơ nộp xin việc rất khiêm tốn. Ở chiều ngược lại, một số ngành như bán hàng, trên trang danang.43.vn thông báo tuyển dụng đến 1.061 chỉ tiêu, chăm sóc khách hàng với 563 chỉ tiêu, bất động sản 325 chỉ tiêu... Trên trang tuyendungdanang.com.vn cũng tuyển dụng đến 773 chỉ tiêu cho lĩnh vực bán hàng.
Bình luận về những con số này, ông Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc Nhân sự khách sạn Hoàng Quân (quận Sơn Trà) cho rằng, sự biến động về thị trường lao động như trên phản ánh đúng quy luật cung cầu. Đơn cử như lĩnh vực dịch vụ du lịch hoàn toàn “tê liệt” trong những tháng vừa qua do ảnh hưởng bởi Covid-19, việc giữ chân người lao động đã khó nên hạn chế tuyển dụng mới là điều dễ hiểu. “Mặc dù vậy chúng tôi cũng phải có kế hoạch nhân sự cho thời kỳ hậu Covid-19, đặc biệt là các vị trí quan trọng như maketing và bếp trưởng... Chính vì vậy, trong thời gian qua dù không hoạt động, nhưng đơn vị vẫn cố gắng trả 50% lương để giữ chân người lao động”, ông Tuấn nói.
Cùng quan điểm, ông Lê Thanh Tuấn, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Dịch vụ xe du lịch và vận tải hành khách Hà Trung (quận Liên Chiểu) cho biết: “Liên tiếp trong tháng 2 và tháng 3-2020, doanh thu của chúng tôi chỉ còn 50%; bước qua tháng 4 chỉ còn 20% so với cùng thời điểm năm 2019. Tuy nhiên, trên tinh thần chia sẻ khó khăn lẫn nhau, chúng tôi vẫn cố gắng trả lương cho nhân viên với đồng mức giảm 30%. Bước sang tháng 5, khi Chính phủ cho phép hoạt động vận tải trở lại thì hầu hết nhân viên đều trở lại làm việc”.
Tuy nhiên, không phải ở lĩnh vực nào người sử dụng lao động cũng đều có thể tìm được tiếng nói chung với người lao động, nên tình trạng người lao động bỏ việc là chuyện không hiếm. Ông T. B. T, giám đốc một công ty xây dựng dân dụng trên địa bàn thành phố cho biết, ngay khi Chính phủ có chủ trương thực hiện việc giãn cách xã hội thì cũng là lúc người lao động bỏ việc hàng loạt. Tương tự, ở lĩnh vực lao động tự do, do đặc trưng công việc phải tiếp xúc gần như thợ hớt tóc, dịch vụ làm đẹp, chăm sóc sức khỏe... hoặc những nghề tập trung đông người như phụ bán ở chợ, điểm du lịch..., người lao động còn tâm lý e ngại nên cũng không mặn mà quay lại với công việc trong thời điểm này.
Theo Trung tâm giới thiệu việc làm (thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố), tính đến hết tháng 3-2020, lượng hồ sơ đăng ký thất nghiệp đã tăng khoảng 3.000 hồ sơ so với cùng kỳ năm 2019. Trong số này, nhóm ngành nghề dịch vụ du lịch, điện tử và dệt may chiếm số lượng nhiều nhất. Thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội mới đây cũng cho biết hiện thành phố có gần 60.000 lao động phải chấm dứt hợp đồng lao động, hoặc nghỉ không lương. Đây là những yếu tố sẽ có tác động trực tiếp đến thị trường lao động trong thời gian đến, khi Covid-19 bị đẩy lùi, hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại bình thường.
T.S