Sáng 30-6, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), ông Nicolas Audier đồng chủ trì Hội nghị “Cải cách quy định hành chính: Chìa khóa thực thi thành công EVFTA”.
Hội nghị thảo luận về các kế hoạch cách cải cách TTHC góp phần mở khóa toàn bộ tiềm năng của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA), dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày 1-8-2020.
Cơ hội thu hút đầu tư
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV vừa qua, 457/457 đại biểu Quốc hội đã biểu quyết tán thành và thông qua việc phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) và Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVIPA).
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Trần Việt/TTXVN. |
“Có thể khẳng định, với những nền tảng vững chắc sau 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, việc triển khai Hiệp định EVFTA và tới đây là Hiệp định EVIPA sẽ tạo dựng những khuôn khổ ổn định, lâu dài, nhằm tối đa hóa tiềm năng hợp tác, đưa quan hệ kinh tế-thương mại-đầu tư tương xứng với tầm vóc của quan hệ đối tác hợp tác toàn diện Việt Nam-EU. Việc triển khai Hiệp định EVFTA cũng khẳng định sự phát triển mang tính chiến lược của quan hệ song phương, thể hiện sự coi trọng vị trí của nhau trong chiến lược đối ngoại, phát triển và hội nhập của mỗi bên, góp phần làm sâu sắc và tạo đan xen lợi ích lâu dài, đóng góp cho hòa bình, ổn định, phát triển của hai bên, cũng như của hai khu vực Á-Âu và trên thế giới”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết.
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch EuroCham Nicolas Audier cho biết: “Khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU có hiệu lực vào tháng 8, điều quan trọng lúc này là cộng đồng doanh nghiệp và Chính phủ Việt Nam phải hợp tác chặt chẽ với nhau, đảm bảo việc thực thi suôn sẻ và thành công Hiệp định. Một trong những yếu tố hàng đầu đó là tiếp tục thúc đẩy về những tiến bộ tích cực trong cải cách hành chính, hợp lý hóa các điều kiện kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư, và hiện đại hóa khung pháp lý.
Cùng với đối thoại, tại hội nghị cũng diễn ra Lễ ra mắt Sách Trắng EuroCham-ấn bản lần thứ 12. Đây là báo cáo thường niên của EuroCham, trong đó tổng hợp các vấn đề quan trọng đối với hoạt động kinh doanh của 17 Tiểu ban ngành nghề thuộc EuroCham, cùng với kiến nghị mà Chính phủ có thể thực hiện nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường thương mại và đầu tư với Liên minh châu Âu.
“Trong khi các nền kinh tế khác trên thế giới còn đang phải vật lộn với tác động của đại dịch Covid-19, Việt Nam hiện đang có cơ hội vàng để tận dụng EVFTA và thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) từ các công ty châu Âu – những doanh nghiệp đang tìm kiếm thị trường mở, cạnh tranh và thân thiện với doanh nghiệp”, Chủ tịch EuroCham Nicolas Audier cho biết.
Việt Nam đã thực hiện nhiều cải cách thủ tục hành chính
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, sự xuất hiện, bùng phát dịch Covid-19 đã và đang tác động đến nhiều mặt kinh tế-xã hội tại Việt Nam. Tuy nhiên, trong thời gian qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết, đồng lòng của người dân cả nước, đến nay, Việt Nam đã cơ bản kiểm soát tốt dịch bệnh, không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, đồng thời, xác lập “trạng thái bình thường mới”, quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép”, vừa chống dịch, vừa tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, phục hồi nền kinh tế.
Mặc dù dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2020 chỉ đạt mức 2,7-4,9% do nền kinh tế bị tác động cả ở phía cung và cầu, tuy nhiên, các tổ chức quốc tế vẫn đánh giá Việt Nam là một trong số ít nước đạt được mức tăng trưởng dương và có ảnh hưởng của dịch thấp hơn các nước khác.
Để kịp thời ứng phó với đại dịch Covid-19, chia sẻ khó khăn, bảo đảm cuộc sống cho người lao động, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp mạnh mẽ để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, an ninh lương thực, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm an sinh xã hội và trật tự an toàn xã hội.
Đồng thời, chuyển đổi mạnh mẽ phương thức làm việc của các cơ quan hành chính nhà nước trong công tác chỉ đạo, điều hành và cung cấp dịch vụ công; từ việc xử lý hồ sơ, văn bản, giải quyết công việc thủ công chuyển sang xử lý hồ sơ, văn bản, giải quyết công việc trên môi trường điện tử, phi giấy tờ; tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, sản phẩm hàng hóa kiểm tra chuyên ngành.
Từ đầu năm tới nay, Chính phủ tiếp tục cắt giảm 239 điều kiện kinh doanh, nâng tổng số điều kiện kinh doanh được cắt giảm từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ Khóa XIV đến nay là 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh; cắt giảm 6.776/9.926 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành và 30/120 thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành. Tổng chi phí xã hội tiết kiệm được từ việc cắt giảm, đơn giản hóa ước tính khoảng hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm.
Bên cạnh đó, các bộ ngành đã có phương án xử lý 1.501 mặt hàng chồng chéo trong kiểm tra chuyên ngành; tới đây tiếp tục thực hiện thủ tục hải quan điện tử phù hợp chuẩn mực quốc tế và cải cách kiểm tra chuyên ngành theo hướng cơ quan Hải quan là đầu mối kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu, bộ quản lý chuyên ngành thực hiện hậu kiểm.
Mới đây, ngày 8-4-2020 Chính phủ đã ban hành ban hành Nghị định số 45/2020/NĐ-CP về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử và ngày 12-5-2020 tiếp tục ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025, tập trung cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và 20% chi phí tuân thủ liên quan đến hoạt động kinh doanh cho người dân, doanh nghiệp.
Thêm vào đó, việc giải quyết thủ tục hành chính được cải thiện và dịch vụ công qua triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông nhận được nhiều phản hồi tích cực. Đến nay, đã có 58/63 tỉnh, thành phố thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh, tỷ lệ giải quyết đúng hẹn đạt 95,8%.
Đặc biệt, Cổng Dịch vụ công quốc gia, sau 6 tháng 21 ngày đi vào hoạt động kể từ ngày 9-12-2019, đến nay, đã tích hợp, cung cấp 725 dịch vụ công trực tuyến; có hơn 178 nghìn tài khoản đăng ký; hơn 46,3 triệu lượt truy cập tìm hiểu thông tin và thực hiện dịch vụ; hơn 10,5 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái để phục vụ tra cứu, theo dõi, giám sát, đánh giá quá trình giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính.
Tính đến nay có hơn 151.000 hồ sơ thực hiện trực tuyến từ Cổng Dịch vụ công Quốc gia, trong đó có 889 hồ sơ của người sử dụng lao động đề nghị hỗ trợ vay vốn hoặc hỗ trợ lao động tạm ngừng việc, nghỉ việc không hưởng lương do đại dịch Covid-19. Tổng chi phí xã hội tiết kiệm được khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến khoảng 6.490 tỷ đồng/năm, trong đó, riêng Cổng dịch vụ công quốc gia đóng góp 3.036 tỷ đồng/năm.
Bên cạnh đó, hệ thống thanh toán trực tuyến các nghĩa vụ tài chính trong thực hiện thủ tục hành chính trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia mới đưa vào thực hiện từ tháng 3-2020 nhưng đến nay, sau 3 tháng triển khai, đã tích hợp, cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến với 06 bộ, ngành và 31/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và đã có hơn 2.100 lượt giao dịch thành công.
Như vậy, số lượng dịch vụ công trực tuyến được tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia tăng gấp 90 lần so với thời điểm khai trương và 4,5 lần so với 3 tháng trước đây (tháng 3-2020 là 161 dịch vụ và tháng 12-2019 là 8 dịch vụ), trung bình mỗi quý thực hiện tích hợp, cung cấp khoảng hơn 350 dịch vụ công trực tuyến.
Theo Báo Tin tức